Việt Nam Thời Báo

VNTB – Ông Trọng

Mạnh Kim

 

(VNTB) – Di sản đố lò khổng lồ và đầy tính lịch sử này là một di sản hai mặt

 

Di sản lịch sử của ông Nguyễn Phú Trọng là cuộc chiến đốt lò. Tính đến giữa năm 2024, toàn bộ 1/3 trong 18 quan chức đảng từng là ủy viên Bộ Chính trị vào thời điểm diễn ra Đại hội Đảng 2021 đã bị thanh trừng. Trong đó có hai chủ tịch nước, một phó thủ tướng, một chủ tịch Quốc hội và một thành viên thường trực Quốc hội. Một số nhân vật từng hét ra lửa trong Ban Bí thư cũng bị cách chức khỏi Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Tuy nhiên, di sản khổng lồ và đầy tính lịch sử này là một di sản hai mặt. Thành công để lại dấu ấn lớn nhất của nó là triệt hạ đế chế Nguyễn Tấn Dũng. Dù vậy, di sản này có nhiều thất bại và thất bại lớn nhất là ông Trọng đã không tạo ra được sự kế thừa để cuộc chiến chống tham nhũng không bị hổng chân một khi ông buông tay. Còn nữa, thất bại cay đắng nhất là ông Trọng không đánh từ gốc. Tham nhũng ở Việt Nam không phải là vấn đề cá nhân, không phải là chuyện đạo đức đảng viên. Nó là vấn đề của hệ thống. Nó là con đẻ được sinh ra từ chính Đảng cai trị. Hậu quả, cuộc chiến chống tham nhũng chỉ là cuộc chém giết nội bộ. Tham nhũng vẫn tàn phá đất nước. Theo xếp hạng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, chỉ số tham nhũng Việt Nam hiện đứng ở vị trí 83 trong 180 quốc gia, sau Trung Quốc và Cuba.

Hậu quả cuộc chiến đốt lò còn dẫn đến việc hình thành sự ngạo mạn của bộ máy cai trị, biến Việt Nam thành một nhà nước công an trị toàn diện. Những “cải cách cơ cấu” vô hình trung tiếp thêm sinh lực cho Đảng và gắn kết thể chế Đảng với bộ máy an ninh nhà nước. Ông Trọng từng nói rằng Bộ Công an là “thanh kiếm và lá chắn” của Đảng. Cần biết, ngân sách hàng năm ước tính của Bộ Công an đã tăng từ 96,1 nghìn tỷ đồng (3,77 tỷ USD) tính đến năm 2021 lên 114 nghìn tỷ đồng vào thời điểm hiện tại (2024).

Dưới sự giám sát của ông Trọng, Bộ Công an trở thành siêu quyền lực, ảnh hưởng đến các vấn đề của Đảng và Nhà nước với mức độ chưa từng có. Song song cuộc chiến tham nhũng và trao quyền nhiều hơn cho Bộ Công an, không chỉ “củi” mới bị đốt. Điều quan tâm của ông Trọng là không chỉ làm trong sạch bộ máy Đảng. Ông còn đặt trọng tâm vào việc “ổn định xã hội”, theo cách hệt Trung Quốc. Xã hội dân sự, do đó, trong thời gian ông Trọng ngồi ghế tổng bí thư, bị tấn công một cách khốc liệt. Dưới thời ông Trọng, hoạt động xã hội dân sự trở nên bi thảm. Các chiến dịch bắt bớ và vi phạm nhân quyền ngày càng hỗn loạn và bất chấp.

Cần nhắc lại, sự kiện Đồng Tâm với việc giết ông Lê Đình Kình đã xảy ra ngay dưới mũi ông Trọng. Dưới thời ông Trọng, sự kiểm soát xã hội là ưu tiên hàng đầu, quan trọng không kém cuộc chiến đốt lò. “Nếu để xảy ra bất ổn, chúng ta không thể nói đến việc phát triển kinh tế hay đầu tư các dự án” – Tô Lâm từng nói như vậy vào năm 2023. Trong bài viết ngày 9-5-2024 trên Chatham House, Bill Hayton – nhà bình luận chính trị Việt Nam quen thuộc – viết: “Bất cứ ai thắng trong cuộc đua giành ghế tổng bí thư, đất nước (Việt Nam) vẫn trở thành một quốc gia công an trị đúng nghĩa” (Whoever wins the race to become the next general secretary of the CPV, the country will have taken a turn towards becoming a literal police state). Trong quá khứ lẫn hiện tại, Đảng chỉ quan tâm một điều duy nhất: Sự sống còn của chế độ.

