Thảo Vy (VNTB) Sao lại để cho báo chí nước ngoài “nói xấu Đảng và Nhà nước VN”?
Cho đến nay có ít nhất 3 cơ quan truyền thông nước ngoài, gồm BBC, Reuters, VOA đã đưa nhiều bản tin về chuyện Việt Nam phải ngừng khoan thăm dò dầu khí trên biển Đông do bị Trung Quốc đe dọa. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 26-7 được Reuters dẫn lời nói: “Trung Quốc thúc giục bên liên quan dừng các hoạt động vi phạm đơn phương và có hành động thiết thực bảo vệ cho khu vực biển mà không dễ có được”.
Sao lại để cho báo chí nước ngoài “nói xấu Đảng và Nhà nước VN”?
Trên trang bằng tiếng Việt của BBC và VOA, các bài viết về chuyện Petro VietNam buộc phải dừng hợp tác với Repsol quanh lô 163-03, nơi đang khai thác dự án dầu Cá Rồng Đỏ, đã được BBC, VOA “mở cửa” phần bình luận, và kết quả là rất nhiều “còm – men” bày tỏ sự thất vọng, chê trách, phẫn nộ trước sự cúi đầu khom lưng của Hà Nội.
Nói như lời của luật sư Trần Vũ Hải, thì “hiện trên mạng xã hội và báo chí nước ngoài có một loạt bài viết mang tính “bôi nhọ” lãnh đạo và quân đội Việt Nam là ươn hèn, mới bị doạ đã tháo chạy, không bảo vệ được quyền lợi của quốc gia, tạo tiền lệ xấu cho Trung Quốc tiếp tục hung hăng doạ nạt sau này để đạt kết quả theo ý của Trung Quốc. Tôi không đồng ý với những suy diễn này, đáng tiếc tôi không đủ thông tin lẫn thẩm quyền để “cực lực bác bỏ”.
Luật sư Trần Vũ Hải đề xuất: “Thiết nghĩ để đập tan âm mưu bôi nhọ và hãm hại nhan hiểm trên và tránh để nhân dân hiểu nhầm, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng cần có cuộc họp báo công khai phản đối những thông tin bậy bạ hoặc chưa chính xác trên. Việt Nam cần kiện những cơ quan báo chí có những thông tin sai lệch như vậy ra Toà án nước ngoài, dạy cho họ những bài học đích đáng!”.
Ông Võ Văn Thưởng đã tham mưu gì cho Tổng Bí thư?
Về truyền thông trong nước, không có bất kỳ tờ báo này đưa tin vụ việc này. Trên mạng xã hội facebool, đáng chú ý là thông tin vụ Việt Nam buộc Repsol dừng khoan thăm dò, dường như được đăng tải trước cả BBC, là từ trang facebook của cựu phóng viên báo Tuổi Trẻ, ông Trương Huy San (bút danh Huy Đức). Sau khi rời báo Tuổi Trẻ, ông Huy San nổi tiếng với tác phẩm “Bên thắng cuộc”, nói về hậu trường chính trị của nhà nước cộng sản Việt Nam.
Đăng sau BBC vài giờ là trang facebook của nữ cựu phóng viên báo Công an TP.HCM, Lê Nguyễn Hương Trà. Bà Hương Trà nói rằng nhiều tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư của Việt Nam vẫn đang bảo vệ dàn khoan của Repsol quanh lô 163-03. Nội dung này được đánh giá là tương tự một ghi nhận của Reuters.
Thế nhưng lâu nay “hèn với giặc, ác với dân” đã là ta thán cửa miệng của nhiều người dân Việt Nam. Do đó người dân càng tin rằng câu chuyện Hà Nội vì lời hăm he của Bắc Kinh nên đã chấp nhận lùi bước, nhường mỏ dầu trên vùng biển của mình cho quan thầy Trung Quốc, là một câu chuyện có thật.
Ông Võ Văn Thưởng là người đứng đầu Ban Tuyên giáo Trung ương, nên ông phải chịu mọi trách nhiệm, khi dường như ông đã đưa ra ý kiến tham mưu “hãy im lặng” trước các thông tin vốn được coi là “nói xấu Đảng và Nhà nước”.
Không thể chờ đợi được nữa, như ý kiến của luật sư Trần Vũ Hải: “Để đập tan âm mưu bôi nhọ và hãm hại nham hiểm trên và tránh để nhân dân hiểu nhầm, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng cần có cuộc họp báo công khai phản đối những thông tin bậy bạ hoặc chưa chính xác trên. Việt Nam cần kiện những cơ quan báo chí có những thông tin sai lệch như vậy ra Toà án nước ngoài, dạy cho họ những bài học đích đáng!”.
Hình ảnh của Đảng và Nhà nước Việt Nam đang tiếp tục xấu đi trước sự im lặng của ông Võ Văn Thưởng.