Hoài Nguyễn
(VNTB) – Hai luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM đang đối mặt cáo buộc án hình sự theo điều 331 về liên quan đến những ý kiến vụ án ‘tịnh thất Bồng Lai’.
Theo nội dung tin báo của Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05 – Bộ Công an) gửi Công an tỉnh Long An, thực hiện công tác quản lý nhà nước và đấu tranh phòng chống tội phạm sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, A05 phát hiện một số cá nhân, trong đó có luật sư Đào Kim Lân và luật sư Đặng Đình Mạnh, đã có hành vi phát tán trên không gian mạng qua đoạn clip những hình ảnh, lời nói, bài viết có dấu hiệu tội phạm lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân, theo điều 331 Bộ luật Hình sự.
Bình luận liên quan điều luật “lợi dụng quyền tự do dân chủ”, một luật sư cảm thán nói rằng ở Việt Nam khi đăng đàn lên tiếng phản biện, hay ý kiến cụ thể một vấn đề nào đó, thì tùy tình hình chính trị và cả ‘buồn vui’ của lãnh đạo, mà người đó dễ đối mặt với hình sự hóa một quyền dân sự.
Trong trường hợp hai luật sư đang được ‘mời cà phê’ kể trên, người viết cho rằng cần nhìn nhận theo điều 10 của Bộ luật dân sự, theo đó quy định về Giới hạn việc thực hiện quyền dân sự như sau: “1. Cá nhân, pháp nhân không được lạm dụng quyền dân sự của mình gây thiệt hại cho người khác, để vi phạm nghĩa vụ của mình hoặc thực hiện mục đích khác trái pháp luật.
2. Trường hợp cá nhân, pháp nhân không tuân thủ quy định tại khoản 1 điều này thì tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác căn cứ vào tính chất, hậu quả của hành vi vi phạm mà có thể không bảo vệ một phần hoặc toàn bộ quyền của họ, buộc bồi thường nếu gây thiệt hại và có thể áp dụng chế tài khác do luật quy định”.
Điểm d, khoản 1 điều 9 Luật An ninh mạng năm 2018 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, tại điều 9 thể hiện: “Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế – xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác”.
Người viết cho rằng cả hai vị luật sư trên chắc chắn hiểu rõ về thế nào là “mục đích khác trái pháp luật”, là “quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác”,… do đó chắc chắn họ cũng biết tường tận về quyền dân sự ở Việt Nam trên thực tế là như thế nào để bảo vệ bản thân, và hành nghề bảo vệ cho thân chủ trong tố tụng.
Và nếu bị cáo buộc tội hình sự, tin chắc cả hai vị luật sư nói trên hiểu rất rõ rằng, Viện kiểm sát truy tố bị can đều dựa vào Bản kết luận giám định nội dung các bài viết, bài nói của bị can.
Thế nhưng bản kết luận giám định này không phải là kết quả của các phương pháp lý hoá, hay toán học. Nó là kết quả của ý chí chủ quan của các giám định viên. Nói một cách khác, bản kết luận giám định thực chất là bản luận tội bị can mà không có tranh tụng. Và tại các phiên tòa các giám định viên không bao giờ có mặt để trả lời chất vấn của các luật sư.
Nói cách khác, chính các giám định viên giấu mặt đã “trùm chăn” kết tội các bị can, bị cáo. Sau đó, toà án chỉ việc hợp thức hóa bản kết luận giám định bằng một phiên tòa, không có tranh tụng vì đối tượng chính để tranh tụng là giám định viên vắng mặt.
Bản kết luận giám định là ý chí chủ quan, mang tính định tính. Nó không phụ thuộc vào hành vi cấu thành tội phạm của bị can, bị cáo mà phụ thuộc vào nhân thân, tư tưởng của các bị can, bị cáo…