Việt Nam Thời Báo

VNTB – Phong trào phá đình, chùa ở quê tôi

Nguyễn Đình Ấm

 

(VNTB) – Sau cải cách ruộng đất quê tôi bước vào phong trào “bài trừ phong kiến” phá đình, chùa, miếu, các công trình, di sản văn hóa ông cha để lại.

 

Tùng, tùng, tùng…

– Chẫu ơi!

– Đi đâu đấy?

– Nhanh lên, hôm nay đi phá chùa,  đoàn thanh niên chị tao đi rồi, đội chúng mình cũng được đi phá chùa!

Sau cải cách ruộng đất quê tôi bước vào phong trào “bài trừ phong kiến” phá đình, chùa, miếu, các công trình, di sản văn hóa ông cha để lại.

Mặc dù gia đình tôi bị quy là thành phần “địa chủ, anh em tôi không được ở trong đoàn thanh, thiếu niên của làng nhưng tôi vẫn lên chùa xem bọn bạn trẻ trâu, anh, chị phá chùa Ngạc. 

Chùa làng tôi mang tên làng Phương Ngạc (xã Phương khoan, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc) gọi tắt là chùa Ngạc. Chùa  còn có tên chùa “Cau Đẻ” vì có cây cau ở bên tả cổng chùa đẻ ra cây con ở gốc luôn có hai con rắn rất to trú ngụ. Trên giấy tờ tên chùa hiện nay là chùa “Vĩnh Lợi”.

Không biết làng Ngạc có từ bao giờ nhưng khá trù phú với cả nghìn hộ dân, nhà cửa san sát bên bờ sông Lô. Mặt tây làng giáp sông Lô, bên kia là huyện Phù Ninh (nay là Phong Châu), Phú Thọ, kinh đô phát tích của các vua Hùng, phía đông là mấp mô ruộng, nương, đồi, gò tít tắp đến tận dãy núi Sáng Sơn, thuộc vùng hoạt động của nghĩa quân Hoàng Hoa Thám xưa.

Do là làng cổ lại liền kề văn minh Lạc Việt nên các đình, chùa, miếu làng tôi rất bề thế mang đặc trưng của đình chùa miền bắc từ kiến trúc cảnh quan xung quanh, nhà ngự, tam quan đến các nhà thờ tự với hàng trăm pho tượng quý. Dù ai hiếu động đến đâu khi bước vào các sảnh thờ cũng phải thấy ớn lạnh bởi sự trang nghiêm với thứ ánh sáng mờ ảo thâm nghiêm, huyền bí…

Sau khi xếp hàng ở sân chùa đánh trống, chào cờ, ảnh bác Hồ, bác Mao, chị Nhâu cán bộ đoàn thanh niên phát biểu về sự xấu xa, tàn ác của cường hào, địa chủ, đám sư, sãi…Dân mất bao công sức, cơm gạo xây chùa, thờ cúng những “thằng, con tượng kia” nên nay phải phá bỏ, đuổi chúng đi…Rồi chị hô trước:

– Đảng lao động Việt Nam muôn năm! Hồ chủ tịch muôn năm! Mao Trạch Đông muôn năm! Đả đảo cường hào địa chủ! Sẵn sàng!

Cả lũ hô theo: Muôn năm! Muôn năm! Đả đảo! Đả đảo! Sẵn sàng!…

Bọn người xông vào nhà thờ tượng bên trái. Họ lấy gậy, dao, cuốc đập vào các bức tượng nhưng chỉ làm sứt mẻ các pho làm bằng đất sét còn những pho làm bằng gỗ thì cứ trơ trơ chỉ tróc sơn, gẫy tai, mũi, ngón tay…Một đám hò reo lấy xà beng cậy bệ, lôi  bức tượng Quan thế âm ra giữa sân dựng lên rồi lấy cái áo tơi kết bằng lá cọ cũ đã rách nát quàng vào tượng rồi đấu tố như hồi đấu địa chủ. Thằng Chẫu, thằng Nhùng mỗi đứa cầm cái roi tre vừa quất vào tượng vừa hô:

 – Đi làm mà ăn chứ! Không được ăn xôi, ăn oản của làng tao nữa! Cút đi!..

Cả đám hò reo hô theo: Đả đảo, cút đi, cút đi!

Khi những cái roi, các ngón tay, tai tượng gãy vụn chúng buộc dây thừng trâu vào cổ phật hò reo lôi bức tượng ra giao thông hào tránh máy bay đào từ năm 1953 phủ đầy cỏ dại ở rìa đồi ném xuống. 

Chúng đấu tố, đánh đập hết pho tượng này đến pho tượng khác. Pho tượng lớn, nặng thì chúng dùng dao, búa đập cụt tai, mũi, tay rồi lôi, lăn xuống giao thông hào, bức nhẹ thì chúng hò reo kéo ra ném xuống sông Lô. Pho tượng Cửu Long có các con rồng quấn quanh sơn son thiếp vàng ánh ỏi bị roi, gậy, cuốc vụt vỡ tan nát…

Ông Tuấn (Thiềng) tắm ở bến sông vớt được pho tượng Thích ca tạc bằng gỗ đem về bổ ra làm củi đun. Hàng xóm kêu trời vì mùi sơn khét lẹt. Biết việc phá chùa, ông lên gõ gõ các pho tượng thấy pho nào bằng gỗ là ông lẫy ra sân bổ thành củi ném lên xe cút kít mang về đun bếp. Xưa nay ông chẳng sợ ma quỷ vì ông ở đâu đến làng lấy bà Lai già rồi mà không có con cái gì, chỉ có anh Tuấn là con nuôi. 

Vất vả nhất là chúng phá pho tượng A di đà, to trên bệ thờ cao nhất chính điện. Pho tượng này chúng tôi gọi là “bụt ốc” vì đầu tượng có những xoắn ốc. Khi pho tượng bị xà beng lẫy lộn cổ từ trên bệ xuống đất  đánh “rầm” bụi bay mù mịt cả lũ ho khạc sặc sụa. Tan khói bụi, chúng xông vào đấu tố quất roi, chửi bới rồi dùng búa, cuốc đập. Do bức tượng đất sét trộn trấu lâu ngày lại được sơn phủ nên rất chắc. Chúng nghe lời của chị phụ trách dùng lục bình  ra sông lô xách nước lên đổ vào tượng rồi chờ nước ngấm mới đập  vỡ từng phần đem vứt xuống giao thông hào. 

Sau chùa làng là bạt ngàn nương ngô. Mỗi khi ngô “tròn hột” là có nhiều đàn chim vẹt hàng trăm con hàng ngày sà xuống ăn ngô. Vì vậy nhà nào có nương ngô nơi hẻo lánh là phải cử người hàng ngày đi “coi ngô”. 

Có chuyện, b à Sung (quê tôi ai có con là gọi cha mẹ theo tên con còn tên thật là “tên cái” thì kiêng kỵ, chỉ sử dụng khi chửi nhau) có nương ngô hay bị vẹt ăn. Bà đã góa chồng, già, có mấy người con trai là anh Sung và Ky lớn. Hai anh bị mẹ sai đi coi ngô. Anh Sung, Ky liền lên chùa khênh hai pho tượng xuống nương đặt mỗi ông bên đầu bờ rồi thoải mái đi chơi. 

Hôm thu hoạch ngô, bà Sung chết lặng khi thấy hai pho tượng, sợ hãi bắt hai anh khênh trả lại chùa. Thế là hai pho tượng nằm chơ vơ ở sân chùa dầm mưa, dãi nắng đến mấy tháng trời rồi bọn trẻ biết lại kéo nhau lên đấu tố rồi lăn tượng ra thả xuống sông Lô.

Về sau không hiểu sao hai anh Sung, Ky cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn chỉ đi lang thang, cười một mình chẳng làm được việc gì. Bà Sung mượn thầy cúng bái mãi hai anh cũng không khỏi. Đầu bà đã bạc trắng mà hàng ngày phải đi mót lúa, ngô, khoai nuôi hai anh. Cuối cùng cả ba mẹ con chết trong cảnh cơ hàn. Sau vụ này người thì bảo hai anh bị “thánh vật”, người lại bảo họ bị bệnh tâm thần mà thôi.

