Việt Nam Thời Báo

VNTB- Quân bài của Trump: Tổng thống Mỹ tiếp theo sẽ chơi quân bài nào chống lại Trung Quốc?

South China Morning Post, ngày 14 tháng một năm 2017

(Bản dịch của Vũ Quốc Ngữ)

(VNTB) – Biển Đông, an ninh mạng và thương mại có khả năng là một trong những điểm gây áp lực chủ chốt.




Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump đã nói rằng ông có thể sử dụng chính sách Một Trung Quốc như một con bài mặc cả trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc về thương mại và nhiều lĩnh vực khác. Nhưng có những điểm khác mà ông có thể sử dụng khi tìm kiếm sự nhượng bộ từ Bắc Kinh. Dưới đây là những điểm chính:

Biển Đông

Đối đầu Trung-Mỹ gần đây nhất ở Biển Đông là vụ lực lượng hải quân Trung Quốc thu giữ một thiết bị lặn không người lái dưới nước của tàu khảo sát hải dương học Mỹ USNS Bowditch trong vùng biển quốc tế phía tây bắc của vịnh Subic ở Philippines vào ngày 15/12/2016. Trump cáo buộc Trung Quốc “ăn cắp” thiết bị này, nhưng Bắc Kinh khẳng định rằng chính phủ Trung Quốc đã hành động hợp pháp. Vụ lùm xùm kết thúc năm ngày sau đó, khi Bắc Kinh trả lại thiết bị lặn không người lái. Nhưng sự hòa hoãn tạm thời ở Biển Đông có thể bị lung lay khi Trump nhậm chức trong tháng này.

Giáo sư Shi Yinhong, một chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, cho biết hai nước đã có những động cơ xung đột ở khu vực. Trong khi lợi ích cốt lõi của Washington là để duy trì quyền bá chủ trên biển trên toàn thế giới, Trung Quốc đang rất cần một không gian chiến lược trong vùng Biển Đông. Shi cho rằng “sự cạnh tranh chỉ mới bắt đầu’.

“Nhưng Biển Đông sẽ không trở thành địa điểm của một trận chiến quyết định, ít nhất là trong hai ba năm tới,” ông nói.

Trump sẽ có rất nhiều công cụ để gây áp lực lên Trung Quốc. Thượng nghị sĩ Marco Rubio, một trong những đối thủ bị đánh bại của Trump trong cuộc bầu cử đề cử ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa, đã kêu gọi trừng phạt được áp đặt lên cá nhân và cơ quan của Trung Quốc đã hỗ trợ xây dựng các hòn đảo nhân tạo và các cơ sở khác vùng Biển Đông và Hoa Đông.

Sự gia tăng các hoạt động “tự do hàng hải’ của Mỹ gần như là một sự chắc chắn. Trong bốn hoạt động trước đó, tàu chiến Mỹ di chuyển trong vòng 12 hải lý của các đảo nhân tạo của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa và thách thức các đường cơ sở lãnh hải mà Trung Quốc tuyên bố xung quanh quần đảo Hoàng Sa.

Phán quyết tại Tòa án Trọng tài Thường trực ở The Hague trong tháng Bảy năm ngoái bác bỏ hầu hết các yêu sách của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp có thể được xem như là mang lại cơ sở cho quân đội Mỹ hoạt động trong các vùng biển trên.

Nhiều nhà quan sát cho biết về khả năng thay vì các hoạt động “vô tội đoạn” như trước, tàu chiến Mỹ có thể thực hiện các hành động quân sự – được phép trong vùng biển quốc tế – trong phạm vi 12 hải lý của các đảo san hô mà Trung Quốc kiểm soát ở Trường Sa, nơi Bắc Kinh không có quyền lãnh hải theo phán quyết của Tòa án The Hague.

Nhưng Wu Shicun, người đứng đầu của Viện Nghiên cứu Biển Đông Quốc gia của Trung Quốc, nói rằng Bắc Kinh nên tuyên bố những “ranh giới đỏ” mà không thể vượt qua, với một trong số chúng là “không có tự do về các hoạt động hàng hải ở quần đảo Trường Sa”.

Một ranh giới đỏ cho Trung Quốc, ông cho biết, sẽ là các cuộc tuần tra chung ở Biển Đông với sự tham gia của các nước ngoài khu vực, đặc biệt là Nhật Bản.


Thiểu số, ly khai khu vực và nhân quyền

So với ứng cử viên tổng thống đã bị đánh bại của Đảng Dân chủ, Hillary Clinton, người đã từng công khai chỉ trích tịch Tập Cận Bình về việc giam giữ những người hoạt động về quyền phụ nữ Trung Quốc, Trump đã không nói nhiều về nhân quyền ở Trung Quốc trong chiến dịch của mình.

Nhưng Trung Quốc vẫn còn dễ bị chỉ trích quốc tế về nhiều vấn đề nhân quyền, từ đàn áp giới luật sư nhân quyền và giam giữ nhiều nhà hoạt động nhân quyền, tới việc thu giữ hộ chiếu của người dân ở khu vực phía tây của Tân Cương, nơi có khoảng 10 triệu người Hồi giáo Uygurs sinh sống.

Một báo cáo của Trung tâm nghiên cứu Pew năm 2015 cho thấy nhân quyền của Trung Quốc vẫn là một trong những mối quan tâm hàng đầu của người Mỹ trong quan hệ Trung-Mỹ, và đảng Cộng hòa bày tỏ mối quan ngại nhiều hơn đảng Dân chủ hay phe độc lập. Điều đó có thể được biến thành áp lực từ phe Cộng hòa trong quốc hội và buộc Trump nói đến vấn đề quyền con người khi thương lượng với Trung Quốc.

Bắc Kinh xem việc nước ngoài quan tâm về hồ sơ nhân quyền của mình và đối xử với các dân tộc thiểu số mà một số người vận động cho quyền tự chủ và độc lập, là sự can thiệp vào công việc nội bộ và là mối đe dọa đến chủ quyền của mình, và Trung Quốc trả đũa bằng các biện pháp thương mại và công cụ kinh tế khác.

Một ví dụ nổi bật là sự phản ứng của của Trung Quốc về việc tổng thống Mỹ gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma, lãnh tụ tinh thần Tây Tạng lưu vong, người được tôn trọng rộng rãi ở phương Tây nhưng bị Bắc Kinh cáo buộc đã xúi giục đòi độc lập Tây Tạng. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma bốn lần trong Nhà Trắng trong tám năm qua, và Trung Quốc  phản đối tất cả các cuộc gặp, như đã từng phản đối cuộc viếng thăm của Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Nhà Trắng với hai người tiền nhiệm của ông Obama tại Nhà Trắng, George W. Bush và Bill Clinton.

Việc Clinton và Bush tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma đã dẫn tới việc Trung Quốc mua máy bay của hãng Airbus với số lượng lớn thay vì của Mỹ, nhưng các cuộc đàm phán về một thỏa thuận mua 150 máy bay của Airbus bị dừng lại vào năm 2008 sau khi Tổng thống Pháp Nicholas Sarkozy đã gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma. Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cũng hủy bỏ một cuộc họp thượng đỉnh EU-Trung Quốc. Hai năm sau, sau khi ông Obama gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma, Airbus lại được Trung Quốc ủng hộ trở lại.

Khu vực Tân Cương bất ổn cũng là chỗ nhạy cảm đối với Bắc Kinh, như là Hồng Kông, nơi mà các cuộc biểu tình dân chủ và đòi độc lập đã trở thành các tiêu đề chính của báo chí quốc tế trong những năm gần đây.

“Ý kiến ​​mơ hồ về sự cách mạng chính trị của Hồng Kong … có thể được sử dụng như là công cụ để gây áp lực với Bắc Kinh,” Stephen Nagy, một giáo sư tại Đại học Kitô Quốc tế tại Tokyo cho biết.


THAAD và quan hệ quân sự trong khu vực

Trung Quốc đã nhiều lần cảnh báo chống lại việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ (US Terminal High Altitude Area Defence- THAAD) ở Nam Triều Tiên, lập luận rằng hệ thống này là mối đe dọa cho an ninh quốc gia của Trung Quốc vì radar của nó có thể theo dõi nhiều hoạt động quân sự quan trọng của Trung Quốc.

Với việc Nhật Bản xem xét thiết lập THAAD để đối phó với mối đe dọa tên lửa đạn đạo từ Triều Tiên, Bắc Kinh đang lo lắng về việc tăng cường quân sự giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc ở Đông Bắc Á.

Phòng thủ tên lửa là một trong những đòn bẩy mà Mỹ sử dụng khi thương lượng với Trung Quốc, theo Nicholas Burns, giáo sư về ngoại giao và quan hệ quốc tế tại Harvard.

“Đối với Donald Trump, nước cờ rất hiệu quả – chúng tôi sẽ tăng gấp đôi lực lượng ở đó nếu chúng tôi phải thê”, Burns nói.


Thuế quan và cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ

Trong chiến dịch của mình, Trump hứa sẽ coi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ và áp dụng mức thuế 45% cho hàng nhập khẩu Trung Quốc. Ông cáo buộc Bắc Kinh cố tình giữ cao giá trị của đồng Nhân dân tệ, tạo cho sản phẩm Trung Quốc một lợi thế không công bằng, mặc dù nhiều nhà kinh tế cho rằng Bắc Kinh đã hành động để ngăn chặn việc xuống giá nhanh của đồng tệ.

Trump đã chọn một nhà phê bình kịch liệt Trung Quốc, Peter Navarro – nổi tiếng với cuốn sách của ông Chết bởi Trung QuốcCon hổ cúi mình: Chủ nghĩa quân phiệt Trung Quốc có ý nghĩa thế nào với thế giới – là giám đốc của Hội đồng Thương mại Quốc gia, một cơ quan mới được tạo ra của Nhà Trắng, và nói rằng ông có kế hoạch ra lệnh cho Đại diện Thương mại Hoa Kỳ đưa tranh chấp thương mại với Trung Quốc tại Mỹ và ra Tổ chức Thương mại thế giới, cho rằng “hành vi trợ cấp bất công của Trung Quốc bị cấm bởi những cam kết của nó khi gia nhập WTO”.

Một tổng thống Mỹ có quyền rất rộng về thương mại, thậm chí không cần sự chấp thuận của Quốc hội, bao gồm cả quyền để đối phó với “cán cân thanh toán thâm hụt lớn và nghiêm trọng của Mỹ” bằng cách áp đặt phụ thu nhập khẩu tạm thời không được vượt quá 15% trong thời gian lên đến 150 ngày.

Trung Quốc thay thế Canada để trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ trong năm 2015 và thâm hụt thương mại của Mỹ trong giao dịch hàng hóa với Trung Quốc đạt kỷ lục 366 tỷ USD.

Ngày trước, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đã áp đặt một mức thuế 45% lên xe oto  nhập khẩu từ Nhật Bản vào năm 1983 và 100% thuế lên nhiều hàng hóa từ nước này như máy tính, tivi và thiết bị năng lượng vào năm 1987. Gần đây, vào năm 2009, chính quyền Obama áp thuế 25%-35% lên lốp xe hơi và xe tải nhẹ từ Trung Quốc sau khi nhận được khiếu nại từ các nhà sản xuất lốp xe của Mỹ.

Vẫn chưa rõ ràng làm thế nào Trump có thể chơi quân bài thuế quan, nhưng Viện Kinh tế Quốc tế Peterson tại Washington đã cảnh báo trong một báo cáo gần đây rằng cả ba kịch bản về chiến tranh thương mại có thể sẽ dẫn đến một sự suy giảm trong tiêu dùng Mỹ, suy giảm tăng trưởng kinh tế và tăng nạn thất nghiệp.


An ninh mạng

Trung Quốc và Mỹ nhìn nhận Internet rất khác nhau, với Washington ưu tiên tự do thông tin và Bắc Kinh muốn kiểm soát hoàn toàn. Cả hai quốc gia cũng đã cáo buộc nhau trong nhiều năm qua về đánh cắp bí mật thương mại và hack thông tin.

Trung Quốc đã thông qua luật về an ninh mạng đầu tiên trong tháng 11, một luật gây tranh cãi cho phép Bắc Kinh truy cập công nghệ của các công ty nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc và làm dấy lên những lo ngại của các doanh nghiệp nước ngoài trong việc kiểm soát các luồng dữ liệu xuyên biên giới.

Trong năm 2014, năm sĩ quan quân đội Trung Quốc đã bị truy tố ở Pennsylvania cho hành động hack máy tính, gián điệp kinh tế và các vi phạm khác với sáu nạn nhân Mỹ trong ngành công nghiệp năng lượng hạt nhân, luyện kim và năng lượng mặt trời, và Mỹ cũng cáo buộc Bắc Kinh đứng đằng sau việc đánh cắp thông tin cá nhân của khoảng 22 triệu nhân viên chính phủ liên bang trước đây và hiện tại.

Xi và Obama đã đồng ý ở Washington vào năm 2015 rằng không một chính phủ nào có thể thực hiện hoặc hỗ trợ hacking cho mục đích thương mại. Bill Evanina, trưởng cơ quan phản gián và trung tâm của Mỹ ước tính rằng các tin tặc từ Trung Quốc đã đánh cắp khoảng 360 tỷ USD từ các công ty Mỹ mỗi năm.

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống của mình, Trump cam kết sẽ “làm cho an ninh mạng là một ưu tiên quan trọng”.


Sở hữu trí tuệ

Trump đã cam kết sẽ đưa công việc trở lại Mỹ và, trích dẫn số liệu từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ, đã cho biết có thể tạo ra 2 triệu việc làm nếu Trung Quốc tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ của Mỹ.

Trump thậm chí đã thấy mình là nạn nhân của hành vi trộm cắp sở hữu trí tuệ tràn lan ở Trung Quốc, cùng với các công ty khác, từ New Balance và Starbucks cho đến Microsoft. Tên của ông đã được đăng ký bởi hàng chục công ty Trung Quốc và trong 10 năm qua, ông đã bị cấm sử dụng tên của mình trong ngành công nghiệp xây dựng ở Trung Quốc, cho đến cuối năm ngoái, khi ông đã giành phần thắng trong một vụ kiện lên Cục Quản lý Nhà nước cho Công nghiệp và Thương mại về tên thương hiệu.

Trong tháng Tư, ngành thép Mỹ cho biết đã phát hiện ra tin tặc được Trung Quốc hậu thuẫn đã đánh cắp kết quả nghiên cứu về công nghệ tiên tiến trong hàng chục năm và đưa những khám phá đó cho các đối thủ cạnh tranh ở Trung Quốc. Và vào tháng Năm năm ngoái, một tòa án ở Bắc Kinh phán quyết rằng Apple không thể sử dụng thương hiệu iPhone trên mặt hàng da tại Trung Quốc.

Đó là những vũ khí mà Trump có thể sử dụng tại một thời điểm khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang ủng hộ sự đổi mới như là một cách mới để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chậm chạp và các công ty Mỹ dẫn đầu thế giới trong nhiều lĩnh vực công nghệ cao.

———————

Tin bài liên quan:

VNTB- Sáu nước ở Đông Nam Á được xếp vào những cường quốc quân sự trên thế giới

Phan Thanh Hung

VNTB- Việt Nam sẽ thiệt thòi nhiều nhất từ ​​Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông

Phan Thanh Hung

(VNTB)-Quy trình Xét xử công minh- Ân xá Quốc Tế (Bài 6)

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo