Trịnh Hồng Duẩn
(VNTB) – Điều đó không mang giả thuyết âm mưa, dè bỉu hay nói xấu, mà thực tế, khi nào một quan chức chưa được chính tay người dân bỏ phiếu và quyết định trong thực tế. Khi số phận chính trị của chính khách không bị quyết định bởi người dân, mà bởi ‘quy hoạch’ thì khi có điều kiện nhất định, họ sẽ ‘trả’ lại đầy đủ những thứ hình thức mà họ bị buộc phải nhận. Họ sẽ không chiến đấu vì một cá nhân, tổ chức mà khi còn đương quyền chỉ chăm chăm ‘tranh công, chối tội, đổ lỗi, thanh minh’, quyền lợi thì luôn tìm cách hưởng, còn khó khăn thì lại đẩy về phía nhân dân.
“Quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhiệm kỳ mới trong năm 2020’, báo chí chính thống bắt đầu thời kỳ phản ánh, tuyên truyền về kỳ bầu bán nhân sự của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nếu ở nhiều nước phương Tây, câu chuyện đó thường không thu hút sự chú ý của người dân. Họ chỉ chú ý lời kêu gọi vận động bầu cử, khẩu hiệu và mục tiêu tranh cử của mỗi mỗi đảng phái. Nhưng tại Việt Nam, một đảng một nhà nước đã khiến Đại hội của ĐCSVN trở thành ngày hội của nhân dân, theo như báo chí tuyên truyền.
Dù chưa có một thống kê, nhưng cảm tính cho thấy, kể từ thời kỳ internet phổ biến tại Việt Nam, bầu bán thông qua Đại hội ngày càng gia tăng số người tìm hiểu và theo dõi. Nguyên nhân xuất phát từ gia tăng nhận thức về quyền của người dân. Họ bắt đầu tìm hiểu tại sao, và như thế nào về một gương mặt chính khách quan trọng. Đặc biệt, số phận chính trị của chính khách thời kỳ trước trong thời kỳ này sẽ diễn tiến như thế nào?
Nhưng khi tìm hiểu sâu hơn, thì câu chuyện bầu bán của ĐCSVN càng khiến những người quan tâm cảm thấy chạnh lòng. Cốt lõi là vì bị đặt ra ngoài câu chuyện bầu bán, những người sẽ quyết sách, chủ trương tác động đến cuộc sống của họ và gia đình.
Không có quyền bầu bán thực, người dân bị ‘quy hoạch’ đưa ra khỏi ảnh hưởng chính trị, dù chính trị tác động trực tiếp và sâu sắc đến họ.
Cấp cơ sở, người dân không thể biết thân thế và sự nghiệp của chính trị gia đó là ai ngoài những mô tả vắn tắt trên tờ A4 để dán trên bảng đại biểu. Người dân được định hướng bằng tờ A4, và những quyết sách ‘quy hoạch’, và họ sẽ trắng tay hoàn toàn khi vừa đặt lá phiếu vào thùng phiếu.
Cấp trung ương, các chức vụ trong nhà nước đã được sắp đặt khi Đại hội đảng kết thúc.
Người dân chơi vơi, không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Và đến khi Quốc Hội quyết sai điều gì đó, thì lập tức Nhân Dân bị réo tên chịu trách nhiệm.
Khi phong trào ‘bầu cử là quyền, không phải là nghĩa vụ’. Điều đó cho phép người dân có thể từ chối bỏ phiếu nếu ý chí họ không muốn. Tuy nhiên, đây chỉ là một nhóm rất nhỏ người dân có thể nhận thức được. Và dù là quyền, nhưng khi một người dân từ chối bỏ phiếu, lập tức truyền thông chính thống liền quy kết đó là “xách động, kích động để phá hoại bầu cử nhà nước’.
Câu chuyện của ngày hôm nay trở thành một dấu nhấn, gợi về một dự báo nhiều năm trước đó của nhà thơ Trần Dần.
‘Tổ quốc hôm nay tuy gọi sống hòa bình
Nhưng mới chỉ là trang thứ nhất
Chúng ta còn muôn việc rối tinh…’
(Nhất định thắng, Trần Dần)
Muôn việc rối tinh trong đó có cả quyền được bầu và lựa chọn người xứng đáng nhất bằng lá phiếu bầu cử thực tế của mình. Chừng nào lá phiếu vẫn mang tính hình thức, dân chủ vẫn là sự ‘quy hoạch’ thì khi đó, đất nước Việt Nam vẫn chưa thể bước qua khỏi trang thứ nhất.
Người viết cố gắng không bi kịch hoá mọi câu chuyện chính trị Việt Nam, nhưng thực tế chừng nào chuyện bầu bán vẫn chỉ là quy hoạch, thì chừng đó, câu chuyện đất nước này sẽ đi đâu về đâu là một câu hỏi không lời giải đáp.
Thậm chí kể cả khi chiến tranh.
Nhân kỷ niệm 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2019), Thiếu tướng Phạm Quang Ngân, Cục trưởng Cục Dân quân tự vệ, Bộ Tổng Tham mưu (Bộ Quốc phòng) đã trả lời phỏng vấn báo Dân trí, trong đó ông khẳng định: Khi có chiến tranh, dân quân tự vệ là lực lượng đầu tiên nổ súng.
Nhưng liệu điều đó có thể xảy ra?! Hay dân quân tự vệ sẽ đặt câu hỏi, họ chiến đấu vì ai và vì cái gì? Đổ xương máu để thiết lập lại quyền bỏ phiếu theo quy hoạch?! Hay là những cán bộ theo quy hoạch làm sai bị kỷ luật và họ – người đứng bên ngoài quy trình đó lại gánh nhận trách nhiệm??
Điều đó không mang giả thuyết âm mưa, dè bỉu hay nói xấu, mà thực tế, khi nào một quan chức chưa được chính tay người dân bỏ phiếu và quyết định trong thực tế. Khi số phận chính trị của chính khách không bị quyết định bởi người dân, mà bởi ‘quy hoạch’ thì khi có điều kiện nhất định, họ sẽ ‘trả’ lại đầy đủ những thứ hình thức mà họ bị buộc phải nhận. Họ sẽ không chiến đấu vì một cá nhân, tổ chức mà khi còn đương quyền chỉ chăm chăm ‘tranh công, chối tội, đổ lỗi, thanh minh’, quyền lợi thì luôn tìm cách hưởng, còn khó khăn thì lại đẩy về phía nhân dân.