Trúc Chi
(VNTB) – Đã lên tiếng phản đối thì phải phản đối đúng đối tượng!
Hãng H&M sau khi lên tiếng chỉ trích Trung Quốc việc vụ bông Tân Cương sử dụng nô lệ lao động, gây ra cuộc khủng hoảng bị tẩy chay trên diện rộng ở thị trường đông dân nhất thế giới với 560 cửa hàng bán lẻ, cuối cùng đã phải khấu đầu thoả hiệp với Trung Quốc.
Hãng H&M đã chấp thuận điều chỉnh bản đồ liên quan đến Đài Loan và một số đảo khác. Mạng Weibo đưa hình bản đồ có đường lưỡi bò, và từ đó đã khiến dân cư mạng Việt Nam nổi giận khi cho rằng H&M đã phải vẽ thêm đường lưỡi bò vào bản đồ theo yêu cầu của Trung Quốc.
Những người sử dụng Facebook đã lên tiếng kêu gọi tẩy chay hãng thời trang giá rẻ này và không quên kèm theo những lời bình luận chê bai chất lượng hàng hoá của hãng thời trang Thuỵ Điển. Một Fan Page “Tẩy chay H&M” cũng đã kịp thời được thành lập để mạt sát hãng thời trang Thuỵ Điển và kêu gọi người dùng Facebook đổ xô vào Google để đánh giá nhãn hàng này 1 sao.
Chất lượng và kiểu dáng của H&M phục vụ cho fast-fashion, thời trang chỉ mặc theo mùa rồi bỏ. Sản phẩm áo thun cotton của H&M đúng là không bền, dễ bị lệch form, dễ hư rách, nhưng những sảnh phẩm từ các chất liệu khác khá là bền. Họ cũng có dòng sản phẩm hữu cơ, sản phẩm chất lượng cao và cả dịch vụ nhận lại đồ cũ. Việc tẩy chay hàng hoá của H&M ở Việt Nam sẽ không làm cho hãng mấy bận tâm vì chưa thâm nhập thị trường sâu.
H&M không phải là hãng duy nhất đăng bản đồ có đường lưỡi bò trên trang mạng tiếng Hoa. Điểm qua các hãng nổi tiếng hay không mà có mạng lưới kinh doanh ở Hoa Lục đều sẽ có bản đồ như vậy. Báo Thanh Niên cũng đã phát hiện ra điều này ở trang bán hàng của các hãng nổi tiếng như Chanel, Louis Vuitton, Gucci, UNIQLO, YSL…
Thế thì bây giờ có tẩy chay luôn những nhãn hiệu thời trang này hay không? Liệu có ra tiếp các Fan Page kêu gọi tẩy chay tương tự?
Những ai đã sở hữu vài món hàng của các nhãn hàng cao cấp này và sẽ sẵn sàng tẩy chay nốt cũng như không sử dụng hàng của họ nữa? Một chục món quần áo hay đồ phụ kiện lặt vặt của H&M sẽ rất dễ dàng vứt bỏ, hay tẩy chay vì chúng quả rẻ. Chỉ mặc một hai lần rồi vứt đi không thương tiếc, chỉ tổn hại cho môi trường phải tiêu thụ một lượng rác thải ghê gớm.
Nhưng những món hàng xa xỉ phẩm của Channel với một cái giỏ xách lên đến năm bảy nghìn đô la, rẻ thì cũng phải một nghìn cho một cái giỏ xách nho nhỏ của LV hay Gucci đã được mua để khẳng định sự sành điệu thì có dễ dàng bỏ đi như một cái áo H&M có giá 10 đô la? Tôi dám chắc là không.
Không chỉ là thời trang, mà tất cả mọi mặt hàng như cả xe hơi như BMW cũng có bản đồ đường lưỡi bò trên mạng tiếng Hoa. Liệu rồi sẽ có cả làn sóng tẩy chay từ iphone cho tới BMW ở Việt Nam? Tôi cho là không.
