Việt Nam Thời Báo

VNTB – Phản ứng kịp thời là quản trị tốt?

Khánh Hưng

 

Bạn đọc viết 

 

(VNTB) – Phản ứng chính sách kịp thời là một trong những đòi hỏi của nền quản trị quốc gia hiện đại.

 

Nhận biết vấn đề và có phản ứng chính sách để giải quyết vấn đề cũng giống như nhận biết con bệnh và lên phác đồ điều trị con bệnh kịp thời. Ví như bệnh ung thư di căn rồi mới bắt đầu chữa trị thì bao giờ cũng tốn kém hơn và để lại hệ lụy nặng nề hơn.

Ở đây tôi muốn nói đến vai trò của Phó Thủ tướng chuyên trách về vấn đề y tế, cùng người đang chịu trách nhiệm đứng đầu Bộ Y tế.

Trên các diễn đàn mạng xã hội cho đến báo chí nhà nước đều đặt vấn đề là kể từ sau khi kết thúc nền kinh tế bao cấp, lệnh cấm vận được bãi bỏ thì dường như chưa bao giờ hệ thống y tế của Việt Nam lại rơi vào cảnh “thiếu trước hụt sau” cả thuốc lẫn trang thiết bị y tế phục vụ nhu cầu chăm sóc, điều trị người bệnh như hiện nay.

Cũng chỉ vì thiếu thuốc, nhiều năm nay người bệnh ung thư phải chịu không biết bao nhiêu tốn kém cất công đi khắp nơi, hoặc bay ra nước ngoài để được chụp PET/CT (chẩn đoán ung thư). Có không ít người mất hẳn thời gian vàng điều trị, hoặc mãi ra đi khi không thể chờ đợi ngày được chụp.

Trong một phiên thảo luận về kinh tế – xã hội ở TP.HCM hồi đầu tháng 11 năm ngoái, tôi nhớ bà Phạm Khánh Phong Lan, cựu Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM đã bức xúc đăng đàn là “Cần xem lại thực trạng hệ thống y tế cơ sở, hiện chỉ 30% ngân sách dành cho y tế dự phòng, y tế cơ sở cũng ‘không đáng kể gì đâu so với nhu cầu’. Trong khi nhiều địa phương thực hiện việc này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Do đó cần có chính sách xuyên suốt, chủ trương quan điểm chỉ đạo của Chính phủ với Bộ Y tế về xây dựng y tế cơ sở”.

Bà Phạm Khánh Phong Lan chỉ ra chính sách hiện nay chắp vá, thay đổi liên tục. Đơn cử như từ trung tâm y tế quận huyện chia làm ba phần bệnh viện, y tế dự phòng, phòng y tế…, dẫn tới bệnh viện chưa phải là bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng què quặt, còn phòng y tế chỉ làm công việc hành chính, đã yếu còn thiếu. Hoặc tại TP.HCM, khi dịch bùng phát, tất cả trung tâm y tế dự phòng và bệnh viện quận huyện thuộc Sở Y tế, nên khó khăn trong điều phối lực lượng.

Bà Phạm Khánh Phong Lan cho rằng sẽ không có ‘loạn giá xét nghiệm’ nếu bảo hiểm và cơ chế đấu thầu rạch ròi. Về hệ thống điều trị, bà Lan cũng cho rằng đây là phép thử để nhìn lại năng lực điều trị, bởi “chỉ một cơn dịch tan tác hết”. Trong khi đó, bệnh viện là các đơn vị sự nghiệp, chưa được chuẩn bị cơ sở về pháp lý, kiến thức cần thiết để đảm bảo cung ứng trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc và đặc biệt là cơ chế tài chính.

Giờ đã qua trung tuần tháng 7-2022. Bộ Y tế hiện đã có người là quyền bộ trưởng.

Khoản 1 Điều 31 Luật Tổ chức Chính phủ 2015 quy định rằng: “1. Phó Thủ tướng Chính phủ giúp Thủ tướng Chính phủ làm nhiệm vụ theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ được phân công”.

Quyết định số 1460/QĐ-TTg ngày 6-9-2021 phân công công tác của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ, cho biết Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam  trực tiếp theo dõi, chỉ đạo lãnh vực “Y tế, dân số, gia đình và trẻ em”.

Người dân quan tâm đến hiện tình chính trị nước nhà sẽ không khó nhận ra là đã có nhiều cuộc họp khẩn với sự “nóng ruột” của người đứng đầu chính phủ; có nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan được quan chức của Bộ Y tế đưa ra, kèm theo đó là nhiều giải pháp được quán triệt.

Thế nhưng trên thực tế thì mọi việc cứ đủng đỉnh, trong khi người bệnh thì không thể chờ…


Tin bài liên quan:

VNTB – Tân thứ trưởng Nguyễn Tri Thức coi chừng tiếp bước Nguyễn Trường Sơn

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Bộ Y tế cảnh báo khẩn về người nhập cảnh từ vùng dịch Covid

Do Van Tien

VNTB – Quản trị quốc gia: những vấn đề đặt ra trong nhiệm kỳ mới của Quốc hội Việt Nam

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.