Việt Nam Thời Báo

VNTB – Quân đội nước ngoài tại miền Bắc trong chiến tranh Việt Nam

 

Trần Trung Đạo

 

(VNTB) – Phi công Yi tiết lộ ít nhất 70 phi công Bắc Hàn đã tham chiến tại Việt Nam.

 

Nhiều nguồn tin tình báo Mỹ trong thời kỳ chiến tranh đã biết không lực Bắc Hàn có thể đã tham chiến tại Bắc Việt. Nhưng mãi cho tới năm 1996, những tin đồn này mới được xác nhận qua sự kiện đại úy phi công  Yi Chol-su thuộc không lực Bắc Hàn lái chiếc Mig-19 đào thoát sang Nam Hàn. Trong thời gian ở Nam Hàn, phi công Yi tiết lộ ít nhất 70 phi công Bắc Hàn đã tham chiến tại Việt Nam.

Năm 2000 những tin đồn cũng được CSVN xác nhận. Đầu tháng 4, 2000, trong dịp viếng thăm CSVN, Bộ trưởng Quốc Phòng Bắc Hàn Paek Nam-sun cũng đã đến thăm một nghĩa trang nhỏ ở Bắc Giang, nơi an táng 14 phi công Bắc Hàn chết trong chiến tranh Việt Nam.

Báo Tuổi Trẻ trong bài “14 chiến binh Triều Tiên trên bầu trời Việt Nam” phát hành ngày 18 tháng 8, 2008 nhắc lại “Những trận không chiến oanh liệt để bảo vệ bình yên bầu trời miền Bắc VN trong kháng chiến chống Mỹ lùi vào quá khứ gần nửa thế kỷ. Nhưng 14 tấm bia mộ liệt sĩ Triều Tiên ở khu đồi rừng Hoàng (xã Tân Dĩnh, Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) ngày ngày vẫn nhắc nhớ về những người bạn nước ngoài đã đổ máu cho độc lập của VN.”

Bài báo còn diễn tả hành động rất quen thuộc nhưng rất phi nhân trong lý thuyết CS áp dụng trong chiến tranh là “khóa chân vào súng” hay “khóa chân vào ghế máy bay” vì khẩu súng hay chiếc máy bay đối với đảng CS quan trọng hơn mạng người. Bài báo viết: “Cuộc chiến đấu của đội chiến binh Triều Tiên chủ yếu diễn ra trên vùng trời các tỉnh ven Hà Nội như Hà Bắc, Vĩnh Phúc và Hải Hưng. Với lòng cảm tử đặc trưng của dân tộc Triều Tiên đã chiến đấu là phải quyết tiêu diệt bằng được đối phương, không bảo vệ được phi cơ thì chiến binh cũng sẽ hi sinh theo nên trong các đợt xuất kích, 14 chiến binh Triều Tiên đều không trang bị dù cũng như các thiết bị thoát hiểm khác. Thậm chí một cựu chiến binh cùng thời với họ cho biết họ còn tự khóa chân mình vào chân ghế máy bay.”

Diễn tiến theo thời điểm trích từ văn khố của Wilson Center.

Ngày 21 tháng 9, 1966, tướng Phùng Thế Tài, tư lịnh không quân CSVN, báo cáo với Quân Ủy Trung Ương rằng Bắc Hàn muốn gởi các phi công tình nguyện chiến đấu tại Việt Nam. Các đơn vị Bắc Hàn sẽ ăn mặc quân phục Việt Nam.

Ngày 30 tháng 9, 1966, tướng Văn Tiến Dũng và tướng Choi Kwang, tổng tham mưu trưởng quân đội Bắc Hàn đạt tới thỏa thuận để Bắc Hàn đưa phi công sang bay các Mig-17. Theo thỏa thuận giữa hai bên, năm sau, Bắc Hàn sẽ đưa thêm phi công để bay một phi đội Mig-21. Các đơn vị Bắc Hàn được gọi dưới mật danh là Đoàn Z đặt bản doanh tại phi trường Kép, đông bắc Hà Nội.

Cũng trong thời điểm này, Võ Nguyên Giáp chấp thuận.

Các đơn vị Bắc Hàn đặt dưới quyền chỉ huy của Trung Tá Kim Chang-sŏn với các đơn vị đóng tại phi trường Kép và Phúc Yên. Phúc Yên là bản doanh của trung đoàn không quân 921 còn được gọi là trung đoàn không quân sao đỏ. Phi công của đơn vị này được gởi sang Trung Cộng huấn luyện và  nhận các Mig-17. Một trung đoàn khác, 923, đặt bản doanh tại phi trường Kép và được trang bị với các Mig-17 nhận từ LX. Đây là hai đơn vị đầu tiên của không quân CSVN tại thời điểm nguy kịch này.

Theo giáo sư Jiyul Kim trong biên khảo chi tiết Bắc Hàn Trong Chiến Tranh Việt Nam, trích dẫn lời Phan Khắc Hy, cựu thiếu tướng CSVN, người đã làm việc với phi đoàn Bắc Hàn  cho biết trong khoảng thời gian giữa 1967 và 1969,  đơn vị Bắc Hàn có 200 người gồm 87 phi công. Một nguồn tin khác cho rằng đơn vị Bắc Hàn có tới 384 người bao gồm 96 phi công. ( Jiyul Kim, North Korea in the Vietnam War, 1 Sep 2017)

Vì thiếu phi công, sự có mặt của các đơn vị Bắc Hàn hết sức cần thiết trong giai đoạn quan trọng của cuộc chiến trên không vào những năm trước 1968. Không lực Bắc Hàn đã gia tăng 50% khả năng chiến đấu của không quân CSVN.

Ngoài việc gởi các đơn vị không quân sang chiến đấu, Bắc Hàn còn gởi các đoàn tâm lý chiến sang trộn lẫn vào bộ binh CSVN xâm nhập miền Nam Việt Nam để hoạt động chống lại các sư đoàn Nam Hàn đang có mặt tại miền Nam.

Trong suốt cuộc chiến, đảng Lao Động Việt Nam (CSVN) vẫn cho rằng cuộc “kháng chiến chống Mỹ cứu nước” là cuộc kháng chiến “thần thánh” của “nhân dân Việt Nam”, các nước xã hội chủ nghĩa có giúp đỡ phương tiện nhưng không ai, không nước nào trực tiếp tham gia trận chiến. 

Ngay cả mấy chục sư đoàn quân đội miền Bắc xâm lăng VNCH cũng được che đậy dưới màu cờ khác, “quốc ca” khác. Đừng nói chi thế giới, không ít người kể cả trí thức miền Nam vẫn ngây thơ tin rằng họ “đứng dậy” hay “vùng lên” từ Bến Tre, Huế, Quảng Trị, Quảng Nam v.v…

Sau khi Liên Xô (LX) sụp đổ, văn khố giữ các tài liệu bí mật trước đây được cho phép tham khảo. Tài liệu về sự tham gia của LX đã được công khai hóa. Việc trực tiếp tham gia của các lực lượng phòng không LX đã được nhiều nhà sử học đưa ra ánh sáng. Các đơn vị phòng không LX lên đến 3000 người, không chỉ đóng vai trò huấn luyện mà còn trực tiếp tham gia trận chiến.

Các lính bắn sẻ (snipers) LX còn trà trộn trong quân đội CSVN xâm nhập miền Nam Việt Nam.

Theo Paul Combs trong phân tích “Vai trò ít được biết của Liên Xô trong chiến tranh Việt Nam” (The Little-Known Role of the Soviet Union in the Vietnam War) dựa theo một số nguồn tin cho rằng các tay bắn sẻ của quân đội LX đã theo chân quân CS Bắc Việt xâm nhập miền Nam Việt Nam để thử nghiệm loại súng bắn sẻ SVD Dragunov mới của LX. Những người lính mắt xanh đi cùng quân đội Bắc Việt đã được phát giác nhưng những nguồn tin này chưa được kiểm chứng. Thậm chí còn có tin đồn các lực lượng đặc biệt LX trực thuộc cơ quan tình báo quân đội (Soviet GRU Spetsnaz special forces) cũng tấn công một đơn vị Mỹ gần biên giới VietNam-Cambodia.

Về phía Trung Cộng (TC) việc đưa 320 ngàn quân TC tham gia trong chiến tranh Việt Nam, trực tiếp và gián tiếp, không còn là một “nguồn tin” mà là các công bố chính thức.  Rất nhiều sách và nghiên cứu đã phân tích một cách chi tiết sự đóng góp người và của TC đã đổ ra trong chiến tranh Việt Nam.

Năm 1950, Hồ Chí Minh không chỉ yêu cầu được trang bị và huấn luyện mà còn yêu cầu TC gởi sĩ quan chỉ huy sang Việt Nam để trực tiếp chỉ huy cấp trung đoàn quân CSVN. Yêu cầu này đã bị từ chối. (Qiang Zhai, China and the Vietnam Wars, 1950-1975, (Chapel Hill: University of North Carolina Press, 2000,  18-19)

Theo Bob Seals, tác giả của nghiên cứu Sự hỗ trợ của Trung Quốc cho Bắc Việt trong Chiến tranh Việt Nam: Lợi thế quyết định” (Chinese Support for North Vietnam during the Vietnam War: The Decisive Edge): “Viện trợ quân sự bắt đầu vào tháng 3 năm 1946 khi Trung đoàn I Cộng sản Trung Quốc vượt biên giới vào Việt Nam để tránh Quân đội thuộc đơn vị 46 và 64 của Quốc dân đảng Tưởng Giới Thạch trong Nội chiến Trung Quốc. Ngoài việc tránh bị tiêu diệt, Trung đoàn này của Trung Quốc sẽ bắt đầu đặt nền móng cho việc huấn luyện và cố vấn cho các lực lượng Việt Nam còn non kém. Đơn vị một nghìn người này của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc cung cấp các sĩ quan cho Trường Bộ binh Tiên tiến Việt Nam và Trung tâm Huấn luyện Cán bộ ở Bắc Việt Nam với khoảng 830 nhân viên được đào tạo vào năm 1947. Liên hệ trực tiếp bao gồm lưu lượng truyền hình cáp và tài trợ đã tồn tại vào thời điểm ban đầu này giữa hai phong trào cộng sản.” (Bob Seals , Chinese Support for North Vietnam during the Vietnam War: The Decisive Edge, 2008)

Quan hệ giữa TC và CSVN là quan hệ tư tưởng và ý thức hệ, và mối quan hệ đó đã kéo dài từ những năm đầu khi đảng CS Trung Quốc được thành lập, 1921, tới nay.

Sự thật gần như hiển nhiên rằng chiến thắng của Mao tại Trung Hoa lục địa là yếu tố quyết định dẫn tới chiến thắng của CSVN trong Chiến Tranh Đông Dương lần thứ nhất 1946-1954 và Chiến Tranh Đông Dương lần thứ hai 1959-1975. Không đợi đến khi chiếm toàn lục địa 1949 mà trước đó quân TC đã xâm nhập Việt Nam.

Trong thời kỳ “cơm không lành canh không ngọt” sau 1979, bộ máy tuyên truyền của hai đảng tố cáo nhau không tiếc lời và “đàn rận” trong chăn một thời êm ấm đã chui ra. Họ kể tội nhau không khác gì mấy bà hàng xóm mất gà.

Tác phẩm Sự Thật Về Quan Hệ Việt Nam -Trung Quốc Trong 30 Năm Qua là một bản cáo trạng không chỉ tố cáo tội ác của đảng CSTQ thôi mà qua tác phẩm đó đảng CSVN còn tự tố cáo mình.

Tham vọng bành trướng của đảng CSTQ qua tác phẩm nêu trên quá rõ và các nhà phân tích chính trị cũng đều biết nhưng suốt giai đoạn lịch sử dài mấy mươi năm các thế hệ lãnh đạo CSVN im lặng.

“Đường chín đoạn” đặt Hoàng Sa và Trường Sa trong lãnh thổ Trung Hoa, được Trung Hoa Dân Quốc công bố 1948 khi Tưởng Giới Thạch còn là tổng thống tại lục địa. Thủ tướng Trần Văn Hữu, 1951, dưới  thời Bảo Đại và Tổng thống Ngô Đình Diệm, 1956 và 1961,  đều liên tục khẳng định chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, thành lập 1945, và theo tinh thần hiến pháp 1946, cũng tuyên bố đại diện cho “một khối thống nhất Trung Nam Bắc” nhưng im lặng suốt 10 năm. 

Thế rồi mười năm sau, nhà nước CS này đã can một tội phản quốc nghiêm trọng chưa từng có trong lịch sử bốn ngàn năm của dân tộc Việt khi thừa nhận chủ quyền của TC trên quần đảo Hoàng Sa gấm vóc, dù chỉ trong văn bản, chỉ với mục đích làm vừa lòng bảo hộ TC.

Cái đầu của các lãnh đạo CS là đầu chứa đầy tham vọng quyền lực chứ không phải đầu để nhìn xa, trông rộng.

Các lãnh đạo đảng hy sinh mọi phương tiện chỉ để đạt cho được mục đích thống trị nhưng họ không hề nghĩ những phương tiện mà họ hy sinh một ngày không xa sẽ trở thành mục đích sống còn của cả dân tộc.

Với các thế hệ lãnh đạo đảng, nhuộm đỏ toàn cõi Việt Nam quan trọng hơn Hoàng Sa, cần thiết hơn sinh mạng của nhiều triệu người Việt và xứng đáng hơn tương lai của dân tộc.

Hôm qua, 28 tháng 3, 2023, Bùi Thanh Sơn , Bộ trưởng Ngoại Giao CSVN phát biểu trong điện đàm với Tần Cương, Bộ trưởng Ngoại Giao TC: “Việt Nam coi trọng quan hệ láng giềng hữu nghị, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, đây là lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong tổng thể chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam; nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng của Bộ Ngoại giao hai nước là thúc đẩy các cấp, các ngành cụ thể hóa nhận thức chung của Lãnh đạo hai Đảng, hai nước.” (VOV, Thứ Tư, ngày 29 tháng 3 năm 2023)

Những lời nịnh bợ TC của Bùi Thanh Sơn như “chiến lược toàn diện“, “ưu tiên hàng đầu“ chẳng khác gì giọng văn một bồi bút điểm sách rẻ tiền cho thấy CSVN không có độc lập về chính sách đối ngoại mà chỉ rập khuôn TC. Bùi Thanh Sơn cũng đã thừa nhận “rập khuôn” TC, chỉ khác trong cách dùng từ khi gọi đó là “nhận thức chung của Lãnh đạo hai Đảng, hai nước.”

Dưới thời Tập Cận Bình, TC không cần phải xua quân lấn chiếm những ngọn đồi ở Hà Giang vì họ đã có bảy căn cứ quân sự, không tính Hoàng Sa, với các vũ khí hiện đại đặt trên các đảo nhân tạo dọc lãnh hải Việt Nam. Theo quan sát của Asia Maritime Transparency Initiative, một chương trình trực thuộc Trung Tâm Chiến Lược và Nghiên Cứu Quốc Tế  (Center for Strategic and International Studies) tại Washington DC, các căn cứ quân sự của TC trên Biển Đông có  thể đặt các loại phi cơ oanh tạc mang bom ném tận Miến Điện, Mã Lai, Nam Dương, nói chi là Hà Nội, Sài Gòn.

Trong thời chiến đảng CSVN có khả năng bưng bít thông tin, nhưng cuộc cách mạng tin học đã mở ra một không gian mới cho mọi người Việt Nam quan tâm đến tiền đồ dân tộc.

Mọi tranh chấp và cách giải quyết tranh chấp đều bắt đầu từ con người. Sức mạnh của một dân tộc là tổng hợp sức mạnh của những con người. Không một Mỹ, Anh, Nhật hay “NATO Thái Bình Dương” nào có thể cứu Việt Nam ngoài chính người Việt từ mọi ngả đường cuộc sống, mọi thế hệ trưởng thành.

Lịch sử nhân loại và lịch sử Việt Nam đã chứng minh, mọi bế tắt sớm hay muộn đều có một lối thoát dù đó là lối thoát chiến tranh. Bế tắc của Việt Nam cũng thế.

Việt Nam không thể nào bị tận diệt. Con đường phục hưng và khai minh Việt Nam dù nhỏ, dù hẹp nhưng vẫn luôn có người đi. Họ không cô đơn mà trái lại mỗi ngày một đông hơn, vui hơn và được trang bị nhiều phương tiện kỹ thuật tinh vi hơn.

Lãnh tụ anh minh của cuộc vận động dân chủ ngày nay không mang họ Đinh, Lê, Lý, Trần, Nguyễn v.v… mà có một họ chung là Khát Vọng Dân Chủ. Khát vọng dân chủ là ngọn lửa thiêng không thể nào bị dập tắt, là ngọn hải đăng chỉ lối thuyền về. Bức tường CS chuyên chính đang bị bào mòn từng giờ, từng ngày, từng tháng, từng năm và chắc chắn sẽ đổ.


 

 

Tin bài liên quan:

Loài kỳ nhông không sợ ánh đèn

Phan Thanh Hung

VNTB – Mác & Ma

Trương Thế Tử

VNTB – Hoàng Sa chưa có điện

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.