Việt Nam Thời Báo

VNTB – Sài Gòn những ngày nắng nóng

Diệp Chi

 

(VNTB) – Ông Trần Bình Minh của Đài truyền hình quốc gia vì rớt ủy viên Bộ Chính trị nên đã được… về hưu. Không biết rằng, ông có còn nhớ mình vẫn nợ một lời xin lỗi đến những người đang mưu sinh ở hè phố Sài Gòn hay không?

 

Dân gian truyền lại rằng, mỗi năm, cứ ra Giêng, là tiết trời của miền Nam bước vào đợt nắng nóng. Có người cho rằng, đây là khoảng thời gian khó chịu nhất về thời tiết. Bởi lẽ, sáng sớm đã nóng; giấc trưa, nhiệt độ lại được tăng lên, tạo cảm giác mệt mỏi cho nhiều người.

Dường như cái nóng ấy lại được tăng lên thêm nữa không chỉ bởi thời tiết, bởi mặt trời mà còn do ảnh hưởng bởi tốc độ đô thị hóa. Cây xanh càng lúc càng ít đi; nhà cao tầng, chung cư, cao ốc văn phòng… mọc lên… mặt đường bê tông như bốc lên thêm một lượng nhiệt. Người tham gia giao thông ở thời điểm trưa đã khó chịu thì những người buôn bán, mưu sinh ở hè phố, càng thêm mệt mỏi…

“Nói thiệt, giữa cái thời tiết nắng nóng khó chịu này, hễ mỗi lần đi ra ngoài đường ở TP.HCM là mình ngán. Ngán nhất là đi vào buổi trưa, nhiều lúc đi quên đem theo chai nước, đến khô người luôn. Cho nên, nếu không phải có việc bất khả kháng, mình sẽ không đi ra đường vào thời điểm này.

Ngại nhất là những tuyến đường không có cây có tán che mát như Nam Kỳ Khởi Nghĩa hoặc Tôn Đức Thắng. Nếu như những năm về trước, đi nắng về ngang qua Tôn Đức Thắng, mình cảm thấy thoải mái vô cùng bởi hàng cây dài đan che vào nhau thì giờ đây ôi thôi… ta nói nó chán vô cùng…” – ông Tư, một tiếc nuối về Sài Gòn hồi nào với Cường Để cây cao bóng cả, với hàng cây mát rượi của Công Lý…

Chia sẻ về khó khăn do thời tiết đem lại, bà Hương, một người mưu sinh bằng nghề bán nước giải khát kể: “Thường là bán đắt lắm, nhưng mà bịnh là bán không được luôn. Mọi năm qua tết là bán đắt dữ dằn lắm luôn đó. Học sinh đồ đi học lại bình thường là bán ngon lắm, mà giờ này nắng này bán không được, bán chẳng được gì hết đó. Nắng gắt là mệt lắm chứ mà thì tại cuộc sống mình phải bán thôi chứ”.

“Mười giờ đến mười hai giờ là nóng gắt đó. Từ mười hai giờ đổ lại đến chiều một, hai giờ mới mát lại. Hai giờ đó đến ba giờ, bốn giờ sau mới mát, mới dịu trời. Thì nắng quá mình cũng chui vô chỗ mát ngồi một chặp, nó khỏe khỏe đồ mình đi tiếp.

Cũng nhiều khi nó choáng váng, nó say nắng, nó mệt mình chứ. Nhiều khi nó tụt huyết áp mình nó xoay xoay, nó cũng mệt chứ. Lúc đó thì thường mình một là mua chai nước uống cho nó khỏe lại. Hai, mình vô mát mình ngồi một chặp rồi mình đi tiếp”, bà Hoa, một người mưu sinh bằng nghề lụm ve chai nơi phố thị chia sẻ.

Chấp nhận vì “chén cơm” hằng ngày như bà Hương, ông Tín, một bảo vệ góp chuyện: “Từ giờ này đổ về sáng là nực nội lắm. Mình phải chịu chứ sao giờ. Cái công việc, cái chén cơm hàng ngày của mình, mình phải ráng mình lo mình làm chứ. Chứ ai chia sớt gì đâu cho mình. Bây giờ cái thời tiết nắng nóng quá là coi như cái sức khỏe đề kháng trong người mình nó ý nó, đại loại là nó không phù hợp với cái thời tiết đó đâm ra nó mệt mỏi cho mình vậy thôi”.

Mệt mỏi do ảnh hưởng bởi thời tiết, mệt mỏi do ảnh hưởng bởi tốc độ đô thị hóa và cả dịch Covid 19 vẫn còn đó, nhưng vì chén cơm manh áo, với những người như bà Hoa, ông Tín, bà Hương vẫn chấp nhận tất cả. Họ kiếm sống bằng chính mồ hôi, công sức của mình chứ hoàn toàn không sống ký sinh ở hè phố Sài Gòn như đài VTV đã từng nói hồi nào.

Nghe đâu ông Trần Bình Minh đã được về hưu. Không biết rằng, ông có còn nhớ mình vẫn nợ một lời xin lỗi đến những người đang mưu sinh ở hè phố Sài Gòn hay không?


Tin bài liên quan:

VNTB – Sài Gòn, những ngày đang trở lại…

Phan Thanh Hung

VNTB – Thiên hạ luận: Còng lưng cày để… xét nghiệm

Phan Thanh Hung

VNTB – Nếu bất an, sao vẫn còn giữ?

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.