Diệp Chi
(VNTB) – Tứ bề dịch bệnh, nhưng Sài Gòn vẫn sẵn sàng chung tay giúp đỡ bà con ở những tỉnh thành khác…
Từ năm 2019 đến nay, Việt Nam nói chung cũng như Sài Gòn nói riêng, đã phải hứng chịu nhiều đợt bùng dịch hoặc có ca nhiễm trong cộng đồng. Trong lần thứ 4 này, vì nhiều nguyên nhân bao gồm cả duy ý chí chính trị, có thể nói, đây là lần nặng nề nhất trong những đợt vừa qua.
Lo lắng hơn trong khám bệnh vì không biết kế bên có phải một F nào hay không? Bất tiện hơn trong đi lại. Khó khăn hơn trong công cuộc mưu sinh, buôn bán…
Dẫu biết rằng có nhiều khó khăn là thế, song Sài Gòn vẫn rất kiên cường. Không chỉ chấp nhận đương đầu, mà Sài Gòn còn sẵn sàng chung tay giúp đỡ bà con ở những tỉnh thành khác trong phạm vi, khả năng có thể.
Thật không khó khi kể ra những trường hợp như thế. Ngay từ đợt bùng dịch đầu tiên, nhiều ngã đường ở thành phố đã xuất hiện các băng-rôn, các bảng viết tay với nội dung “chung tay giải cứu dưa hấu”; “giải cứu thanh long”… Rồi sau đó là nông sản Hải Dương, hoa Đà Lạt, giải cứu vải thiều ở Bắc Giang và cả giải cứu khoai lang tím ở miền tây…
“Với cái giá giải cứu khoai lang tím, có thể không bù đắp được với cái công sức người nông dân bỏ ra. Song theo em thấy, cái ý nghĩa chính nhất là lan tỏa sự yêu thương, đúng nghĩa với hai từ ‘đồng bào’. Thật sự em rất cảm xúc trước hình ảnh nhiều người dân Sài Gòn chung tay giúp đỡ giải cứu khoai lang tím.
Mỗi người ăn một ít, chỉ cần cái dân Sài Gòn mình mà mỗi người ăn thôi một ký, hai ký là cũng giải quyết được hết cái vấn đề đó, tất nhiên là giá nó không thể nào như người ta mong muốn được”, Nguyễn Đức Long, một học sinh lớp 12 ở quận Phú Nhuận, tham gia giải cứu khoai lang tím, chia sẻ cảm xúc.
“Đầu tháng 6 năm nay, mình có đọc được tin là chính quyền tỉnh Bắc Giang đề nghị không dùng từ giải cứu vì cho rằng “vải thiều Bắc Giang hiện đang được xuất khẩu đến các thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn cao như Nhật Bản, về việc tạo điều kiện thuận lợi cho vải thiều Bắc Giang được xuất khẩu và tiêu thụ nội địa… đặc biệt, không dùng từ “giải cứu” trong các tin, bài, phóng sự… khi tuyên truyền về việc tiêu thụ nông sản nói chung và vải thiều nói riêng”
Thoạt nghe qua thì cho là đúng, tuy nhiên, hai từ giải cứu không phải mới xuất hiện đây và cũng không phải áp dụng riêng cho vải thiều Bắc Giang. Nếu nói mặt hàng xuất đi Nhật, theo mình biết, khoai lang tím ở miền tây, cũng xuất đi Nhật, vậy có tỉnh nào ở miền tây lên tiếng về điều này? Và những lần giải cứu khác thì như thế nào? Người tiêu dùng cần là cái chất lượng chứ không cần từ ngữ hoa mỹ bề ngoài” – ông Minh, ý kiến.
Trong một diễn biến tương tự, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan nhìn nhận rằng: “Nhiều người mua nông sản vì thương bà con nông dân nhưng mua nhiều về dùng không hết là lãng phí. Theo tôi, không nên dùng từ “giải cứu” nữa, bởi lẽ mang tính chất thương cảm chứ chưa chú trọng đến công sức của bà con nông dân. Hơn thế, tại những điểm mua bán nông sản tự phát, nhiều người tụ tập là không thực hiện tốt quy định phòng, chống dịch COVID-19”.
Có thể, vế đầu ông Hoan nói không sai, nhiều người mua nông sản đúng là vì thương bà con nông dân nhưng mua nhiều về dùng có thể không hết là lãng phí. Tuy nhiên, nó lại mâu thuẫn với vế sau của ông Hoan, nếu như thương bà con nông dân thì làm sao lại không chú trọng đến công sức của người nông dân bỏ ra trên đồng?
Có thể một số (xin chú ý chỉ là một số) người dân mua họ không hình dung hết cái cực của người nông dân, song nếu không chú trọng đến công sức của bà con nông dân là điều khó có thể xảy ra trong những đợt “giải cứu”.
“Chứng minh cho điều này là hoàn toàn không khó. Như bạn thấy đó, rất ít người, thậm chí là không có, không trả giá trong việc mua giải cứu bất kỳ nông sản nào.
Có ý kiến cho rằng cái giá giải cứu đó là quá rẻ, không cần phải trả nữa. Nếu như thế, nói theo kiểu của phim, phiền ngài Bộ trưởng cứ giả ‘thường dân’ tham gia giải cứu nông sản, ngồi tào lao với mấy người khác từ người bán đến người mua, lắng nghe họ nói, sẽ thấy người Sài Gòn quan tâm đến công sức của bà con nông dân như thế nào à.
Đơn giản, bởi họ cũng là dân lao động, họ cũng có bà con ở quê, có người từng làm nông dân, làm sao mà họ không hiểu được phần nào cơ cực của người nông dân”, phóng viên truyền hình Hoàng Mai, chia sẻ.
“Nói thật, mình mua, ăn cũng có hết đâu. Cũng chẳng phải vì thèm hay đam mê gì đâu. Đơn giản là vì thương bà con nông dân. Tuy ở miền Đông, nhưng ba má ở nhà cũng là nông dân.
Từ nhỏ cho đến lớn, mình thấy và cảm được cái cực khổ của ba má mà, nhất là thời gian mình học đại học ở Sài Gòn. Phần vì Vĩnh Long ngày xưa cũng là nơi mình thực tập. Mua còn vì nhớ hình ảnh chân chất, thân thiện, hết lòng với sinh viên tụi mình ngày xưa nữa. Chứ 10 ký khoai ăn sao hết, mua rồi chia cho bà con họ hàng mỗi người một ít, ăn cho vui” – bà Ngọc, một cựu sinh viên quê Bình Dương chia sẻ.
Có thể nói, vấn đề chung tay giải cứu trong mùa dịch, giúp nhau vượt qua khó khăn này, chủ yếu xuất phát từ chữ tình giữa người với người.
Một hình ảnh đẹp giữa lòng đô thị lớn như Sài Gòn.