Đông Đô
(VNTB) – Đầu tháng 1-2022, quyết định triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được coi là quyết định lịch sử khi chưa từng có kỳ họp bất thường nào trong suốt 75 năm lịch sử hình thành và phát triển của Quốc hội Việt Nam.
Một Kỳ họp bất thường lần thứ Hai sẽ diễn ra trong tháng 12 này cho thấy dường như đang có những vấn đề chính sự mà người dân rất nên lưu tâm, dù đây là thời điểm cuối năm phải tất bật mưu sinh trong bối cảnh hãng xưởng thu hẹp sản xuất, công nhân bị sa thải mỗi lúc càng nhiều hơn.
Lưu ý, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV chỉ vừa kết thúc hôm 15-11-2022.
Căn cứ Điều 90 Luật Tổ chức Quốc Hội 2014 quy định về kỳ họp Quốc hội như sau:
“1. Quốc hội họp công khai.
Trong trường hợp cần thiết, theo đề nghị của Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc của ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, Quốc hội quyết định họp kín.
- Quốc hội họp thường lệ mỗi năm hai kỳ.
Trường hợp Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu thì Quốc hội họp bất thường.
- Quốc hội thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình tại kỳ họp Quốc hội theo thủ tục quy định tại Nội quy kỳ họp Quốc hội và các quy định khác của pháp luật có liên quan”.
Như vậy, về nguyên tắc có thể thấy rằng trong bộ máy hành chính nhà nước thì kỳ họp Quốc hội là công khai, họp thường lệ mỗi năm là 2 kỳ. Tuy nhiên trong trường hợp cần thiết, theo đề nghị của Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội quyết định họp kín hay họp bất thường.
Dự kiến chương trình kỳ họp Quốc hội được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng chậm nhất là 15 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp đối với kỳ họp thường lệ, và chậm nhất là 04 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp đối với kỳ họp bất thường.
Trước mắt, chỉ biết là vào ngày 28-11-22, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có phiên họp lần thứ 17 với nội dung được gọi là “để xem xét, cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng”; trong đó có nội dung “cho ý kiến về việc ký Thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hoa Kỳ về các điều kiện cải tạo, xây dựng và bảo trì các tòa nhà có liên quan đến các cơ quan ngoại giao và lãnh sự hai bên”.
Về công tác nhân sự, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm và miễn nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đối với các vấn đề quan trọng khác, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét việc phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 – 2025 còn lại của ba chương trình mục tiêu quốc gia và bổ sung vốn nước ngoài cho chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025; việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương; việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2021.
Cũng tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn xem xét, quyết định việc bổ sung kinh phí mua bù gạo dự trữ quốc gia.
Căn cứ pháp lý cho Kỳ họp bất thường của Quốc hội diễn ra vào tháng 12 này đã được tiên liệu trong nội dung Nghị quyết số 71/2022/QH15 mà Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký ban hành ngày 15-11-2022. Theo đó, ở phần nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết 71/2022/QH15 đã có sự bổ sung quy định về việc kỳ họp Quốc hội có thể được tổ chức liên tục hoặc theo 2 hay nhiều đợt tùy theo nội dung, chương trình được Quốc hội thông qua.
Ngoài ra, Điều 1 Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết 71/2022/QH15 còn có quy định rõ về kỳ họp Quốc hội như sau:
– Quốc hội họp thường lệ mỗi năm hai kỳ: Trường hợp Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu thì Quốc hội họp bất thường để thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn, trừ nội dung định kỳ trình Quốc hội theo quy định của pháp luật.
– Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc tổ chức kỳ họp bất thường.