Điều cuối cùng cần nói về di sản ông Trọng là cuộc chấn chỉnh nội bộ Đảng lẫn “ổn định xã hội” của ông đang có lợi cho Trung Quốc. Việc trao thượng phương bảo kiếm cho Tô Lâm đã biến ông trở thành nhân vật nắm trong tay quyền lực tuyệt đối. Chính sách kiểm soát nội an và nội chính của Tô Lâm ngày càng giống Trung Quốc. Nếu một kẻ ở Hà Nội có sẵn khuynh hướng công an trị và đi theo mô hình phản dân chủ thì Bắc Kinh hẳn nhiên bỏ ra ít “công lực” hơn để lôi kéo về phía họ. Điều đó đồng nghĩa với việc Washington trở nên khó khăn hơn trong việc thúc đẩy bang giao gần gũi nhằm biến Hà Nội thành đối trọng cân bằng trong cuộc giằng co với Trung Quốc.

Cũng cần để ý thêm, “thái thú” Trung Quốc tại Việt Nam hiện là Hùng Ba (Xiong Bo), một kingmaker có vai trò rất lớn trong việc xây dựng quan hệ Trung Quốc-Campuchia thời đương sự còn làm đại sứ tại Phnom Penh (từ 2016-2018). Với sự dẫn dắt của Hùng Ba, Campuchia đã đi sâu vào quỹ đạo Trung Quốc. Và dưới thời Hùng Ba, Thủ tướng Hun Sen đã thắt chặt kiểm soát an ninh nội chính. Báo chí tự do bị xóa sổ, những gương mặt chính trị gia đối lập bị triệt hạ không nương tay và kinh tế Campuchia lệ thuộc toàn diện vào Trung Quốc.

Những ngày này, ở Việt Nam, Hùng Ba chỉ là nhà quan sát thời cuộc, tọa sơn quan hổ đấu, hay bí mật can thiệp vào cuộc chiến tranh giành quyền lực tóe lửa ở Hà Nội? Không ai có thể dám cả quyết. Hùng Ba có “cố vấn” cho Tô Lâm hay không, không người nào dám khẳng định. Nhưng chắc chắn rằng, với những diễn biến như hiện tại, Hùng Ba có thể báo cáo về Bắc Kinh rằng, Trung Quốc chẳng có gì phải lo. Việt Nam vẫn nằm trong quỹ đạo Trung Quốc, tương lai dân chủ Việt Nam vẫn chỉ là điều mà các lý thuyết gia mong mỏi, và “cây tre” Việt Nam vẫn không nghiêng về phía Hoa Kỳ.

___________

-Nguyễn Xuân Phúc: Ngày 17-1-2023, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã họp xem xét và “cho ý kiến” về “nguyện vọng” thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác và nghỉ hưu của Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng quốc phòng, an ninh nhiệm kỳ 2021-2026.

-Võ Văn Thưởng: Ngày 20-3-2024, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII lại “họp xem xét”, và “cho ý kiến” về việc cho thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác của Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh nhiệm kỳ 2021-2026.

-Vương Đình Huệ: Ngày 26-4-2024, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tiếp tục “họp xem xét” và “cho ý kiến” việc cho thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác của Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026.

-Trần Thanh Mẫn: Ngày 20-5-2024, Quốc hội “bầu” Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội giữ chức Chủ tịch Quốc hội.

-Tô Lâm: Ngày 22-5-2024, với 465/465 đại biểu biểu quyết tán thành, Quốc hội thông qua Nghị quyết phê chuẩn miễn nhiệm chức Bộ trưởng Công an của Tô Lâm. Trong cùng ngày, 472/473 đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, thông qua Nghị quyết “bầu” Tô Lâm giữ chức Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026.


 


Tin bài liên quan:

VNTB – Tô Lâm đã mắc sai phạm gì?

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Chiến công cuối cùng của Nguyễn Phú Trọng

Phan Thanh Hung

VNTB – Tô Lâm là ai? ( bài 3)

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.