Việt Nam Thời Báo

VNTB – Phó Chủ tịch coi thường cả lệnh phòng dịch của Thủ tướng Phúc, xử sao?!*

Đàm Ngọc Tuyên

(VNTB) – Trong những ngày cuối tháng Ba năm nay, khắp cả nước, dẫu tao nhân mặc khách cũng chẳng ai có lòng dạ ngắm hoa gạo nở. Mà toàn quân, toàn dân, từ Thủ tướng Chính phủ ông Nguyễn Xuân Phúc cho đến trẻ em, lão già, người khuyết tật bán vé số mưu sinh mọi miền Tổ quốc, đều (buộc) phải nhất nhất tuân thủ những quy định, là lệnh từ Chính phủ ban hành, thực hiện phòng, chống đại dịch Viêm phổi cấp Vũ Hán, đang tịnh tiến đỉnh dịch, vô cùng phức tạp, ở Việt Nam.

Hai trong những quy định buộc thiết, đó là mọi công dân phải đeo khẩu trang, ở nơi công cộng; và không được tụ tập quá 20 người. Quy định có hiệu lực khắp cả nước, kể từ 0h, ngày 28/3, (nhiều địa phương đã thực hiện trước ngày này), cho đến khi nào Chính phủ có thông báo mới.

Đặc biệt cần nhấn mạnh, quy định buộc mọi công dân phải đeo khẩu ở nơi công cộng thì không có bất kỳ ngoại lệ nào, kể cả ông Thủ tướng Phúc. Và, đã có công dân bị chế tài, bị xử phạt vi phạm hành chính khi vi phạm quy định như lệnh này, ở Hà Nội. Trên tất cả, đeo khẩu trang nơi công cộng lúc này, là giữ gìn sinh mạng con người, là cá nhân, quan thiết gấp triệu lần, là sinh mạng của cộng đồng, của Tổ quốc.

Nếu là một em bé mồ côi, thất học, đầu đường xó hẻm, lết lê bãi rác ngoài chợ, vạ vật mưu sinh, nên em không ý thức mà vi phạm không đeo khẩu trang nơi công cộng, thì hẳn “tha được cho người hãy cứ tha”. Hơn nữa, tôi áng chừng, 99% cũng có thể em chưa bao giờ tiếp nhận thông tin về quy định ấy. Tuy nhiên, nếu là quan chức có quyền uy nhất nhì một vùng, lại kéo theo “bầu đoàn thê tử”, (công an sắc phục, công an viên, và dân quân tự vệ), lên đến vài chục người, lây lắt ở nơi công cộng nhưng hầu hết không đeo khẩu trang, thì thế nào đây? Nếu tin rằng, Việt Nam là một đất nước pháp quyền, thì phải “quân pháp bất vị quan”.

Câu chuyện này, đã xảy ra vào chiều ngày 29/3/2020, ở chợ Yến cũ, thuộc thôn Nhơn Hội, xã An Hòa, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Những vị quan chức rất tỉnh táo, nghênh ngang đã vứt lệnh phòng dịch của Thủ tướng Phúc vào rác chợ Yến (cũ), chính là Phó Chủ tịch xã An Hòa, ông Trần Chí Hoàng, và thuộc hạ, tiến hành “truy quét những tiểu thương thôn”, vẫn tiếp tục buôn bán ở chợ Yến (cũ), mà không sang chợ Yến (mới). 

Để tránh sự hiểu lầm, dễ khiến suy nghĩ người đọc sa vào vấn đề khác, cho nên chúng tôi sẽ có một bài viết khác sau, để chi tiết vì sao có câu chuyện tiểu thương thôn không chịu sang chợ Yến (mới) buôn bán. Nội dung bài viết này, chỉ xoay quanh vấn đề: ông Phó Chủ Tịch xã An Hòa và nhân viên công quyền địa phương này đã vứt bỏ lệnh “buộc đeo khẩu trang nơi công cộng” của Thủ tướng Phúc mà thôi. Hay là, “cát cứ” một vùng ven biển Phú Yên, nên ông Hoàng và “đồng bọn”, có cả quy định riêng: Chợ, hay nơi buôn bán đông người thì không phải nơi công cộng chăng? Hay là, dù làm đến chức to như thế, quyền uy khuynh loát một vùng như thế, nhưng ông Phó Chủ Tịch xã và mấy mươi viên chức, lại có vấn đề đọc hiểu tiếng Việt?

Câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ như là vac-xin phòng trừ virus Vũ Hán. Chỉ biết là, theo một trong nhiều clip được người dân bản địa ghi lại sự việc “ào ào một lũ sai nha”, xồng xộc xông vào những gian hàng của các tiểu thương ở khu vực chợ Yến (cũ). Cứ thế, họ giật, họ giành, họ đạp, họ đá, họ tuôn tiếng Đan Mạch, với những mặt mày đằng đằng sát khí. Sẵn trong tay có súng, có còng, lại sẵn quyền uy ngút trời, nên họ còng tay một nữ tiểu thương, tầm 50 tuổi. Bà Trần Thị Hoa đã bị họ còng rồi vứt giữa đường quan, như cái cách hạ nhục bọn trộm chó vậy, trong khi bà bán thịt heo hợp pháp.

Khi chúng tôi liên hệ để tìm hiểu sự việc, những người dân ở đây nói rẵng: nếu không có lớp áo đồng phục, thì người xem clip sẽ ngộ nhận Chợ Yến vừa bị bọn thổ phỉ ngang qua cướp bóc, hãm hại lương dân. Chúng tôi cũng đặt vấn đề, là tại sao họ hầu hết không mang khẩu trang theo lệnh TT Phúc? Người bản địa lại lý giải nhiều cách, một số thì cho rằng, đeo khẩu trang thì che mất cơ mặt cần nhe răng trợn mắt thị uy. Một số lại mô tả, khi dân xã hội mà được báo “có chuyện ở…”, thì đi liền sao nhớ khẩu trang.

Cách lý giải nào cũng có cái hay đặc thù, khi căn cứ từ thực tế khách quan. Còn chúng tôi, nếu được hỏi, thì sẽ đưa ra lý lẽ bào chữa cho mớ quan quyền cấp xã kia: Đã đành họ xem thường dân, và dù Thủ tướng Phúc ở quá xa (?), nên cũng bị xem thường như dân. Thế chẵng nhẽ, Bí thư và Chủ tịch tỉnh tỉnh Phú Yên, lần lượt là ông Huỳnh Tấn Việt và Phạm Đại Dương lại cũng bị một Phó chủ tịch xã An Hòa (và thuộc hạ) coi chẳng ra gì sao? 

Bởi ở tuổi 57 và 46, ông Bí thư và Chủ tịch tỉnh không thể có vấn đề nghe, nhìn được đâu. Hơn nữa, hai ông có được chăm sóc y tế cấp cao. Đặc biệt, nếu chúng ta biết rằng, chợ Yến (cũ) cách trung tâm tỉnh Phú Yên, TP. Tuy Hòa, chỉ có tầm 15 km (dù đi hướng QL1A – Ngã ba Phú Điềm, hay đi đường liên thôn, từ hướng đường Lê Duẩn), mà thôi.

Như đã đề cập, trên tất cả, nhóm người của ông quan Phó Chủ tịch xã An Hòa, hầu hết đã không đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, bất chấp lệnh của Thủ tướng Phúc. Điều này đồng nghĩa: họ quá xem thường sinh mạng nhân dân, xem thường “sinh mạng” của Tổ quốc. Giả tỷ, quân pháp bất vị quan, có khép vào tội “phản quốc”, cũng là cần nên, để thôi không còn tệ nạn “cát cứ một vùng”, một sự thật của quan quyền, đất nước, hôm nay?

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Tin bài liên quan:

VNTB – Sở Y tế TP.HCM cảnh báo gì về dịch Covid dịp Tết Giáp Thìn?

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Ký sự: Kinh hoàng thay! Tu viện hay cung điện? (1)

Phan Thanh Hung

VNTB – Làm ơn, đừng đẩy người nghèo vô đường cùng

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo