Thới Bình
(VNTB) – “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” – trích Điều 2.3, Hiến pháp 2013.
Thắc mắc: tại sao quyền lực nhà nước là thống nhất – tập quyền, mà vẫn còn phải phân công, phân nhiệm và cuối cùng, việc phân công và phân nhiệm này có gì khác với phân quyền?
Trước hết phải khẳng định rằng, phân quyền là một học thuyết của cách mạng tư sản, nhằm chống lại nguyên tắc tập quyền của chế độ nhà nước phong kiến chuyên chế.
Ở Việt Nam, từ chỗ phủ nhận hoàn toàn đến thừa nhận – dù chỉ là một số những hạt nhân hợp lý – của học thuyết này là cả một bước chuyển rất lớn trong nhận thức của Đảng Cộng sản.
Tuy nhiên, việc áp dụng học thuyết này đã tạo ra những quan điểm khác nhau. Nhiều người cho rằng, trong phân quyền, lập pháp phải do Quốc hội đảm nhiệm, và hành pháp phải do Chính phủ đảm nhiệm, theo đúng tinh thần của Hiến pháp.
Thậm chí, không ít người cho rằng, cần phải chuyển mọi hoạt động có liên quan đến lập pháp – từ việc soạn thảo đến việc thông qua dự thảo văn bản pháp luật – cho Quốc hội, còn Chính phủ chỉ tập trung vào công tác hành pháp, tức là điều hành đất nước.
Thực tế, sự phân quyền – theo cách nói của Nhà nước tư sản – và phân công, phân nhiệm giữa lập pháp và hành pháp – theo cách nói của Việt Nam hiện nay – không hoàn toàn có nghĩa đơn giản như vậy. Mà thực tế, hoạt động của hành pháp có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của lập pháp.
Thậm chí, Quốc hội lập pháp theo nhu cầu của Chính phủ – hành pháp; giữa Chính phủ – hành pháp và Quốc hội – lập pháp phải có quan hệ mật thiết với nhau. Mối quan hệ mật thiết này tạo nên tính thống nhất của quyền lực nhà nước.
Hiến pháp 2013, Điều 119 có quy định: “Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, các cơ quan khác của Nhà nước và toàn thể Nhân dân có trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp. Cơ chế bảo vệ Hiến pháp là do luật định”.
Sau khi Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực, những năm qua bộ máy nhà nước đã được xây dựng và hoàn thiện một bước. Các luật về tổ chức bộ máy nhà nước, như Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Tòa án, Luật Tổ chức Viện kiểm sát, Luật Tổ chức chính quyền địa phương,… được sửa đổi, bổ sung để thể chế hóa Hiến pháp.
Các đạo luật này đã phân công, phân nhiệm nhiệm vụ, quyền hạn cho các nhánh quyền lực lập pháp, hành pháp và tư pháp một cách rõ ràng, minh bạch hơn, cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước từng bước được hình thành.
Theo đó, kiểm soát quyền lực nhà nước gồm 3 cơ chế quyền lực nhà nước như đã nêu trên. Tuy vậy cả ba cơ chế này cho đến nay chưa được hoàn thiện, nhất là bên trong mỗi quyền chưa có sự kiểm soát quyền lực nhà nước một cách hiệu quả. Vì thế, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước là đòi hỏi cấp thiết nhằm phòng, chống sự tha hóa quyền lực nhà nước, mà trước hết là đấu tranh phòng, chống tham nhũng một cách hiệu quả.
Trong bối cảnh như phân tích ở trên, giả dụ như lại có đề xuất tham khảo mô hình của “tam quyền phân lập”, với việc căn cứ từ những thỏa thuận thương mại song phương – đa phương, nhằm đề cao quyền dân chủ của lá phiếu cử tri cho cả phần nội bộ của Đảng Cộng sản, thì cần thiết xem xét những ý kiến này qua lăng kính tiếp thu khoa học, tránh việc lại tiếp tục hằn học cho rằng có tâm lý chống đối vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.