Việt Nam Thời Báo

VNTB – Phục vụ tăng trưởng bằng mọi giá: hút tài nguyên, quên năng suất lao động

Anh Văn (VNTB) Thậm chí, để đạt mục tiêu tham vọng tăng trưởng 6,7%, năm 2017, ông Nguyễn Chí Dũng vỗ về Quốc Hội an tâm, khi Chính phủ sẽ bổ sung khai thác 1 triệu tấn dầu phục vụ tăng trưởng.
Năng suất lao động thấp do tính theo đúng chuẩn thế giới. Nguồn: Nhóm nghiên cứu Đại học Kinh tế quốc dân – Đồ họa: Tấn Đạt
Dù ông Dũng có cam kết “điều này tốt cho nền kinh tế, và không khai thác đến mức cạn kiệt tài nguyên”, nhưng không ai dám đảm bảo điều này trở thành sự thật. Khi mà “áp lực” tăng trưởng bằng mọi giá đang được đặt ra để phục vụ cho thành quả Chính phủ Kiến tạo.

Trước đó không lâu, ông Nguyễn Xuân Phúc từng “dọa” kỷ luật tỉnh nào không đạt được chỉ tiêu tăng trưởng.

25 năm đổi mới chỉ đạt 3% giá trị gia tăng công nghệ

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan trong tham luận trình bày tại Hội thảo XHDS thường niên lần 2 (Hà Nội) đã nói thẳng, trong tổng kết 25 năm đổi mới vừa qua, việc chuyển giao công nghệ gần như không có. Và 10 năm Intel tại Việt Nam, Việt Nam chỉ tạo 3% giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh đã không được chú trọng, chỉ số sáng tạo đang thua so với ngay cả với Lào. 

Tư duy quan chức là trở lực lớn nhất đối với sự phát triển của Việt Nam hiện nay. Mà một trong những tư duy đó chính là trọng về tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá, bất chấp các hậu quả về mất cân đối xã hội và sự thiếu bền vững khi hủy hoại môi trường.

Đào xới bới múc tài nguyên là chiến lược phát triển kinh tế của Chính phủ kiến tạo?
Điều này đã được minh chứng trong thời gian dài vừa qua, khi hàng loạt các dự án gây ô nhiễm môi trường hiện nay chính là các thành tố từng góp phần giữ tăng trưởng hằng năm ở ngưỡng 6-7%, đồng thời các chỉ tiêu tăng trưởng cũng xuất phát điểm từ những cơ chế ưu đãi (bao gồm cả gói kích thích kinh tế năm 2009) cho các tập đoàn nhà nước lớn, nhóm lợi ích.

Trong khi đó, sự suy giảm tốc độ năng suất lao động (NSLĐ) lại không hề được chú ý đến. So với các quốc gia trong khu vực, tốc độ tăng NSLĐ của Việt Nam giai đoạn 1995 – 2000 là 5,4%; nhưng sang thời kỳ 2000 – 2014 thì tụt mức 4,4%, thấp hơn Lào. Ngay trong lĩnh vực nông nghiệp (vốn được coi là thế mạnh), sản lượng nông nghiệp bình quân trên mỗi lao động ở Việt Nam chỉ bằng 1/3 của Indonesia và chưa bằng một nửa so với Thái Lan và Philippines (theo thông tin báo cáo Triển vọng phát triển Châu Á – ADO – 2017 ngày 10/04 vừa qua). 

Năng suất lao động bị coi thường, hút dầu được coi trọng

Năng suất lao động tại sao phải được chú ý, và coi trọng nhất trong bối cảnh hiện nay?

Thứ nhất, để tăng GDP hay năng suất lao động thì đều cần vốn tư bản, vốn con người và công nghệ mới. Ba yếu tố này quan trọng và có tính chi phối lẫn nhau. Năng suất lao động sẽ là một chỉ số tốt để thể hiện mức độ phát triển của nền kinh tế của một quốc gia và thường được ưa chuộng hơn chỉ số về GDP trên đầu người. Có hai con đường để tăng năng suất lao động, một là tăng hiệu quả của các ngành công nghiệp chính bằng cách áp dụng công nghệ mới, nâng cấp máy móc và đầu tư vào đào tạo kỹ năng và đào tạo nghề. Và hai là, chuyển dịch sang các hoạt động có giá trị gia tăng lớn hơn. Muốn vậy, Chính phủ cần cung cấp cơ sở hạ tầng có chất lượng, hệ thống giáo dục và phát triển kỹ năng tốt, và các doanh nghiệp cần có khả năng đầu tư và nắm bắt cơ hội. 

Những điều này hầu như tại Việt Nam không có. Mà nguyên nhân chính xuất phát từ chiếc áo thể chế quá chật chội. Muốn đạt được, đòi hỏi “cấu trúc quản trị Việt Nam” phải thay đổi.

Chính phủ kiến tạo Nguyễn Xuân Phúc đang đi vào lối mòn?
Thứ hai, dựa trên những gì mà Chính phủ kiến tạo đang làm, và cam kết của ông Nguyễn Chí Dũng trong đẩy mạnh khai thác dầu để phục vụ tăng trưởng, thì đó vẫn là một lề lối, tư duy phát triển kinh tế cũ, hoàn toàn đi ngược lại với phát triển bền vững hay nói cách khác, là thiếu trọng tâm về mặt tăng năng suất lao động. Bởi khai thác dầu khí chỉ chủ yếu dựa vào nguồn tài nguyên hơn là tăng cơ sở vốn, kỹ thuật và trình độ lao động. Nó thể hiện rõ, năng suất lao động dựa hoàn toàn vào khai thác khoáng sản, thiếu hàm lượng chất xám, thiếu khả năng lao động sáng tạo,… Đưa tăng trưởng kinh tế vào con đường hẹp và trở thành một thách thức trong tăng trưởng kinh tế bền vững.

Hệ quả là, mức tăng năng suất lao động hiện tại sẽ tiếp tục được giữ, và với mức độ này – chỉ có thể mang lại tăng trưởng GDP bình quân đầu người từ 4,0 – 4,5%, thấp hơn nhiều so với mức 7% cần thiết để gia nhập nhóm nước thu nhập trung bình cao vào năm 2035. Đồng nghĩa chương trình cải cách sẽ không thành công chừng nào tăng năng suất chưa được cơ bản cải thiện.

Như vậy, tăng trưởng bằng mọi giá dưới thời kỳ Chính phủ kiến tạo Nguyễn Xuân Phúc đang đi vào lối mòn đó. 

Trong một sự kiện mang tính trùng hợp, một ĐBQH đã đề cập đên sự bất an trong dân khi rừng sắp hết, biển gần chết, tài nguyên thì cạn dần. 

Tin bài liên quan:

VNTB – Sự kỳ dị của một nhà nước pháp quyền

Phan Thanh Hung

VNTB – Văn hóa – nghệ thuật “giãy chết” hay là tư tưởng bám rễ ngân sách

Phan Thanh Hung

VNTB – Mùa Valentine đen cho nhà cầm quyền bắt đầu!

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.