VNTB – Người dân Bình Dương giàu nhất Việt Nam?

VNTB – Người dân Bình Dương giàu nhất Việt Nam?

Thới Bình

 

(VNTB) – Người dân Bình Dương có thu nhập bình quân hàng tháng được đánh giá là cao nhất trong 63 tỉnh, thành trên toàn quốc.

 

Đó là kết quả gọi là công bố sơ bộ của Tổng cục Thống kê.

Theo Tổng cục Thống kê, đây là cuộc điều tra chọn mẫu được tiến hành trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm 46.995 hộ đại diện cho toàn quốc, khu vực thành thị, nông thôn, 6 vùng địa lý, tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

Các thông tin được thu thập gồm: thu nhập, chi tiêu, nhân khẩu học, giáo dục, y tế, việc làm, đồ dùng lâu bền, nhà ở, điện, nước, điều kiện vệ sinh, tham gia các chương trình trợ giúp của hộ dân cư và các thành viên trong hộ và một số đặc điểm của xã.

Thông tin thu thập được để tổng hợp, biên soạn các chỉ tiêu thống kê quốc gia về mức sống hộ dân cư, đáp ứng nhu cầu thông tin thống kê cho các cấp, các ngành để đánh giá mức sống, tình trạng nghèo đói và phân hoá giàu nghèo của dân cư theo hướng tiếp cận đa chiều.

Về lý thuyết, thu nhập bình quân đầu người là đại lượng được tính bằng cách lấy thu nhập chung của người dân tỉnh đó, mang chia cho dân số của nó. Đây là mức tính thu nhập bình quân cho mỗi người dân, bất kể đó là nam hay nữ, người lớn hay trẻ em.

Vì phân phối thu nhập không hoàn toàn công bằng và vì nhiều lý do khác – ví dụ tình trạng ô nhiễm, nền kinh tế ngầm, hoạt động nội trợ, nên chỉ tiêu thu nhập đầu người không phải đại lượng hoàn hảo về phúc lợi kinh tế và mức sống.

Thu nhập bình quân đầu người được tính bằng tổng thu nhập của hộ gia đình (tổng thu nhập dân cư) trong 1 năm chia cho số nhân khẩu của hộ.

Để tính được chỉ tiêu này, trước hết phải tính được tổng thu nhập của hộ dân cư. Thu nhập của hộ gia đình là toàn bộ số tiền và giá trị của hiện vật sau khi trừ chi phí sản xuất mà hộ và các thành viên của hộ nhận được trong một thời kỳ nhất định, thường là một năm.

Thu nhập của hộ bao gồm: Thu từ tiền công, tiền lương; Thu từ sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản (sau khi đã trừ đi chi phí sản xuất và thuế sản xuất); Thu từ sản xuất ngành nghề phi nông, lâm nghiệp và thủy sản (sau khi đã trừ đi chi phí sản xuất và thuế sản xuất); Thu khác được tính vào thu nhập như thu do biếu, mừng, lãi tiết kiệm…

Thu nhập bình quân đầu người phản ánh kết quả thu nhập, mức sống và sự phân hóa giàu nghèo của các tầng lớp dân cư, làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống của nhân dân; không sử dụng tính HDI – tức Chỉ số phát triển con người, Human Development Index.

Như vậy, ‘giàu nhất’ không đồng nghĩa chất lượng cuộc sống nơi đó cũng là số một theo cách hiểu của HDI, bởi HDI là một thước đo tổng quát về phát triển con người.

HDI đo thành tựu trung bình của một quốc gia, một địa phương theo ba tiêu chí sau: Sức khỏe (LEI): Một cuộc sống dài lâu và khỏe mạnh, đo bằng tuổi thọ trung bình; Tri thức (EI): Được đo bằng số năm đi học bình quân (MYSI) và số năm đi học kỳ vọng (EYSI); Thu nhập: Mức sống đo bằng GNI bình quân đầu người (GNI là từ viết tắt trong tiếng Anh của Gross National Income, tức Tổng thu nhập quốc gia hay Tổng thu nhập quốc dân).

Tổng cục Thống kê ghi nhận, ở năm 2020, tỉnh Bình Dương là địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước, đạt 7,019 triệu đồng/tháng. TP.HCM đứng thứ hai với 6,537 triệu đồng/tháng, Hà Nội ở vị trí thứ ba với 5,981 triệu đồng/tháng.

Theo sau là các tỉnh thành có thu nhập trên 5 triệu đồng/người/tháng là Đồng Nai, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ.

Tổng cục Thống kê cho biết xét riêng về 10 chỉ số phản ánh mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản, thì ba chỉ số có mức độ thiếu hụt cao nhất năm 2020 là bảo hiểm y tế, giáo dục người lớn và tiếp cận hố xí hợp vệ sinh.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)