Việt Nam Thời Báo

VNTB – Phụ huynh ‘chưa lên làm việc’, học sinh sẽ bị đuổi học?

Tử Long

 

(VNTB) – Hiệu trưởng mời phụ huynh “lên làm việc” vì tin nhắn trong nhóm chat Zalo với nội dung khiến nhà trường mất uy tín…

 

Khi ông hiệu trưởng thích thị uy

Thông báo được đánh số văn bản 269/TB-LLQ, ngày phát hành 25-9-2023 do hiệu trưởng trường trung học phổ thông (THPT) Lạc Long Quân, Hà Nội – ông Đinh Quang Dũng, viết (trích):

Kính gửi: Ông…, là phụ huynh học sinh…, lớp 12A3.

Ngày 26-8-2023 trường THPT Lạc Long Quân nhận được phản ánh từ phụ huynh học sinh về việc ông nhắn tin trên nhóm Zalo của lớp 12A3 với nội dung làm ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường. Nhà trường đã nhiều lần mời ông lên làm việc, để nghe ông giải thích về nội dung tin nhắn trong nhóm Zalo lớp 12A3 ngày 26-8-2023, nhưng không nhận được sự hợp tác của ông, ngày 07-09-2023 Nhà trường đã cử GVCN đến nhà để trao đổi và chuyển lời mời của BGH nhà trường đến ông, nhưng đến nay ông vẫn chưa lên làm việc.

Nay nhà trường gửi thông báo đến ông … , mời ông bố trí thời gian lên làm việc với BGH nhà trường trước ngày 29-8-2023. Sau thời gian trên nếu ông không lên làm việc với nhà trường thì nhà trường sẽ từ chối công tác giáo dục đối với học sinh …lớp 12A3”.

Với nội dung của văn bản 269/TB-LLQ nêu trên cho thấy dường như trong ngành giáo dục cũng xảy ra tình trạng… ngồi nhầm ghế.

Một số vấn đề mang tính pháp lý và xử lý văn bản hành chính từ Thông báo được đánh số 269/TB-LLQ: Nội dung ghi ngày ký phát hành là 25-9-2023, nhưng thời gian yêu cầu “lên làm việc” là trước ngày 29-8-2023. Không có bất kỳ ai có thể đáp ứng được lời mời kiểu “quay về quá khứ” ấy.

Còn nếu giải thích ở đây là do lỗi… đánh máy, vậy thì trước khi đặt bút ký, hiệu trưởng Đinh Quang Dũng đã bỏ qua lỗi cơ bản nhất của người làm công tác quản lý: ký bừa. Và với chuyện “ký bừa” đó cho thấy rất rõ rằng người đang khiến uy tín của trường THPT Lạc Long Quân bị sút giảm, trước mắt chứng cứ rất rõ đối với hiệu trưởng Đinh Quang Dũng.

Vấn đề tiếp theo: thế nào là “từ chối công tác giáo dục”? Đó có phải là uyển ngữ của lời đe dọa “đuổi học” nếu phụ huynh “không lên làm việc”?

Thích thị uy nhưng lại ‘ngờ nghệch’ kiến thức pháp luật

Nếu hiểu giác độ trường THPT Lạc Long Quân, Hà Nội đang thực hiện “dịch vụ giáo dục”, thì căn cứ Điều 520 Bộ luật dân sự 2015 về đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng dịch vụ thì:

“2. Trường hợp bên sử dụng dịch vụ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ thì bên cung ứng dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại”.

Khoản 2 Điều 423 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Vi phạm nghiêm trọng là việc không thực hiện đúng nghĩa vụ của một bên đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng”.

Căn cứ các quy định trên, điều kiện để nhà trường đơn phương chấm dứt hợp đồng là phụ huynh phải vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng dịch vụ, như phụ huynh không đóng học phí theo đúng cam kết trong hợp đồng; học sinh vi phạm nội quy nhà trường mà theo quy định nhà trường được quyền cho thôi học và thanh lý hợp đồng…

Nếu phụ huynh thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trong hợp đồng không có hành vi vi phạm, thì nhà trường không thể lấy lý do phụ huynh “nhắn tin trên nhóm Zalo của lớp 12A3 với nội dung làm ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường” và “không lên làm việc” với ban giám hiệu nên hiệu trưởng sẽ thông báo chấm dứt hợp đồng “phản đối việc nhà trường không miễn giảm học phí để chấm dứt hợp đồng với cách dùng từ là “nhà trường sẽ từ chối công tác giáo dục đối với học sinh …lớp 12A3”.

Một khi hiệu trưởng trường THPT Lạc Long Quân, Hà Nội ra thông báo “từ chối công tác giáo dục đối với học sinh … lớp 12A3”, thì về nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, phụ huynh ở trường hợp kể trên có quyền khởi kiện nhà trường tại tòa án nhân dân nơi nhà trường đóng trụ sở để yêu cầu giải quyết các vấn đề liên quan đến việc nhà trường đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật này.

Pháp luật chuyên ngành giáo dục hiện tại không có khái niệm “từ chối công tác giáo dục đối với học sinh”, thậm chí ngay cả cách hiểu dân dã nhất là “đuổi học”, thì cũng không. Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo ở Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT quy định về “Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học” đã xóa bỏ việc áp dụng hình thức kỷ luật “Buộc thôi học” đối với học sinh, so với quy định trước đây mà nhà trường tại Thông tư 08/TT năm 1988 là được phép xử lý học sinh vi phạm bằng cách: Cảnh cáo trước toàn trường; Đuổi học một tuần lễ; Đuổi học 1 năm.

Như vậy cần xem lại quy trình “cơ cấu ghế” hiệu trưởng của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội, khi đã phân công một nhân sự không am tường pháp luật dân sự, cũng như lơ là cập nhật pháp luật chuyên ngành trong quản lý ở cương vị hiệu trưởng, và thông thường thì người hiệu trưởng ấy còn đồng thời giữ chức danh Bí thư chi bộ, hoặc Phó bí thư chi bộ Đảng ở trường học đó.


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Cựu thứ trưởng Công Thương Hoàng Quốc Vượng bị bắt

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Nga xâm lược Ukraine: Trung Quốc “dạy Việt Nam bài học” phiên bản 2022

Do Van Tien

VNTB – Nền kinh tế độc lập trong bối cảnh toàn cầu hóa

Trương Thế Tử

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.