Việt Nam Thời Báo

VNTB – Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 đã chi 4,6 tỷ đồng cho nghiên cứu vắc-xin

Ngọc Lan

(VNTB) – Tính đến hiện tại thì chuyện Việt Nam tự sản xuất vắc-xin phòng Covid-19 dường như đang chìm dần vào quên lãng một cách… cố tình (?!)

Liên quan hỗ trợ nghiên cứu vắc-xin Việt Nam, tại Quyết định số 1404/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ quyết định sử dụng 8,807 tỉ đồng để hỗ trợ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2 vắc-xin Covivac của Viện Vắc-xin và sinh phẩm Nha Trang (IVAC – Bộ Y tế).

Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính xuất quỹ theo quy định. Bộ Y tế, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm về nội dung và số liệu báo cáo. Theo thông tin từ Bộ Tài chính, tính đến ngày 16-6-2022, đã chi 4,6 tỉ đồng từ Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 để hỗ trợ nghiên cứu, thử nghiệm vắc-xin nội.

Về Quỹ vắc-xin phòng Covid-19, hiện đã huy động được 9.166,47 tỉ đồng (bao gồm lãi tiền gửi ngân hàng 66,1 tỉ đồng). Trong đó, chi từ quỹ 7.672,2 tỉ đồng, hiện số dư quỹ là 1.494,27 tỉ đồng. Có tổng cộng 638.445 lượt tổ chức cá nhân đã ủng hộ vào quỹ.

Trở ngược một năm về trước

Ngày 29-6-2021, trang web của Bộ Y tế loan tin, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, vắc xin phòng Covid-19 Covivac do Việt Nam nghiên cứu đã xong giai đoạn 1, có tính an toàn tốt, sinh miễn dịch khả quan. Mẫu vắc-xin này đã được gửi sang Canada để một cơ quan độc lập đánh giá tính sinh miễn dịch.

“Hiện vắc-xin này đã hoàn thành pha 1 và đang gửi kết quả đánh giá sang Canada. Chúng tôi chắc rằng cuối tháng 6 này sẽ có kết quả và sẽ bắt đầu tiến hành pha 2 vào tháng 7 tới. Chúng tôi hy vọng trong năm 2021 sẽ xong pha 2 và đầu 2022 sẽ tiến hành pha 3” – GS.TS Trần Văn Thuấn thông tin.

Thông tin thêm GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, hiện vắc-xin này đã hoàn thành giai đoạn 1. Trên dữ liệu ghi nhận cho thấy vắc-xin này ở giai đoạn một có tính an toàn rất tốt, đánh giá sơ bộ bước đầu về tính sinh miễn dịch cũng rất khả quan.

“Chúng tôi cũng đang đợi kết quả của Canada là một cơ quan độc lập đánh giá rất khách quan. Cuối tháng 6 này khi có kết quả, chúng tôi sẽ báo cáo Hội đồng đạo đức, Bộ Y tế và xin phép triển khai giai đoạn 2, dự kiến bắt đầu từ tháng 7, được thực hiện ở Thái Bình” – GS.TS Đăng Đức Anh nói.

GS Đặng Đức Anh thông tin thêm, theo dự kiến khi kết thúc giai đoạn 2, với hàng ngàn người tham gia, có thể đến cuối năm Viện sẽ xin phép Hội đồng đạo đức triển khai giai đoạn 3. Và cũng hy vọng vắc xin này cũng sớm được sử dụng vào đầu năm 2022.

Vắc-xin phòng Covid-19 được ‘ủy lạo’ hiện quá dư thừa

Giờ mọi chuyện diễn biến theo chiều hướng cho thấy không hề hồ hởi nữa vì thực tế vắc-xin phòng Covid do Mỹ viện trợ cho Việt Nam nhiều đến mức có tỉnh đã trả lại vắc-xin vì người dân từ chối chích.

