VNTB – Sài Gòn thiết lập vùng phong tỏa để ‘kiểm soát dịch’

VNTB – Sài Gòn thiết lập vùng phong tỏa để ‘kiểm soát dịch’

Hiền Lương

 

(VNTB) – Sài Gòn có ngày cuối tuần đầy căng thẳng khi có nhiều khu vực bắt đầu được phong tỏa ‘nội bất xuất, ngoại bất nhập’.

 

Cụ thể, từ 0 giờ ngày 20-6, thiết lập phong tỏa khu phố 2, 3, 4 phường An Lạc của quận Bình Tân, và ấp Tân Thới 2, Tân Thới 3, ấp Thới Tây 1 thuộc xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn. Đây là hai nơi được đánh giá là dịch đang nguy hiểm, phải phong tỏa. Người dân trong khu vực phong tỏa thì ở đâu ở đó, không đi ra đi vào và tự cách ly giữa các gia đình.

Số liệu của chính quyền quận Bình Tân cho biết tổng diện tích khu vực áp dụng biện pháp giãn cách là 171 ha. Về dân số, có 17.441 hộ với 55.931 người. Về doanh nghiệp bị ảnh hưởng là 306 doanh nghiệp. Về đơn vị hành chính trong khu vực phong tỏa có 4 đơn vị là Văn phòng Tiếp công dân của Trung ương Đảng; Tòa án nhân dân quận; Viện kiếm sát nhân dân quận; Chi Cục Thi hành án dân sự quận.

Sở Công thương TP.HCM hỗ trợ UBND quận Bình Tân trong việc cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân khu vực giãn cách. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể quận cung ứng lương thực, hỗ trợ cho các hộ dân, gia đình khó khăn trong khu vực.

Đối với các cửa hàng tiện ích, quận Bình Tân sẽ cho tiếp tục hoạt động để cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân và chỉ phục vụ người dân trong khu vực thực hiện giãn cách xã hội, chỉ chở hàng hóa, không chở người ra, vào khu vực giãn cách, mỗi lần ra vào đều phải khử khuẩn, sát trùng.

Tổ chức xe loa tuyên truyền hướng dẫn cho người dân nắm được thông tin về việc giãn cách,việc sinh hoạt theo nguyên tắc 5K của Bộ Y tế bên trong khu vực cách ly, chỉ dẫn các cửa hàng tiện ích trong khu vực (không sử dụng tiền mặt); hàng ngày chỉ cử 1 người trong gia đình đi mua sắm thực phẩm, hàng hóa vào thời gian do UBND phường thông báo để đảm bảo giãn cách xã hội…

Các yêu cầu kể trên nghiêm ngặt hơn rất nhiều so trước đó khi phong tỏa quận Gò Vấp trong 2 tuần lễ đầu tháng 6-2021.

Sở Công thương TP.HCM cho biết hiện nay đơn vị cũng đã đảm bảo 100% cung cấp đủ hàng hóa cho người tiêu dùng trên địa bàn thành phố, chứ không để thiếu hàng hóa dẫn đến tăng giá mất kiểm soát.

Trong buổi họp báo diễn ra vào tối ngày 19-6, đại diện chính quyền TP.HCM giải thích rằng họ không máy móc áp dụng Chỉ thị 15 hay Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ ban hành từ những đợt bùng dịch trước, mà giờ đây chính quyền thành phố áp dụng biện pháp cụ thể phù hợp với tình trạng hiện nay. Cơ bản dựa trên quy định của Bộ Y tế đánh giá về mức độ nguy cơ. Trong đó có 4 mức, mức bình thường mới, mức có dịch, có nguy cơ, mức nguy cơ cao, cao nhất là áp dụng phong tỏa.

Các tin tức đáng chú ý khác cũng được đề cập tại buổi họp báo, đó là Sài Gòn sẽ, thứ nhất, tạm dừng các loại hình kinh doanh dịch vụ không cần thiết, giải tán các chợ tự phát, dừng các hoạt động của xe taxi, xe taxi công nghệ, xe liên tỉnh và các tuyến xe buýt.

Thứ hai, không tập trung trên 3 người tại nơi công cộng bên ngoài công sở, bệnh viện, trường học; yêu cầu giữ khoảng cách tối thiểu giữa người với người là 1,5 m.

Thứ ba, chính quyền yêu cầu người dân ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, phân xưởng, xí nghiệp và các trường hợp khác do Sở Y tế hướng dẫn.

Thứ tư, các cơ sở sản xuất kinh doanh, nhà máy xí nghiệp hoạt động bình thường nhưng phải bảo đảm khoảng cách an toàn giữa người lao động với nhau là 1,5 m; mang khẩu trang nơi làm việc, khử trùng, diệt khuẩn; đồng thời có văn bản cam kết tuân thủ biện pháp phòng chống dịch gửi chính quyền địa phương và nơi làm việc.

Thứ năm, các cơ quan nhà nước đảm bảo quy định về giãn cách trong quy trình làm việc, các công ty, doanh nghiệp, tập đoàn hạn chế làm việc trực tiếp chuyển sang làm việc trực tuyến, chỉ đến trụ sở giải quyết công việc thật sự cần thiết và tuân thủ 5K.

Thứ sáu, dừng các cuộc hội họp không cần thiết; nếu tổ chức thì không quá 10 người trong một phòng, ngoại trừ các cuộc họp đặc biệt được chính quyền địa phương cho phép.

Người đứng đầu cơ quan hành chính của TP.HCM, ông Nguyễn Thành Phong nhận định có thể dịch bệnh đã xâm nhập vào thành phố sau kỳ nghỉ lễ 30-4, trải qua 4 – 5 chu kỳ lây nhiễm, dự báo sẽ tiếp tục phát hiện thông qua khám sàng lọc trong thời gian tới.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)