Phú Nhuận
(VNTB) – Tuần lễ đầu tháng 1-2021, nếu không gì thay đổi, Tòa án nhân dân TP.HCM sẽ xét xử hình sự sơ thẩm vụ án liên quan đến một tổ chức báo chí ‘không môn bài’, theo cáo buộc Điều 117, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017.
Dưới đây là giả định về phiên tòa này, qua đó cho thấy một lộ trình sẽ rất khác trong nhiệm kỳ mới sắp tới của Đảng.
“Điều 117. Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;
b) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân;
c) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm gây chiến tranh tâm lý.
2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”.
Sau đây là trích tường thuật về phiên tòa giả định nói trên.
Kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa, nói rằng: “Bị can còn tạo lập quan hệ, ký kết hợp đồng viết bài, trả lời phỏng vấn với các trang tin điện tử, các báo đài nước ngoài với mục đích nhằm đấu tranh làm thay đổi thế chế chính trị tam quyền phân lập…
Hành vi chống phá Nhà nước này là đặc biệt nghiêm trọng gây nguy hiểm cho xã hội, nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, hành vi này đã tiếp tay cho các phần tử bất mãn, cơ hội chính trị, làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, do đó cần phải xử lý nghiêm minh mới có tác dụng giáo dục, răn đe, phòng ngừa chung…”.
Phía luật sư biện hộ đại ý như sau: cáo trạng cho biết bị cáo đầu vụ này có 25 bài viết được giám định là nội dung “chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Hai bị cáo còn lại lần lượt có 5 và 6 bài viết nội dung “chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Hiện tại, pháp luật về giám định hình sự vẫn chưa cụ thể về trình tự khoa học của công việc giám định tư pháp nội dung bài báo. Pháp luật hình sự cũng chưa định lượng, định tính thế nào là nội dung “chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” ở khuôn khổ bài viết được phê duyệt đăng báo, có trả nhuận bút.
Như vậy cần xem xét toàn bộ vấn đề dưới giác độ của mối quan hệ dân sự.
Hai vị hội thẩm nhân dân lần lượt phát biểu rằng tư tưởng là quan điểm, ý nghĩ chung của con người đối với hiện thực khách quan.
Tư tưởng thuộc phạm trù ý thức, là sản phẩm chủ quan của con người. Vì vậy, ý thức như thế nào phụ thuộc vào đối tượng, phản ánh, môi trường xã hội và trình độ nhận thức, tâm sinh lý của mỗi người. Khi quan điểm được khái quát, xây dựng thành hệ thống lý luận, phản ánh lợi ích một giai cấp thì được gọi là hệ tư tưởng của giai cấp đó. Giai cấp nào thống trị xã hội thì hệ tư tưởng của nó cũng thống trị xã hội – hệ tư tưởng thống trị.
“Đảng ta khẳng định: “Tiến trình cách mạng văn hóa trên lĩnh vực tư tưởng và văn hóa làm cho thế giới quan Mác – Lênin và tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh giữ trị chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội”.
Như vậy, nếu để xảy ra các nhà báo có từ vài bài viết đến cao nhất là 25 bài mang nội dung chống Nhà nước XHCN, thì trách nhiệm lớn nhất thuộc về cơ quan quản lý – đặc biệt là ngành tuyên giáo đã không làm tốt trách nhiệm giáo dục tư tưởng cho cộng đồng.
Từ lý lẽ thường tình đó của con dại – cái mang, cần thiết ở đây là xem xét vụ án dưới quan hệ của một vấn đề dân sự, thay cho hình sự hóa!” – hai hội thẩm nhân dân đề xuất.
Thẩm phán giữ quyền chủ tọa phiên tòa, kết luận: “Với định lượng số bài báo lần lượt là 25, 5 và 6 có chủ đích được nêu ở cáo trạng, là hướng tới thể chế chính trị tam quyền phân lập, cho thấy hành vi đó thuộc quyền đóng góp mang tính Hiến định, ghi tại Điều 28 “Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân”. Nên về nguyên tắc, không thể coi là đồng nghĩa với hành vi chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
Một là, về phương diện lý luận, “tam quyền phân lập” là một học thuyết phức tạp, đa chiều, còn có nhiều ý kiến khác nhau. Mác và Ăng-ghen khi nêu ra mặt tiến bộ của học thuyết về tam quyền phân lập đã nhấn mạnh rằng, sự phân chia quyền lực, thực chất, không phải là cái gì khác ngoài sự phân công lao động thực tế cơ cấu nhà nước nhằm làm đơn giản hóa và dễ kiểm soát.
Thứ nữa, phân quyền là một tư tưởng phức tạp, đa chiều nên được hiểu rất khác nhau. Mỹ, Anh và các nước châu Âu chia quyền lực nhà nước thành ba loại quyền: quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp; cùng với đó là ba cơ quan thực hành từng loại quyền lực này một cách độc lập, theo cơ chế kiềm chế và đối trọng để kiểm tra và chế ước lẫn nhau.
Ba là, về phương diện thực tiễn, do những hạn chế của học thuyết “tam quyền phân lập” mà mức độ, tính chất và đặc điểm của sự thể hiện và áp dụng nó trong thực tế có sự khác nhau ở mỗi kiểu nhà nước, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như trình độ dân chủ, truyền thống dân tộc, cũng như tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của mỗi nước.
Do vậy, với giới hạn của số lượng các bài viết được nêu ở vụ án, cho thấy chưa đủ căn cứ pháp lý cho cáo buộc hành vi vi phạm theo Điều 117, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc đánh giá kết quả công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2019, triển khai niệm vụ năm 2020, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đã lưu ý về công tác nhân sự các cấp nhiệm kỳ tới.
Đồng chí Thường trực Ban Bí thư cho rằng nhân sự là vấn đề quan trọng. Đồng chí có nói rằng “Cơ đồ ta xây dựng 75 năm nay sụp đổ hay không cũng do chúng ta thôi, chẳng phải do kẻ thù đâu. Chẳng ai xâm lược mình, chẳng ai mang máy bay, đại bác đến xâm lược, lật đổ chúng ta đâu. Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ ta thôi”.
Với tinh thần chỉ đạo này của đồng chí Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, để đảm bảo quyền Hiến định tại Điều 25, bao gồm cả việc truy xét trách nhiệm của vế “Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”, cần thiết trả hồ sơ vụ án để điều tra lại từ đầu. Các bị cáo được tại ngoại trong giai đoạn điều tra, và bị hạn chế quyền đi lại trong giới hạn tỉnh, thành phố nơi cư trú…”.
Phiên tòa khép lại. Các bị cáo được trả tự do ngay tại tòa, về nhà nghỉ ngơi, hồi phục sức khỏe để cùng gia đình sửa soạn đón mừng năm mới con trâu 2021.
Khi ấy, truyền thông quốc tế chắc chắn sẽ tạo làn sóng về loạt tín hiệu cởi mở, dân chủ hơn của Đảng Cộng sản Việt Nam.