Trần Thành
(VNTB) – Giả dụ phiên tòa hình sự xét xử vụ án nói trên được diễn ra tại Tòa án nhân dân huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, thì với số lượng bị cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nhân chứng… lên đến con số 2.000 người, thì lắm vấn đề đặt ra, kể cả áp lực của đám đông người dân dự phiên tòa, sẽ đủ để tạo nên một cuộc biểu tình còn khốc liệt đến khó lường.
Giáo dân làm chủ trụ sở huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. (Hình: Internet)
Ngày 12-4, báo chí đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự vụ gây rối trật tự công cộng và bắt giữ người trái pháp luật tại huyện Lộc Hà. Theo đó, ngày 3-4, có khoảng 2.000 người dân xã Thạch Kim và Thạch Bằng đã kéo nhau, tụ tập ở UBND huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) để gây áp lực với chính quyền xung quanh việc đền bù sự cố môi trường biển.
Theo cơ quan điều tra, thì có người quá khích đã có hành vi kích động, xô đẩy hàng rào bảo vệ, trèo lên trú sở UBND huyện Lộc Hà treo băng rôn, khẩu hiệu. Có người còn lăng mạ, xúc phạm lực lượng làm nhiệm vụ. Sự việc nghiêm trọng hơn khi một chiến sĩ công an tỉnh đang làm nhiệm vụ bị một số đối tượng quá khích bắt giữ, đánh trọng thương phải nhập viện. Đến 16g cùng ngày người dân mới chịu giải tán.
Giả dụ phiên tòa hình sự xét xử vụ án nói trên được diễn ra tại Tòa án nhân dân huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, thì với số lượng bị cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nhân chứng… lên đến con số 2.000 người, thì lắm vấn đề đặt ra, kể cả áp lực của đám đông người dân dự phiên tòa, sẽ đủ để tạo nên một cuộc biểu tình còn khốc liệt đến khó lường.
Trong vai trò luật sư bào chữa, thử hình dung về một cuộc hỏi đáp tại phiên tòa hình sự giả định ấy – lưu ý, ở đây có thể đến cả ngàn bị cáo:
+ Luật sư hỏi (H): Vì sao ông, bà lại đi biểu tình?
– Người dân đáp (Đ): Vì gia đình tôi bị thiệt hại do Formosa gây ra, nhưng họ không đền bù cho gia đình tôi.
+ H: Ông, bà có nhầm lẫn gì không? Nhà nước đang đền bù cho ông bà, cho những người dân 4 tỉnh miền Trung bị thiệt hại do Formosa gây ra kia mà.
– Đ: Formosa gây ra cho gia đình chúng tôi. Vậy thì tại sao họ lại mặc cả chuyện đền bù này với ông nhà nước? Và ông nhà nước chưa tìm hiểu cặn kẽ gia đình của tôi bị thiệt hại ra sao, đã vội nhận khoản tiền gọi là đền bù của Formosa. Nhà nước đền theo cách tính của ông nhà nước. Gia đình tôi yêu cầu Formosa phải đền đúng theo những gì mà họ đã gây ra cho gia đình chúng tôi.
+ H: Thế nhưng biểu tình như vầy mà không xin phép là vi phạm pháp luật.
– Đ: Chúng tôi không đi biểu tình. Chúng tôi đi khiếu nại ông nhà nước vì sao lại đền bù không thỏa đáng về những thiệt hại mà Formosa đã gây ra cho từng gia đình chúng tôi.
+ H: Thế nhưng đi như vầy là tập trung đông người…
– Đ: Luật buộc chúng tôi phải đi như vậy, vì có cho khiếu nại, khiếu kiện tập thể đâu?. Chúng tôi đi nộp đơn kiện Formosa ra tòa yêu cầu đền bù, mấy ông chính quyền cản trở. Khi cản trở thì tụi tôi phải dồn cục lại một chỗ. Không cho đi nộp đơn, mà còn hăm he đủ điều thì thử hỏi người dân làm sao không nổi giận?
Vì chính quyền ngăn cản người dân thực hiện quyền tố tụng dân sự, đưa đến bức xúc phản đối. Việc gây rối loạn trật tự ở đây phải là cơ quan công quyền, bởi cơ quan công quyền đã làm nhiễu loạn pháp chế XHCN, đưa đến hệ lụy rối loạn trật tự. Nếu cáo buộc, thì người dân chúng tôi bất quá chỉ là đồng phạm cho hành vi gây rối mà thôi.
+ H: Như vậy ông, bà cho rằng nếu tập trung đông người mà không nhằm gây rối thì không phạm tội?
– Đ: Chứ còn gì nữa. Luật pháp buộc chúng tôi không được làm đơn khiếu nại tập thể, không được khởi kiện tập thể. Luật pháp đâu có yêu cầu là đi nộp đơn phải đi một mình.
+ H: Một vấn đề khác. Vì sao ông, bà lại đánh một chiến sĩ công an?
– Đ: Câu hỏi này dị quá. Cái ông bị đánh nằm dài dưới đất ở hôm ấy có sắc phục đâu mà chúng tôi biết hắn là công an hay côn đồ?.
+ H: Thế lúc điều tra vụ án, mấy cán bộ xét hỏi có truy ông, bà về động cơ… gây án?
– Đ: Động cơ gây án chính là mấy ông nhà nước chứ ai. Tụi tôi bị bọn Formosa gây hại, nhưng ông nhà nước lại đứng ra làm trung gian bồi thường dùm, và bồi thường không trúng với những gì mà tụi tôi đã bị thiệt hại, và vẫn đang thiệt hại.
+ H: Nếu có lời nói cuối trước khi Hội đồng xét xử nghị án, ông, bà muốn nói gì?
– Đ: Tôi nghe ông bộ trưởng Trần Hồng Hà nói sở dĩ Formosa gây ô nhiễm vì sử dụng công nghệ dập cốc ướt. Đã biết như vậy, thì sao lại vẫn cho Formosa tiếp tục công nghệ này đến năm 2019? Nếu nói xử lý hồ nước chứa thải gì đó là biển miền Trung hết bị Formosa đầu độc, vậy thế giới người ta tốn tiền của làm chi để chọn công nghệ dập cốc khô? Nếu ông quan tòa không trả lời được, thì tôi tin sau khi tôi đi tù, chắc chắn con cháu của tôi lại phải tiếp tục đi thưa kiện Formosa, và tụi nhỏ chắc cũng sẽ lại hầu tòa như tụi tôi hôm nay.