Việt Nam Thời Báo

VNTB – Sài Gòn còn vậy, nói gì đến các tỉnh

Ngọc Lan

(VNTB) – Đô thị phát triển vào loại bậc nhất quốc gia – Sài Gòn/ TP.HCM –  mà còn thiếu thuốc men điều trị, thì nói gì đến các tỉnh…

 

Liên tục nhiều tháng nay, một số trạm y tế ở các xã thuộc huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp luôn thiếu thuốc để cấp cho bệnh nhân diện bảo hiểm y tế, khiến nhiều bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại các trạm y tế này phải lên huyện khám vượt tuyến.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng – công tác tại Trạm y tế xã Tân Mỹ, huyện Lấp Vò – cho biết tình trạng thiếu thuốc điều trị tại trạm này đã kéo dài ba tháng nay. Ngay cả những loại thuốc thông thường như Paracetamol cũng bị thiếu. Còn những loại thuốc điều trị các bệnh khác như cao huyết áp, hen suyễn, ho… thì gần như không có. Để điều trị cho bệnh nhân, trạm y tế phải thường xuyên dùng thuốc khác thay thế nên hiệu quả điều trị không cao. Nhiều bệnh nhân phải lên huyện khám chữa bệnh, và chấp nhận tốn thêm 50% chi phí do vượt tuyến.

Tại Trạm y tế xã Mỹ An Hưng B, tình trạng thiếu thuốc còn nghiêm trọng hơn.

Ông Nguyễn Văn Bất, trưởng trạm y tế, cho biết đến hiện tại trạm y tế xã vẫn chưa nhận được danh mục thuốc của năm 2013, có nghĩa là so cách đây đã chục năm. Suốt ba tháng qua, hễ thiếu thuốc gì thì trạm cử nhân viên dược lên bệnh viện huyện nhận về chứ không có sẵn thuốc. Có hôm những loại trạm cần thì bệnh viện huyện cũng chỉ đáp ứng được một vài hộp hoặc vài viên, mang về sử dụng vài ngày thì hết. Thậm chí có những hôm chi phí xăng lên huyện nhận thuốc về còn nhiều hơn giá trị thuốc.

Một khảo sát của Sở Y tế TP.HCM vào tháng 8-2022 cho thấy hơn 80% người dân mắc các bệnh mãn tính không lây nhiễm đang tái khám tại các bệnh viện tuyến quận, huyện mong được tái khám và cấp phát thuốc tại các trạm y tế.

Ngoài ra, nói theo cách dùng từ của bà Lê Thiện Quỳnh Như, phó chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, “dù nghiêm túc triển khai đấu thầu thuốc cho trạm y tế theo quy định của Bộ Y tế nhưng kết quả đấu thầu của hầu hết các trung tâm y tế quận, huyện chưa đáp ứng đủ thuốc theo nhu cầu tại các trạm y tế”.

Bà Quỳnh Như cho biết trong đó, có các mặt bệnh phổ biến của người dân thuộc nhóm bệnh mãn tính không lây nhiễm. Nguyên nhân do số lượng sử dụng thuốc của các trung tâm y tế ít, do đó các nhà cung ứng không tham dự thầu. Chưa kể, danh mục thuốc theo quy định dùng cho trạm y tế vẫn chưa đáp ứng được mong mỏi thực tế của người dân và cả các bác sĩ công tác tại trạm.

“Trạm y tế hiện là cơ sở khám, chữa bệnh hạng 4 nên theo quy định sẽ được cung ứng danh mục thuốc theo hạng 4 tại thông tư 30 của Bộ Y tế. Từ đó sẽ dẫn đến tình trạng thiếu một số thuốc khi người bệnh mạn tính chuyển về khám tại trạm y tế từ các bệnh viện (các bệnh viện của TP.HCM hiện là những bệnh viện hạng 1, 2). Trong khi đó các trạm y tế chưa thực hiện việc phê duyệt danh mục kỹ thuật và danh mục thuốc vượt hạng theo quy định” – bà Quỳnh Như diễn giải.

Từ thực trạng này, Sở Y tế TP.HCM kiến nghị Bộ Y tế mở rộng danh mục thuốc được thanh toán bảo hiểm y tế sử dụng tại trạm y tế phường, xã, thị trấn. Cụ thể, cho phép TP.HCM thí điểm mở rộng thêm 8 thuốc điều trị hen, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, chăm sóc sức khỏe tâm thần trong cộng đồng sử dụng tại trạm y tế và được thanh toán bảo hiểm y tế.

TP.HCM cũng đề xuất bổ sung danh mục 11 loại thuốc được thanh toán BHYT cho trạm y tế xã, phường, thị trấn. Đây đều là các loại thuốc chăm sóc sức khỏe tâm thần trong cộng đồng.

Trước đó, Bộ Y tế ban hành thông tư số 20/2022/TT-BYT về danh mục, tỉ lệ và điều kiện thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ… đã mở rộng nhiều loại thuốc sử dụng tại trạm y tế, tuy nhiên mới chỉ đáp ứng 295 thuốc trong số 303 thuốc cần có theo đề xuất của Sở Y tế TP.HCM.


Tin bài liên quan:

VNTB – Thu phí người nuôi bệnh để ‘cân đối’ ngân sách?

Phan Thanh Hung

VNTB – Ai đã khiến các bệnh viện ‘chết lâm sàng’?

Do Van Tien

VNTB – Đất đai của các tổ chức tôn giáo vẫn thuộc “Đảng và nhà nước”

Phan Thanh Hung

1 comment

T Vy 18.05.2023 8:59 at 08:59

Xuyên tâm liên, loại thần dược xhcn trị bá bệnh, lại sắp hút hàng đây!

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.