VNTB – Quyền tích tụ ruộng đất để thật sự thuận thiên

VNTB – Quyền tích tụ ruộng đất để thật sự thuận thiên

Phú Nhuận

 

(VNTB) – Tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn, đồng thời tạo điều kiện để tái cơ cấu ngành nông nghiệp

 

Phải mất thời gian gần nửa thế kỳ thì nhà chức trách mới nhìn nhận để thích ứng với biến đổi khí hậu, con người không thể cưỡng lại quy luật tự nhiên, không thể chống lại thiên nhiên, mà phải nghĩ cách, tìm cách chung sống hòa bình với thiên nhiên để phát triển. Và lối nói sống “thuận thiên” là bước phát triển mang tính khái quát, đúc kết từ những mô hình sống chung như: “Sống chung với lũ”, “sống chung với hạn hán, xâm nhập mặn”,… đã triển khai từ nhiều năm qua.

Trả lại không gian hấp thu “hai túi nước”

Giới chuyên gia nghiên cứu về sinh thái đồng bằng sông Cửu Long nói rằng miền Tây Nam bộ như một cơ thể sống, có các cơ quan, mạch máu, các tiến trình vận hành trong một tổng thể nhất quán. Hai vùng trũng tự nhiên ở phía đầu nguồn đồng bằng sông Cửu Long là tứ giác Long Xuyên với diện tích 600.000 ha và Đồng Tháp Mười 700.000 ha có chức năng điều hòa nước cho toàn đồng bằng.

Hàng năm, khi nước sông Mê Công từ thượng nguồn đổ về, chảy vào vùng Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên làm cho 2 vùng này ngập sâu 3 – 4 m. Đây được xem là “hai túi nước” với việc mùa nước về thì cất giữ bớt nước làm cho dòng chảy hiền hòa hơn; sang mùa khô, nước từ hai vùng này bổ sung cho sông Tiền, sông Hậu đẩy mặn, giúp cân bằng mặn – ngọt cho vùng ven biển.

Trong một thời gian dài chạy theo năng suất, nhiều đê bao khép kín để sản xuất 3 vụ lúa/năm ở hai vùng trũng này, làm mất đi không gian hấp thu của cái gọi là mùa nước nổi. Nước về không vào đồng được nên làm dâng nước nơi khác, gia tăng ngập ở hạ lưu như Cần Thơ, Vĩnh Long. Nước về không vào trong đồng được nên chảy tuột ra biển trong mùa nước. Sang mùa khô khi dòng chảy sông Mê Công yếu đi thì đồng bằng cũng kiệt nước làm cho xâm nhập mặn sâu hơn.

Tích tụ ruộng đất

Bên cạnh chuyện phục hồi “hai túi nước” như trên, ở đây còn có yêu cầu của việc quyền tích tụ ruộng đất trong dân chúng.

Nhằm khuyến khích hộ gia đình, cá nhân có điều kiện tập trung, tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn, đồng thời tạo điều kiện để tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Luật đất đai (sửa đổi) vừa được thông qua đã nới rộng thêm không vượt quá 15 lần so với quy định của Luật đất đai 2013 về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân (Điều 177 Luật Đất đai 2024, có hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2025).

Tuy nhiên đó là chuyện ở thì tương lai, hiện nay, theo khoản 3 Điều 191 Luật Đất đai 2013, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa. Và phải đến khi Luật đất đai 2024 có hiệu lực thì người không trực tiếp sản xuất nông nghiệp mới được phép nhận chuyển nhượng, tặng cho đất trồng lúa.

Trong trường hợp người không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa quá hạn mức (trên 03 ha đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc khu vực Đông Nam Bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long; trên 02 ha đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác) phải: Thành lập tổ chức kinh tế; có phương án sử dụng đất trồng lúa được UBND cấp huyện phê duyệt.

Giới quan sát về thị trường đất đai nói rằng nới hạn mức chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp đối với cá nhân lên gấp 15 lần so với mức về giao đất nông nghiệp, là một sự việc thật sự được chờ đợi lâu nay. Còn đối với tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng quyền chuyển sử dụng đất nông nghiệp để làm dự án nông nghiệp thì không bị hạn chế, nhưng buộc phải có dự án đầu tư được phê duyệt. Đây là những tháo gỡ “cái gông” bước đầu về vấn đề hạn điền.

 


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)