Thời gian này, Trung Quốc đang tích cực làm tốt hình ảnh của quốc gia họ, sử dụng chiến lang và tất cả các phương tiện truyền thông, kể cả tin giả, để bác bỏ thông tin bông Tân Cương được làm từ nô lệ lao động là người Duy Ngô Nhĩ. Những người chỉ biết đến thời trang đã vội vàng nhảy vào tẩy chay nhãn hàng này, vô tình đã tiếp tay cho việc xoá bỏ cáo buộc về sợi bông Tân Cương mà Trung Quốc đang ra sức bác bỏ.
Hoa Kỳ, Liên Âu, Canada, Anh Quốc đều đã lên án nhưng vụ việc liên quan đến Tân Cương. Trung Quốc đang mất dần đi những người bạn ở phương Tây. Người Việt Nam lại nhẩy vào tẩy chay nhãn hàng hoá cùng người Trung Quốc lại cũng đã vô tình tiếp thêm sức mạnh cho bộ máy tuyên truyền và đội quân làm tin giả ở Trung Quốc trong cuộc chiến ra sức làm đẹp hình ảnh quốc gia đang ngày càng xấu đi của Bắc Kinh.
Vì vậy thay vì tẩy chay một nhãn hàng phương tây chỉ có một lỗi là phải đăng bản đồ có đường lưỡi bò mà họ buộc phải tuân theo khi vào thị trường Hoa Lục thì hãy nghĩ xem đâu là nguồn cơn của đường lưỡi bò ở Biển Đông?
Để cho dễ thực hiện, tôi đề nghị các anh chị ra sức tẩy chay, phản đối tất tần tật cái gì dính dáng đến Trung Quốc, đặc biệt là đội tàu dân binh tự vệ trá hình tàu cá hiện đang hiện diện ở Biển Đông.
Trong thời gian qua, 220 tàu Trung Quốc tập trung ở Bãi Ba Đầu, dù trời yên gió lặng. Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc cho rằng đó là tàu vào đây tránh biển động. Báo chí Việt Nam lại chỉ dám đăng lại thông tin từ báo mạng của Phi Luật Tân.
Tàu Trung Quốc họ ra vô thềm lục địa Việt Nam tự nhiên như ở nhà, họ lượn quanh đường lưỡi bò trên thực tế đấy!
Thay vì tẩy chay, tự gạch chéo mặt mình hay tự xỉ vả vì có liên quan đến H&M thì hãy đăng ảnh tàu Trung Quốc đang dàn trận Xích Bích ở Biển Đông và phản đối họ xâm phạm lãnh thổ Việt Nam.
Ngoài ra có lẽ chúng ta cũng nên sử dụng áo, nón, khẩu trang … có in hình bản đồ với đường lưỡi bò bị gạch chéo những khi xuất hiện ở nơi công cộng để khẳng định rằng người Việt Nam nói không với đường lưỡi bò mọi lúc, mọi nơi.
Các hãng phương tây dù lớn hay nhỏ khi đó sẽ phải hiểu rằng đường lưỡi bò không những trái với luật pháp quốc tế vốn đã được toà trọng tài phán quyết là không hợp pháp vào năm 2016 mà còn trái với thông lệ ở Việt Nam.
Nhưng tẩy chay H&M hay bất kỳ nhãn hàng nào cùng lắm họ có thể xoá bỏ bản đồ có đường lưỡi bò ở Biển Đông được thể hiện ở trang web. Còn trên thực tế họ không thể nào tác động được. Có tẩy chay hết thảy mọi nhãn hàng phương tây, thì Trung Quốc vẫn bình chân như vại ở Biển Đông.
Chủ quyền biển đảo vẫn bị kẻ chủ mưu đe doạ tước mất nếu Việt Nam không lên tiếng. Đã lên tiếng phản đối thì phải phản đối đúng đối tượng – Trung Quốc!
*****
[ads_color_box color_background=”#f2e9e9″ color_text=”#444″]
Vì đã từng tham gia tư vấn một số dự án lớn của Hongkong và Đại lục tại TQ nên xin phép được kể một thực tế mà không phải ai cũng nắm được.
Thông thường khi làm đồ án ở nước ngoài, các nước châu Âu thường có hồ sơ dữ liệu đô thị rất mạnh nên dư liệu từ nhà đầu tư giao cho các văn phòng kiến trúc rất chi tiết. Tuy nhiên ở các đồ án châu Á thì nguồn dữ liệu thường khan hiếm và thiếu đồng bộ, do đó dữ liệu từ google map vẫn là nguồn mà kts thường tham khảo nhiều nhất (đặc biệt là về địa hình do các bản scan qua vệ tinh ngày nay của google earth có độ chính xác chấp nhận được ở tỷ lệ 1/2500)
Mặc dù vậy, cách này đã không còn làm việc được ở trên vùng lãnh thổ của TQ cho đến cuối năm 2015. Nếu bạn thử tìm dữ liệu bản đồ của một khu đất tại TQ, kết quả cho ra có sai số giữa hình ảnh vệ tinh và đường xá lên tới hàng trăm mét. Nếu để overlap hai lớp thông tin lên nhau, ta thu được 2 bản đồ đặt chồng lên nhau nhưng lệch ra khỏi toạ độ gốc rất nhiều. Điều này dẫn tới việc dữ liệu ấy không thể sử dụng để phân tích giao thông hay hiện trạng, không sử dụng được gps hay các ứng dụng lái xe.
Nguyên nhân là bởi luật an ninh mạng của chính phủ TQ không chấp nhận sự có mặt của google earth trên lãnh thổ của họ. Nếu muốn sử dụng dữ liệu bản đồ của TQ chúng ta sẽ phải sử dụng những trình duyệt riêng do TQ cung cấp (với chất lượng không thua kém google map, chỉ có điều là nó sẽ chỉ có bản đồ của TQ ở độ phân giải cao còn nếu đi ra ngoài lãnh thổ ấy thì chất lượng rất thấp).
Những trình duyệt này đều sử dụng tiếng Trung và không có một lựa chọn ngôn ngữ nào khác. Hình ảnh vệ tinh này nếu đặt ra so sánh với dữ liệu của google thì chúng luôn có vẻ “tươi đẹp” hơn, xanh mát và ưa nhìn.
Nếu công ty của bạn đặt chi nhánh tại TQ, điều đó có nghĩa là bạn buộc phải sử dụng các ứng dụng này, từ pick location cho địa chỉ văn phòng cho tới việc hoà vào các dịch vụ điện toán, internet, logistics.v..v có nhiều người vì sở thích nên vẫn cố cài đặt VPN trên máy tính hoặc điện thoại để sử dụng dịch vụ của googlemap nhưng điều đó là vô nghĩa khi 2 lớp thông tin bị lệch nhau.
Có nghĩa là chính phủ TQ đã tạo ra hệ thống bản đồ của riêng họ, nó có nhiều khác biệt với các hệ thống bản đồ mà chúng ta đã quen mặt đặt tên và không có gì là lạ khi luật an ninh mạng và luật bản đồ của Bắc Kinh được áp dụng triệt để trên các website và ứng dụng này. Nếu ta đặt chân đến đó, nó không phải là chọn lựa mà là việc anh có muốn lái xe, muốn sử dụng internet hay có muốn thuê nhà hay không, không có lựa chọn nào khác.
Đó là một chính sách được nghiên cứu và triển khai bài bản nhằm thúc đẩy chính sách mềm nội địa và ngoại giao của họ. Ngày nay việc trưng ra một tấm bản đồ không chỉ là một hình vẽ hay một tờ giấy, nó là đối diện với cả một hệ thống cơ sở dữ liệu, một chế độ kiểm soát thông tin.
Để đối diện với nó điều cần thiết là nắm được thông tin và cư xử một cách hợp lý. Tất nhiên nếu chúng ta sống ở VN, ta chẳng có lý do gì để sử dụng các hệ thống dữ liệu ấy nhưng điều trớ trêu là không phải ai cũng như vậy trong bối cảnh là TQ đã có một vị trí quá lớn trong chuỗi cung ứng mà mọi hành động cực đoan của người tiêu dùng có khi chỉ củng cố cho vị trí ấy ngày một vững chắc mà thôi.
Kts Lê Quang
[/ads_color_box]