“Trong giai đoạn này, cấp phép khẩn cấp thì cũng khó. Vì bây giờ dịch Covid-19 mình đã kiểm soát được. Tất nhiên, chưa có quyết định cuối cùng nhưng hội đồng cấp phép cũng đang cân nhắc”, một chuyên gia của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho hay với phân bua: “Cách đây khoảng 1 năm thì câu chuyện vắc-xin là khác. Khi đó, phòng chống dịch rất khẩn cấp. Nhưng lúc đó nghiên cứu vắc-xin trong nước chưa có dữ liệu thì chúng tôi chịu, không thể ký khống được. Nhưng qua kênh ngoại giao vắc-xin Covid-19 đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp phép, và chúng ta phải lựa chọn những gì tốt nhất cho người dân”.

Phân bua trên thật ra cũng trật lất vì Việt Nam còn ký mua vắc-xin Cuba và vắc-xin của Nga cho chuyện chích ngừa phòng Covid, mà cả hai loại vắc-xin này đều chưa được WHO cấp phép.

TS Nguyễn Ngô Quang, Phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo, cho rằng lúc đó nếu như chúng ta không tiếp cận được vắc-xin “quốc tế” cho người dân thì chính phủ phải chỉ đạo Bộ Y tế xem xét các vắc-xin trong nước, và có thể là phải đánh đổi. Nhưng khi đã có vắc-xin được WHO chấp thuận thì không chọn vắc-xin chưa đủ dữ liệu tiêm cho người dân.

“Còn bây giờ vắc-xin do Việt Nam nghiên cứu đã đủ dữ liệu giữa kỳ về thử nghiệm lâm sàng, nhưng tình hình khẩn cấp hay không thì cơ quan cấp phép cần đánh giá, nên vắc-xin trong nước chưa được cấp phép. Hồ sơ thử nghiệm lâm sàng của vắc-xin nội đã được chuyển đến Cục Quản lý dược”, ông Ngô Quang cho biết.

Không chỉ vậy. Một chuyên gia của Bộ Y tế cho biết thêm việc cấp phép không chỉ căn cứ vào dữ liệu nghiên cứu lâm sàng, mà còn cần có cả hồ sơ pháp chế, hồ sơ sản xuất, hồ sơ tiêu chuẩn chất lượng thì mới đủ để cấp phép.

Kiểm toán và ‘rút kinh nghiệm’

Hiện tại thì IVAC đã xin dừng nghiên cứu vắc-xin Covivac. Xem ra số tiền 8,807 tỉ đồng từ Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 xuất chi để hỗ trợ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2 vắc-xin Covivac có khả năng là ‘đổ sông – đổ biển’ vì giờ vắc-xin phòng Covid đang thừa thải đến mức nhiều nơi từ chối nhận, và người dân cũng không mặn mà chích ngừa nữa, dù tất cả vẫn là miễn phí.

Dẫu vậy, rất cần kiểm toán số tiền bạc tỷ gọi là hỗ trợ thử nghiệm lâm sàng kể trên.

Một an ủi lúc này, tuy sản phẩm vắc-xin hiện chưa được cấp số đăng ký và chưa ra thị trường nhưng ít nhất họ cũng làm chủ công nghệ sản xuất vắc-xin. Và trên cơ sở làm chủ công nghệ, họ có thể sản xuất các chế phẩm sinh học khác phục vụ cho điều trị, phòng chống dịch trong tương lai, ví dụ như kháng thể đơn dòng, chứ không phải họ thất bại. Sản phẩm cụ thể chưa ra nhưng công nghệ lõi họ đã làm chủ thì họ tiếp cận những chế phẩm sinh học khác.


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Chùa Ba Vàng trước đe dọa đình chỉ hoạt động

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Dùng tiền Quỹ Vaccine để xóa nhà tạm, nhà dột: Chính phủ tính qua mặt quốc hội

Do Van Tien

VNTB – ​Khánh Hòa không ngại dịch bệnh Covid từ du khách Trung Quốc

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo