Việt Nam Thời Báo

VNTB – Phí tiền của dân quá…

Hoài Nguyễn

(VNTB) – Tốn tiền vì mục đích của việc xài tiền cho thấy với dân chúng là… vô bổ!

Luật sư Hà Huy Sơn ý kiến nghe rất có lý, có tình thế này: “Đảng đang có cuộc vận động các tầng lớp nhân dân góp ý cho Dự thảo văn kiện đại hội đảng 13. Tôi cho rằng: Một, văn kiện đại hội đảng không phải là văn bản quy phạm pháp luật, thì góp ý để chơi à”.

Hai, đảng sao không ban hành Luật về sự lãnh đạo của đảng với nhà nước và xã hội?. Đây là luật chơi, cần phải góp ý đầu tiên. Không có luật chơi thì không có gì cả.

Ba, các nhân sĩ, trí thức không để cập đến luật chơi mà cứ say sưa toạ đàm, hội thảo, góp ý thì tôi không hiểu được các vị đang tiêu tốn tiền của dân để làm cái gì vậy?”.

Luật chơi như lời của luật sư Hà Huy Sơn không phải là một yêu cầu ‘phản động’ hay ‘diễn biến hòa bình’ chi cả, mà thật ra nó vốn đã được ghi hẳn hòi ở Hiến pháp 2013, Điều 4.3 “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.

Còn xét khuôn khổ của Hiến pháp về tổ chức Đảng, thì chỉ vỏn vẹn có hai câu như sau thôi:

“Đảng Cộng sản Việt Nam – Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”;

“Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình” (trích Điều 4.1 và 4.2, Hiến pháp 2013).

Hiến pháp không có bất kỳ điều khoản nào về “đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam”. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành cũng chưa có bất kỳ văn bản luật định nào đề cập cụ thể về các chế tài đối với các tổ chức của Đảng.

Nhắc đến điều trên để muốn nói rằng thật đáng buồn, định chế “dân được làm tất cả những gì luật pháp không cấm” trở nên mong manh trước định chế “cán bộ chỉ được làm những gì luật pháp cho phép”; và tổ chức Đảng thì được quyền làm bất kỳ chuyện gì mà Đảng muốn.

Thật ra ngay cả điều đáng buồn ở trên, suy đến cùng thì cũng không hẳn như thế.

Với dân, luật pháp chỉ cần ban hành danh mục những gì cần cấm, thế là đủ. Căn cứ vào danh mục này, người dân không làm, thế là xong. Nhà nước và người dân không ai bị phiền vì ai, bởi ai. Bộ máy và nhân sự nhà nước sẽ gọn nhẹ, hoạt động không có gì dư thừa, vô bổ. Còn với người dân, không có gì phải lăn tăn giữa mong manh có thể và không thể làm.

Thế nhưng, cuộc sống thường ngày lại không thênh thênh như vậy. Theo qui định, cán bộ chỉ được làm những gì luật pháp cho phép. Đúng quá, nhưng tìm mãi không thấy danh mục “cho phép” này. Những gì cấm dân không được làm thì đã có, và đã công khai minh bạch, dễ nhớ; còn những gì cán bộ được phép làm thì biến hóa vô cùng, người dân không biết đâu mà lường.

Mà muốn làm cán bộ, trước tiên người ấy phải là đảng viên. Vậy chi sẽ chẳng có gì lạ lẫm khi tổ chức Đảng dễ dàng làm bất kỳ chuyện gì mà Đảng muốn. Một khi đã vậy mà không vấp phải phản ứng nào, đương nhiên chẳng ai dại dột thiết lập “Luật về sự lãnh đạo của đảng với nhà nước và xã hội” như yêu cầu của luật sư Hà Huy Sơn, để rồi tự mình mua dây thừng về trói mình chi cho cực thân…

Tin bài liên quan:

VNTB – Tự do báo chí: Việt Nam không đồng cách hiểu với thế giới?

Phan Thanh Hung

VNTB – Lao động trẻ em: góc nhìn đa chiều về quyền mưu sinh

Do Van Tien

VNTB – “Nhục hình” là “nghiệp vụ” của điều tra viên?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo