Lynn Huỳnh
(VNTB) – Viết báo kiếm cơm … đúng là còn cực và nguy hiểm hơn làm dâu trăm họ nhiều lắm…Tòa soạn nào càng có nhiều cộng tác viên thì tờ báo đó càng phong phú tin tức.
Viết báo kiếm cơm cũng là một cái nghề. Ở Sài Gòn có nhiều dịch giả sống khỏe bằng nghề dịch thuật các bài báo ngoại quốc gửi cộng tác với những tòa soạn. Chút khéo léo chọn chủ đề phù hợp, chuyển ngữ với giọng văn sao cho ai đọc cũng dễ dàng hiểu bài báo nước ngoài đó, thế là có thể đều đều nhuận bút.
Hồi chưa có mạng internet, báo chí nước ngoài phải mua ngoài sạp báo với các mối quen mới có thể tìm được những tờ đắc ý cho chuyện lựa để dịch gửi cộng tác với nhiều tòa soạn.
Đến khi báo điện tử tràn ngập thì coi như ai cũng có thể làm báo được. Hàng rào ngôn ngữ cũng không còn ngại nữa khi dịch trực tuyến đủ để người đọc hiểu, và nếu ‘chải chuốt’ sang tiếng Việt khéo một chút, còn có thể gửi cộng tác để kiếm chút nhuận bút.
Với người viết báo kiếm cơm bằng chuyện bình luận một sự kiện chính trị hay xã hội nào đó, có thể gửi cộng tác với nhiều trang tin tức chẳng hạn như Việt Nam Thời Báo, Boxitvn cho vui. Thậm chí là người viết báo gửi bài cộng tác với VOA, BBC để kiếm nhuận bút bằng tiền đô. Tuy nhiên cái rủi ro trong nghề viết báo dạo để kiếm cơm này, là một khi tờ báo đó gặp ‘sự cố’ chi với pháp luật thì dễ vạ lây, hay ‘bèo’ lắm là bị mất khoản nhuận bút mà tòa soạn này chưa kịp chuyển trả, có khi dễ phiền phức chuyện đáo tụng đình kiểu ‘đồng phạm’.
Trong chuyện bình luận sự kiện chính trị, hay góp ý về một chính sách nào đó mà người ta hay nôm na là ‘phản biện’, thì quả tình nghề viết báo dạo hiện nay khá nguy hiểm, kể cả lúc ‘viết’ dẫu đã ‘lách’ rồi, song vẫn ‘mắc đọa’ khi gặp cảnh lúc ‘trâu bò húc nhau…’. Ở những trớ trêu đó, thường người viết báo dạo kiếm cơm ấy sẽ dễ bị chụp chiếc mũ ‘chính trị hóa’, và trở thành ‘đồng phạm’ lãng nhách luôn.
Trong trường hợp ‘mắc đọa’ kể trên, phía cáo buộc sẽ lập luận nôm na thế này: Đồng ý tự do báo chí là thiêng liêng, là cần thiết cho cuộc sống, là một biểu hiện cho tiến bộ và một yếu tố thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Nhưng trong toàn bộ lịch sử nhân loại, khi mà xã hội còn có mâu thuẫn về chính trị, bất bình đẳng về lợi ích, thì chưa bao giờ tự do báo chí là tự do chung chung, tự do cho mọi người, tự do vô bờ bến.
Những ai từng được học những lớp về bồi dưỡng chính trị ở Việt Nam, chắc hẳn rất quen với lập luận: “Tự do báo chí bao giờ cũng là và chắc chắn là tự do cho ai, tự do vì mục đích gì. Chính vì thế, nhiều nhà lãnh đạo cách mạng tư sản trước đây đã quyết liệt đấu tranh, thậm chí bị tù đày vì đòi được chia sẻ quyền tự do báo chí với các thế lực phong kiến, quý tộc, nhưng khi giành được chính quyền về tay mình, chính họ lại ngăn cản và không ngần ngại đàn áp tự do báo chí của giai cấp công nhân và nhân dân lao động.
V. I. Lê-nin đã chỉ ra rằng, giai cấp tư sản hiểu tự do báo chí là quyền tự do ra báo của nhà giàu, là quyền của bọn tư bản chiếm đoạt báo chí… Chính phủ công nông hiểu tự do báo chí là giải phóng báo chí khỏi ách tư bản…, tức là mang lại cho nhân dân lao động quyền tự do báo chí một cách đầy đủ”.
Xem ra người viết báo dạo để kiếm cơm giờ đây còn phải ráng ‘ngóng’ sắc diện của thời cuộc để mà biết ‘tiến – thoái’ cho phù hợp; đặc biệt là trong hoàn cảnh khốn khó của mùa dịch cúm Tàu đang kéo dài lê thê với hậu quả mỗi lúc càng thêm tàn khốc.
Kiếm cơm với nghề ‘viết – lách’ trong báo chí hôm nay, đúng là còn cực và nguy hiểm hơn làm dâu trăm họ nhiều lắm…