Việt Nam Thời Báo

VNTB – Sài Gòn: Hội nhà báo độc lập Việt Nam sinh hoạt thông tin cuối năm 2015

Kiều Phong

Images intégrées 1

(VNTB) – Sáng ngày 29/12, tại quán cà phê Lọ Lem, 345 Nguyễn Trọng Tuyển, Sài Gòn, Hội Nhà báo độc lập Việt Nam ( IJAVN) đã tổ chức cuộc họp cuối năm dương lịch 2015.
Cuộc họp quy tụ nhiều hội viên ở Sài Gòn. Nhà thơ – nhà báo Bùi Minh Quốc- phó chủ tịch hội làm chủ trì cuộc họp. Đặc biệt, đến với Hội Nhà báo độc lập ngày hôm nay có sự hiện diện của những vị khách: bác sỹ Nguyễn Đan Quế – đồng chủ tịch Hội Cựu tù nhân lương tâm, giáo sư Nguyễn Đăng Hưng- nhà khoa học người Việt đứng trong danh sách 10 người làm thay đổi nước Bỉ, luật sư Lê Quốc Quân- nhà đấu tranh đối lập.
Ngoài ra còn có sự hiện diện của những cảm tình viên của IJAVN và phóng viên báo khác.
Đầu cuộc họp, chủ tịch Hội Nhà báo độc lập Việt Nam – nhà báo Phạm Chí Dũng đã nêu chủ đề chuyên biệt của cuộc họp. Đó là trao đổi, phân tích thông tin và tình hình nhân quyền và thời sự chính trị, đưa ra các dự báo trong năm 2016. Về diễn tiến của hội, ông thông báo rằng Việt Nam Thời Báo đã vượt qua những khó khăn để vững mạnh, là một trang tin độc lập mà không bị chi phối bởi bất kỳ thế lực chính trị nào.
Cho đến nay, Hội Nhà báo độc lập Việt Nam có lẽ là tổ chức duy nhất trong số 60 hội nhóm xã hội dân sự ở Việt Nam có thể công khai tổ chức các cuộc họp ở nơi công cộng.
Hiện hội có 88 hội viên, nghĩa là tăng trên 200% so với ngày đầu thành lập 18 tháng trước.

Images intégrées 2

Các nhà báo và các khách mời trao đổi sôi nổi và chuyên sâu về hiện tượng “tài liệu nội bộ” xuất hiện tràn ngập trên mạng, vụ Bộ Công An Việt Nam bắt giam luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, động thái Chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đi Trung Quốc…
Phó chủ tịch hội Nguyễn Tường Thụy cho rằng cuộc đấu đá nội bộ trong cung đình Hà Nội và việc hồ sơ về luật sư Đài “đủ dày” cộng lại đã dẫn đến việc bắt giam anh. Hiện tại phong trào lên tiếng đòi trả tự do cho luật sư Nguyễn Văn Đài dâng lên rất cao, với 1000 hình ảnh bàn tay, và rất nhiều chữ ký của người Việt.  Chưa bao giờ người dân lên tiếng cho một nhà bất đồng chính kiến mạnh mẽ và đông đảo đến như vậy.
Nhà báo lão thành Lê Phú Khải cho rằng bộ Công An bắt giam luật sư Đài là do anh quan hệ với các cơ quan ngoại giao quốc tế rất mạnh mẽ. Ông nhấn mạnh rằng dân chủ không miễn phí, nhưng chỉ cần một số lớn người dân lên tiếng thì nhà cầm quyền phải dè chừng. Câu chuyện đón nhạc sỹ Việt Khang ra tù là một ví dụ. Các bà các cô dân oan khi đi đón Việt Khang hát vang bài hát “Việt Nam tôi đâu?” do Việt Khang sáng tác, và còn biểu tình trước mặt công an. Công an không còn dám quấy rối buổi đón tù nhân chính trị như kế hoạch. Điều này cho thấy khi chính quyền dồn dân chúng vào đường cùng thì dân sẽ không sợ điều gì nữa.
Luật sư Lê Quốc Quân đã nói trúng một nhược điểm nhỏ mà ban lãnh đạo Hội nhà báo độc lập Việt Nam luôn trăn trở, rằng chất lượng phản biện chưa tương xứng với tầm vóc và nghĩa vụ  của hội đối với đất nước. Một lý do dẫn đến khuyết điểm đó là Việt Nam Thời Báo rất thận trọng trong việc xác minh nguồn tin nói về đấu đá phe phái trong nội bộ chóp bu lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam. Tiếp nhận ý kiến đó, chủ tịch Phạm Chí Dũng đề nghị chất lượng các bài báo của hội phải tăng lên xứng với mặt bằng chung của thế giới.
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, một nhà khoa học quan tâm đến tình hình đất nước, thẳng thắn nói rằng trong việc bắt Nguyễn Văn Đài, người được lợi lớn nhất là Trung Quốc. Làm sao để xóa tan nỗi sợ đó, ai thực hiện, cách tổ chức như thế nào, đó là nhiệm vụ mà giáo sư Hưng đưa ra trong cuộc họp này. Nhà khoa học được thế giới biết tiếng cho biết rằng trong một hội nghị kín, Nhật Bản đã đề nghị các nước lớn còn lại xem xét chính sách mới với Trung Quốc trước nguy cơ một Hitler mới xuất hiện tại nước này, đất nước đông dân nhất thế giới. Nếu không, việc xảy ra chiến tranh thế giới thứ ba chỉ là vấn đề thời gian.
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng quen nhiều du học sinh Việt Nam ở Trung Quốc và được cho biết nền giáo dục Trung Quốc dạy trẻ thơ rằng Việt Nam là chư hầu của Trung Quốc.
Trong số các nước siêu cường, giáo sư Nguyễn Đăng Hưng chú tâm đến Nhật Bản. Nhật Bản là nước then chốt trong việc bảo vệ Biển Đông và Việt Nam  khỏi cường quốc phương Bắc khổng lồ nhưng vô đạo. Nếu Việt Nam nằm trong tay Trung Quốc thì sức mạnh phương Tây giảm đi.
Luật sư nhân quyền Lê Quốc Quân phân tích việc bắt người đồng nghiệp Nguyễn Văn Đài bị bắt là do anh Đài là nhân vật thượng thặng trong nhiều  tổ chức, là người có sức ảnh hưởng đối với thanh niên và có khả năng thay đổi nhận thức trong quần chúng. Luật sư Quân nêu ra hai cuộc di tản khổng lồ tại Việt Nam. Cuộc di tản đầu tiên và  lớn nhất là vào năm 1954, lớn thứ ba thế giới. Cuộc di tản thứ hai, nguy hiểm hơn nhiều, ngay tại thời điểm hiện tại, là cuộc chạy trốn ra nước ngoài khi chế độ giống như một cái xác chết, khắp mọi nơi trên đất nước Việt Nam quan chức vơ vét  để lấy phong bì cho  con cái đi du học nước ngoài.
Đồng quan điểm với luật sư Lê Quốc Quân, nhà báo lão thành có quan hệ với giới thông tấn phương Tây Lê Phú Khải dẫn lời một  đồng nghiệp Pháp: “Việt Nam là một xã hội được tổ chức để sống lộn xộn”. Những người tổ chức sự lộn xộn đó đã đưa con ra nước ngoài.
Luật sư Quân phân tích: thượng tầng đang chờ đợi bên dưới thay đổi. Nhà đấu tranh trong nhiều cuộc gặp gỡ với chính giới phương Tây đã thuyết phục được thế giới gây áp lực để thúc đẩy chính phủ toàn trị Hà Nội ban hành luật lập hội. Phải thúc đẩy tự do lập hội. Bản dự thảo lần thứ 12, theo luật sư Lê Quốc Quân, đã có những ngôn từ rộng mở hơn 11 bản dự thảo trước, đó là do giới đấu tranh gây áp lực mà nên; khi có tự do lập hội thì chắc chắn sẽ có đa nguyên, sau đó chắc chắn sẽ có đa đảng.
Nhà báo Lê Phú Khải khẳng định thêm rằng “quần chúng là bột mì, không có bột nở thì không có bánh mì’. Do đó thay đổi nhận thức trong người dân là rất quan trọng.
Chị Nguyễn Thị Nhung, mẹ của sinh viên dân chủ Nguyễn Phương Uyên, chia sẻ phương pháp đánh thức ý thức công dân trong mỗi con người, rằng con người không phải sinh vật sáng đi làm và tối về ngủ.
Nhà báo – nhà thơ Bùi Minh Quốc ghi nhận những ý kiến trên là hiệu quả trong hoạt động xây dựng những thế hệ công dân có tinh thần tự do, thoát khỏi tình trạng công dân trở thành “thần dân”…
Buổi sinh hoạt thông tin không gặp phải sự cản trở nào từ phía chính quyền và công an.
Từ tháng 9/2015 đến nay, đây là cuộc họp thứ 5 liên tiếp của Hội nhà báo độc lập Việt Nam ở nơi công cộng. Đặc biệt vào tháng 11/2015, Hội nhà báo độc lập Việt Nam đã tổ chức thành công buổi tọa đàm về quyền tự do lập hội ở Hà Nội, với sự tham dự của ba đại sứ quán Hoa Kỳ, Anh, Thụy Điển.

Tin bài liên quan:

Việt Nam: Nguy cơ tụt hậu về công nghệ thông tin

Phan Thanh Hung

VNTB- Vì sao lính cơ động không bao giờ giàu?

Phan Thanh Hung

VNTB – Khu du lịch văn hóa Suối Tiên: xả nước thải vào kênh

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo