Ghi chép của Ngọc Lan
(VNTB) – Bốn trợ lý cùng hai thư ký của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cần có những ghi chép cẩn trọng về ý kiến của những nhân sĩ, văn sĩ, nhà báo về bản án chính trị đã tuyên đối với bà Phạm Đoan Trang.
Yêu cầu trên là cấp thiết vì sự tồn vong của chế độ. Lưu ý, theo quy định, trợ lý của ông Nguyễn Phú Trọng được hưởng lương và chính sách, chế độ tương đương thứ trưởng, do đó cần phải hiểu nên giúp thủ trưởng ra sao để có thể ‘ngồi vững như bàn thạch’ trước sóng gió chính trường.
Nhà báo Dạ Ngân, cựu Trưởng ban Văn xuôi của báo Văn nghệ, viết ngay sau đêm nhận tin bản án tuyên 9 năm tù dành cho bà Phạm Đoan Trang, một cựu nhà báo của tờ Pháp luật TP.HCM:
“Tù chính trị
Tôi biết thế nào là gia đình của tù nhân chính trị. Ba tôi (cùng thời với ông Võ Văn Kiệt) theo Việt Minh nhưng là con trai một nên không đi tập kết. Năm 1956 ông bị chế độ ông Diệm bắt, một phiên toà hẳn hoi, tội làm chính trị, án 20 năm khổ sai Côn Đảo.
Nhà thuộc vùng Việt Minh và sau đó, vẫn thuộc vùng bên Trong, gia tộc kính trọng ba tôi. Nhưng ai trong cảnh không lúc nào quên người chịu án tù chính trị mới hiểu chúng tôi chan cơm bằng nước mắt hay chan bằng gì. Thụ án mới 6 năm ba tôi chết trong xà lim cấm cố. Ông nội tôi không chịu nổi, sáu tháng sau ông qua đời.
Tôi luôn nghĩ, nếu ba tôi còn sống, hoặc ông về ẩn vì hết chịu nổi đám hậu sinh ăn tàn phá hại hoặc ông sẽ nói như ông Kiệt “Triệu người vui thì có triệu người buồn, tốt nhất đừng nhảy dựng lên”.Thời của ba tôi, lý tưởng đàng hoàng làm người trong một quốc gia nhược tiểu nhưng độc lập.
Một đêm mất ngủ sau phiên xử nhà báo Phạm Đoan Trang, nghĩ người mẹ và những người ruột thịt có con tù chính trị, tôi ứa nước mắt. Sẽ có người quát, “Sao dám so Đoan Trang với những người như ba tôi?”.
Nhưng sao tôi không thể quát lại: Thế hệ Việt Minh hiến mình cho đất nước khỏi ách thực dân, thế hệ chúng tôi hiến mình cho non sông một dải còn thế hệ Trần Huỳnh Duy Thức, Phạm Đoan Trang… thì hiến mình cho một quốc gia dân chủ, hùng cường!
Thế giới vận động, không quốc gia nào đứng yên. Lý tưởng của mỗi thời sẽ không giống nhau nhưng tựu trung đều để xã hội nhích đi, bước ra, chạy vụt lên hoà vào ánh sáng muôn nơi. Không có sự hy sinh vô ích. Tôi tin rằng có hàng chục triệu người như tôi và cũng đang mong muốn giống tôi và kính trọng Đoan Trang cho dù họ không lên tiếng.
Rồi sẽ có Mandela của đất nước này, bởi người Việt chúng ta biết yêu đất nước mình bằng tình yêu qua hàng ngàn năm thử thách. Các bạn có cùng tin với tôi không?”.
Luật gia Nguyễn Thị Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý và Kinh doanh Quốc tế thuộc Hội luật gia Việt Nam, cảm thán với những câu thơ nhẹ nhàng với tựa đề được đóng khung bằng hai chữ “Tự do”:
Mọi người đang nói về em
Với khung hình phạt kể xem hết đời
Tuổi thanh xuân chỉ một thời
Còn đâu nhìn ngắm bầu trời xanh trong.
Tự do hai chữ dân mong
Nằm trong khuôn khổ luật công rõ ràng
Chúc em trí lực vững vàng
Hiến pháp bảo vệ sẵn sàng vì dân.
Cựu phó chánh án Tòa án nhân dân tối cao, bà Dương Thị Thanh Mai bình về ý tứ bài thơ trên bằng sự đồng cảm: “Nguyễn Thị Sơn ơi, hay quá, cảm ơn nha”.
Nhà khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu chua chát: “Người ra bỏ tù em 9 năm vì lời nói tự do.
46 năm trước ở Sài Gòn một con đường mang tên Tự do đã không còn nữa.
Sáng nay
Tôi ngồi quán cà phê Tự do ở thủ đô Hà Nội
Nghe xung quanh thì thầm về bản án
Cho một CON NGƯỜI tranh đấu vì Tự do!”.
Ông nghị một thời của TP.HCM – Đặng Văn Khoa, bình: “Buồn cho đất nước mình”…