Cứ chủ nhật, ngày rỗi rãi là cả bọn đi phá phách, khoảng mấy tháng sau thì đoàn thanh niên cùng với đám trẻ trâu phá xong chùa. Nhà thượng điện, hai nhà tả, hữu vu sạch bách tượng thờ, bát nhang, màn trướng bị đập phá, thả xuống sông, đốt cháy…Chùa chỉ còn ba ngôi nhà trống. Sau đó chùa được đập bỏ các bệ thờ quét dọn làm trường học cấp một, ba khu vườn xung quanh chùa dân chiếm trồng khoai, sắn.

Cùng chung số phận với ngôi chùa, đình, miếu làng tôi cũng bị phá bỏ trong mấy năm sau. Hai nơi này không có tượng nên sau khi phá hết những biểu tượng thờ, cúng, hoành phi, câu đối, sàn gỗ quý…họ dỡ ngói, mái, đêm đêm một số người dân lặng lẽ vào đình, miếu lượm ngói, gạch, ván sàn…đem về nhà. 

Cuối cùng ngôi đình to, đẹp cỡ  như Đình Bảng ở Bắc Ninh tại gò Núi trơ xương kèo cột dầm mưa, giãi nắng mấy năm trời cuối cùng được hạ xuống xẻ thành ván làm ghế bàn ở ủy ban còn cái nền được một hộ dân đến làm nhà ở. Riêng cái miếu nằm trên vệ đồi nhìn xuống sông Lô mênh mang, bên kia  bạt ngàn những nương dâu, ngô bên Phú Thọ, sau khi phá hết bệ thờ, vứt hết bát nhang, lư hương. Ngôi miếu được dùng làm nơi bán hàng của HTX. Sau khi HTX tan rã cái miếu cũng bị dân xung quanh đến dỡ lấy gạch, ngói, gỗ. Nay một phần diện tích đất ngôi miếu thành góc chợ Ngạc.

Từ 2015, thấy các nơi xây chùa, đình làng tôi cũng xin xây lại chùa được cấp trên phê duyệt. Các cụ nhờ người đi khắp nơi vận động quyên góp. Có cả phái đoàn về Hà Nội mời con dân trong làng, xã đóng góp xây chùa và  nhiều người ủng hộ tiền, chuông, tượng …

Nay làng tôi đã có chỗ cho các ông bà già tụ họp, thắp nhang vào ngày rằm, mùng một. Thế nhưng ngôi chùa bây giờ nhỏ thó, đơn sơ vì xung quanh bị người dân lấn chiếm làm nhà.Các bức tượng được quyên góp thì mới tạc vội vã  trông ngơ ngáo chẳng mấy linh thiêng. Dù có chùa, làng tôi không còn những buổi rước tượng từ chùa sang đình, chọi gà, đấu vật…linh đình. Cũng không có chỗ cho làng hội họp, bàn bạc…

Xưa nhờ có đình, chùa, miếu, hương ước làng, thôn mà dân tham gia những sinh hoạt tập thể, hội hè. Mọi người trong làng có dịp gặp gỡ, quen biết, chung công việc, kỷ niệm. Anh em vai vế có tôn ti trật tự, trên ra trên, dưới ra dưới, đoàn kết, đùm bọc, cuộc sống yên bình hầu như không có trộm cắp. Có anh chỉ ăn trộm con gà hàng xóm mà không lấy được vợ làng phải lấy vợ mãi tận đâu đâu 

Nay làng tôi nhà cửa khang trang, người dân không còn đói rách như xưa nhưng  trộm cắp, nghiện ngập, tranh giành, kiện cáo khôn nguôi…

 

Tháng 8/2020

       NĐA

 

Tin bài liên quan:

VNTB – Giá trần, giá sàn trong vận tải hàng không

Phan Thanh Hung

VNTB – Về Đồng Tâm: 59 ha đất Đồng Sênh hay tinh thần thượng tôn pháp luật

Phan Thanh Hung

VNTB – Báo chí quốc doanh là “gánh nặng” của doanh nghiệp 

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo