Nguyễn Huỳnh
(VNTB) – Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi: “Trong hơn 600 văn bản trả lời đó, có rất nhiều nội dung trả lời không rõ, căn cứ vào trả lời cũng không biết sao làm”.
Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 9-5, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhắc đến việc năm 2022 TP.HCM gửi, hỏi bộ 584 văn bản và bộ đã trả lời 604 văn bản.
“Thực tế vấn đề này thế nào?”, ông Mãi nói và cho biết thứ nhất, có những vấn đề thực tiễn của thành phố phát sinh mà quy định pháp luật chưa có nên phải hỏi. Thứ hai, có những nhóm vấn đề đã có quy định, nhưng luật này khác, luật kia khác cần phải hỏi. Và nhóm thứ ba là đã có quy định rồi nhưng cách hiểu là khác nhau nên phải hỏi. Thứ tư, có những vấn đề rõ rồi nhưng mà do nghiên cứu chưa chắc ăn nên hỏi. Theo ông Mãi, nếu quy nhóm này sợ không dám làm “là trúng”, nhưng các nhóm còn lại phải hỏi. Sẽ có con số cụ thể tỉ lệ bao nhiêu trong các nhóm vấn đề trên.
Đặc biệt, ông Mãi cũng thẳng thắn nêu: “Trong hơn 600 văn bản trả lời đó, có rất nhiều nội dung trả lời không rõ, căn cứ vào trả lời cũng không biết sao làm”.
Nếu toàn bộ khúc mắc trên được đem ra mổ xẻ ở tiết học về quản trị đô thị ở bậc đại học, thì vấn đề sẽ lý giải ra sao về thể chế nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam?
Trước hết về lý thuyết thì quản lý đô thị là một chủ đề rất quan trọng đối với các chính phủ và các tổ chức phát triển quốc tế trên thế giới. Quản lý đô thị – danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Urban Management. Đây là quá trình tác động bằng các cơ chế, chính sách của các chủ thể quản lý đô thị như các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội, các sở, ban ngành chức năng vào các hoạt động đô thị nhằm thay đổi hoặc duy trì hoạt động.
Trên góc độ nhà nước, quản lý nhà nước đối với đô thị là sự can thiệp bằng quyền lực của mình tức bằng pháp luật, thông qua pháp luật vào các quá trình phát triển kinh tế – xã hội ở đô thị, nhằm phát triển đô thị theo định hướng nhất định.
Quản trị đô thị hiệu quả là khái niệm được định hình bởi bối cảnh kinh tế và chính trị. Vào những năm 1990, việc tư nhân hóa các nguồn lực công cộng như điện và nước xảy ra thường xuyên khi các nhà hoạch định chính sách áp dụng mô hình kinh tế thịnh hành của một thời đại mà người ta tin rằng việc quản lý đô thị sẽ trở nên hiệu quả hơn, nếu các thực thể tư nhân được nắm một phần quyền quản lý.
Trong khi đó, ở một số nước, sự chuyển đổi theo hướng phân quyền quản trị đô thị chịu ảnh hưởng bởi hệ tư tưởng chính trị thịnh hành, đáng chú ý nhất là ở Đông Nam Á, nơi nhiều nền kinh tế trước đó từng lệ thuộc nặng nề vào mô hình quản trị tập trung tại khu vực đô thị.
Quản trị đô thị, hay việc quản lý đô thị chặt chẽ – bao gồm việc duy trì khu vực đô thị hoạt động liên tục và quy hoạch phục vụ sự phát triển trong tương lai của khu vực đô thị, có thể liên quan đến nhiều thực thể.
Chính phủ, khu vực tư nhân, các tổ chức phi chính phủ và cư dân đô thị đều có thể đóng một vai trò trong đó. Quản trị đô thị tốt thường được thực hiện bởi các thị trưởng năng động và có tầm nhìn, và đó là một phần quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề đô thị như nghèo đói, tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm môi trường.
Theo Chương trình Nhân cư Liên Hiệp Quốc (UN-Habitat), quản trị đô thị tốt có nghĩa là cải thiện chất lượng sống chung ở các thành phố, đặc biệt chất lượng cuộc sống của nhóm người dễ bị tổn thương.
Và trong các đánh giá phổ quát trên, tiếc thay theo Hiến định của pháp luật Việt Nam, trước tiên là tùy vào quyết định mang tính bắt buộc – tức theo ý kiến chỉ đạo từ cơ quan thẩm quyền thuộc đảng, như trong trường hợp của TP.HCM, đó là từ các văn bản gọi là nghị quyết Bộ Chính trị.