Lynn Huỳnh
(VNTB) – Nhân quyền về quyền được sống ở đây thực chất chỉ là mỹ từ đối ngoại.
Người Việt Nam thật sự có quyền được sống trong không khí trong lành như những gì mà quan chức nước này đang ‘tuyên ngôn’ ở Liên Hiệp Quốc?
Nói…
Một Nghị quyết yêu cầu Tòa Công lý quốc tế nêu ý kiến tư vấn về biển đổi khí hậu đã được thông qua ngày 29-3 (giờ Mỹ) với 193/193 nước ủng hộ, trong đó có 132 nước đồng bảo trợ, theo Bộ Ngoại giao Việt Nam. Và với tư cách phó chủ tịch Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, đã chủ trì phiên thảo luận để đi đến nghị quyết này.
Theo Đại sứ Đặng Hoàng Giang, thông qua nghị quyết này, Đại hội đồng yêu cầu Tòa Công lý quốc tế làm rõ hai vấn đề liên quan biến đổi khí hậu. Một là, xác định nghĩa vụ của các quốc gia theo luật pháp quốc tế nói chung và các công ước quốc tế liên quan đến biến đổi khí hậu nói riêng.
Hai là, trên cơ sở các nghĩa vụ đó, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đề nghị Tòa Công lý quốc tế xác định trách nhiệm pháp lý của các quốc gia đã gây ra phát thải lớn, và dẫn tới những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với các nước khác, cũng như đối với thế hệ hiện tại và tương lai.
Với việc nghị quyết được thông qua, đây sẽ lần đầu tiên Tòa Công lý quốc tế đưa ra ý kiến về mặt pháp lý liên quan đến biến đổi khí hậu.
Theo Đại sứ Giang, nếu ý kiến tư vấn của Tòa Công lý quốc tế đưa ra làm rõ hơn được trách nhiệm và nghĩa vụ của các quốc gia, cộng đồng quốc tế sẽ có thêm nhiều cơ sở để đưa ra những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong thời gian tới, góp phần giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu cũng như giúp các quốc gia thích ứng tốt hơn.
“Với những nội hàm và ý nghĩa quan trọng đó, đây sẽ có thể là một trong những ý kiến tư vấn quan trọng nhất, sâu rộng nhất mà Tòa Công lý quốc tế đưa ra”, trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh và được đăng tải trên các trang báo thuộc nhà nước Việt Nam.
…và làm
Trên thật tế thì người dân Việt Nam không hề được quyền đòi hỏi sống trong bầu không khí trong lành, tức nhân quyền về quyền được sống ở đây thực chất chỉ là mỹ từ đối ngoại.
Đơn cử, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã phát đi thông báo cho biết tháng 3-2023, sản lượng tiêu thụ điện bình quân toàn hệ thống dự kiến ở mức 743,5 triệu kWh/ngày. Do vậy, để đảm bảo cung ứng điện cho sản xuất và tiêu dùng, EVN đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó, tập đoàn sẽ huy động cao các nhà máy nhiệt điện than, tuabin khí để giữ nước các hồ thủy điện.
Đơn vị này cũng huy động theo nhu cầu hệ thống các nhà máy than nhập khẩu, đảm bảo các ràng buộc chống quá tải lưới điện và chất lượng điện áp; tiết kiệm triệt để thủy điện đa mục tiêu, khai thác các nhà máy thủy điện còn lại theo định hướng điều tiết tối ưu trong kế hoạch vận hành, đáp ứng ràng buộc lưới điện, nhu cầu hệ thống và yêu cầu cấp nước hạ du.
Đâu chỉ vậy. Trong hàng loạt hội nghị, hội thảo gần đây liên quan đến phát triển năng lượng, đa số các ý kiến đều cho rằng nhiệt điện than là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường cần phải loại bỏ. Thế nhưng, nếu nhìn vào thực tế tình hình cung cấp điện hiện nay thì rõ ràng đây vẫn là nguồn năng lượng đóng vai trò chủ đạo trong hệ thống điện quốc gia.
Quy hoạch Phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021 – 2030 tầm nhìn 2045 (Quy hoạch Điện VIII) nêu rõ, đến năm 2030, tổng công suất đặt nguồn điện của Việt Nam đạt 137.200 MW, trong đó nhiệt điện than vẫn chiếm khoảng 27%. Năm 2045, tổng công suất đặt của nguồn điện đạt 276.700 MW, trong đó nhiệt điện than chiếm 18%…
Tại một số buổi tọa đàm trực tuyến về Quy hoạch điện VIII do các tổ chức xã hội tổ chức, nhiều chuyên gia cùng chung nhận định, tiếp tục phát triển các dự án điện than mới đến năm 2045 là trái với xu thế mới của khu vực và toàn cầu, rất khó khả khi vì nguồn tài chính quốc tế cho điện than ngày càng khó khăn hơn, nhiệt điện than ngày càng đắt đỏ hơn, các địa phương và người dân không ủng hộ.
Theo giải trình của Viện Năng lượng Việt Nam – đơn vị xây dựng Quy hoạch điện VIII, quy mô các nhà máy nhiệt điện than đưa vào giai đoạn 2021-2035 đều là những dự án chắc chắn xây dựng. Đây là những dự án đã thực hiện, công tác xúc tiến đầu tư tốt, không thể loại bỏ.
Ví dụ như nhà máy nhiệt điện Nam Định I, Thái Bình II, Vũng Áng II, Vân Phong I, Duyên Hải II, Vĩnh Tân III…. Sau năm 2035, hệ thống vẫn cần tiếp tục phát triển một phần nhỏ nhiệt điện than để đảm bảo tiêu chí an ninh năng lượng, giá điện không tăng quá cao.
Điện mặt trời, phong điện do tư nhân sản xuất vẫn bị chê
Theo kết quả rà soát các dự án nhiệt điện than đến hết tháng 9-2022, Việt Nam đã có 39 nhà máy với tổng công suất 24.674 MW hiện đang vận hành.
Hiện nay, còn 12 dự án nhiệt điện than 13.792 MW đã được giao chủ đầu tư, đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư và đang triển khai xây dựng. Còn lại 5 dự án có tổng công suất 6.800 MW đang chuẩn bị đầu tư, nhưng có khó khăn trong triển khai và thu xếp vốn, bao gồm Công Thanh (600 MW), Quảng Trị (1.200 MW), Sông Hậu II (2.000 MW), Nam Định 1 (1.200 MW), Vĩnh Tân III (1.800 MW).
Đáng lưu ý là trong khi đó thì điện mặt trời, điện gió do tư nhân sản xuất vẫn chưa thể đấu nối vào lưới điện quốc gia vì EVN không thỏa thuận giá, và các dự báo và khuyến nghị mới nhất của các cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) đều chỉ ra rằng điện mặt trời sẽ tiếp tục được đầu tư phát triển mạnh trong thập kỷ tới.
Nếu chọn kìm hãm điện mặt trời như chỉ dấu hiện tại của EVN sẽ dẫn tới vừa lãng phí nguồn tài nguyên, vừa lặp lại bài học đắt giá từ Quy hoạch Điện VII điều chỉnh về sự chậm trễ trong chính sách.