VNTB – Sai phạm về quản lý tại Khu Công nghệ cao TP.HCM

VNTB – Sai phạm về quản lý tại Khu Công nghệ cao TP.HCM

Nguyễn Huỳnh

 

(VNTB) – Thanh tra TP.HCM kết luận giai đoạn 2018-2020, Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM để xảy ra nhiều khuyết điểm, vi phạm về cho thuê đất.

 

Quản lý tùy tiện hay đây là lợi ích nhóm?

Từ kết luận của Thanh tra TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi giao Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM tiếp nhận hồ sơ, chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính TP.HCM kiểm tra, làm rõ đối với 28 dự án đầu tư có sử dụng đất nhưng không thuộc diện ưu đãi đầu tư đã được ban quản lý cho thuê đất không qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất với tổng diện tích hơn 1.433.186 m2.

Trường hợp xác định có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, gây thiệt hại cho nhà nước thì chuyển Thanh tra TP.HCM lập thủ tục chuyển cơ quan điều tra thụ lý giải quyết.

Ngoài ra, giao Giám đốc Sở Xây dựng chỉ đạo kiểm tra, xử lý dứt điểm hành vi vi phạm trật tự xây dựng của các chủ đầu tư công trình trong khu công nghệ cao đã phát hiện, xử phạt theo đúng quy định. Chủ tịch UBND TP.HCM cũng giao Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM tổ chức kiểm điểm, đề xuất xử lý trách nhiệm của lãnh đạo ban quản lý khu công nghệ cao TP.HCM đối với những khuyết điểm, thiếu sót, vi phạm đã nêu trong kết luận thanh tra.

Đồng thời, giao Thanh tra TP.HCM chuyển hồ sơ các vụ việc có khả năng gây thất thu ngân sách Nhà nước cho Cục Thuế TP.HCM, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM để kiểm tra, rà soát, làm rõ, truy thu (nếu có vi phạm). Trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, gây thiệt hại nhà nước thì báo cáo Chủ tịch UBND TP.HCM chuyển cơ quan điều tra thụ lý, giải quyết theo quy định.

Kết luận thanh tra có nêu về trường hợp đơn phản ánh ông Lê Hoài Quốc, nguyên trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao, thiếu trách nhiệm.

Cụ thể, ông Quốc cho Công ty cổ phần xây dựng giao thông Beton 6 và Công ty cổ phần đầu tư Đông Sài Gòn thuê hơn 30.000m2 của Khu công nghệ cao được “ưu ái” hưởng ưu đãi tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, ký quỹ mức thấp nhất, không yêu cầu ký quỹ, đơn giá thuê không sát giá thị trường… có khả năng gây thất thoát cho ngân sách là có cơ sở.

Tuy nhiên, hồ sơ, tài liệu các đơn vị cung cấp cho đoàn thanh tra chưa đủ cơ sở kết luận nội dung phản ánh ông Quốc cấu kết, thông đồng với ông Diệp Dũng, nguyên tổng giám đốc Saigon Co.op và một công ty con của ông Dũng.

Đồng thời chưa đủ hồ sơ cho thấy hai công ty trên có liên doanh liên kết công ty con của Saigon Co.op.

“Phiên bản Thủ Thiêm” mang tên Khu công nghệ cao

Khu công nghệ cao TP.HCM tiền thân là Khu công nghiệp công nghệ cao, được thành lập theo Quyết định số 145/2002/QĐ-TTg ngày 24-10-2002 của Thủ tướng.

Đến ngày 18-4-2007, Thủ tướng ban hành QĐ 458/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể Khu công nghệ cao, với tổng diện tích 913 ha, trong đó có 112 ha đất công (giao thông, sông rạch…) và 801 ha đất phải kiểm kê, thu hồi từ các cá nhân, hộ dân và đơn vị, trải trên 5 phường của quận 9 (nay là thành phố Thủ Đức).

Liên tục từ đó đến nay, nhiều hộ dân quận 9 đã gửi hàng trăm đơn khiếu nại, tố cáo về nhiều khuất tất, sai phạm liên quan đến việc triển khai Khu công nghệ cao. Trong đó, vấn đề người dân bức xúc nhất là việc UBND TP.HCM đã ban hành các quyết định thu hồi đất của dân để xây dựng Khu công nghệ cao là vượt quá thẩm quyền, trái pháp luật và “chạy” Luật Đất đai. Tố cáo này, Thanh tra Chính phủ cho rằng là có cơ sở.

Gần đây nhất, theo ông Nguyễn Phạm Hải, trưởng đoàn thanh tra cho hay, Thanh tra Chính phủ vào cuộc thanh tra dự án khu công nghệ cao theo đơn tố cáo của nhóm 41 hộ dân với 10 nội dung liên quan. Sau đó được Thanh tra Chính phủ tổng hợp thành 3 nội dung tố cáo Chủ tịch UBND TP.HCM giai đoạn ông Lê Thanh Hải làm chủ tịch được cho là có liên quan đến dấu hiệu sai phạm ở dự án này.

Thanh tra Chính phủ cho rằng việc UBND TP.HCM mở rộng thu hồi và giao đất tại Quyết định số 2717 ngày 18-7-2003 với diện tích 6,9 ha và Quyết định 2193 ngày 19-5-2004 với diện tích khoảng 102 ha khi chưa được Thủ tướng chấp thuận điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể Khu công nghệ cao là chưa đúng thẩm quyền, chưa đúng trình tự, thủ tục thu hồi và giao đất.

Đáng chú ý, trong 3 quyết định thu hồi đất của UBND TP.HCM số 2666 (804 ha), số 2717 (6,9 ha), số 2193 (102 ha) và Quyết định số 989 ngày 4-11-1998 của Thủ tướng Chính phủ (800 ha) không có tên phường Hiệp Phú, nhưng thực tế lại thu hồi đất tại phường Hiệp Phú và không thu hồi đất ở phường Phước Long B. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới khiếu nại gay gắt của các hộ dân bị thu hồi đất.

Đến ngày 1-11-2006 (sau 8 năm), UBND TP.HCM mới ban hành Quyết định số 4877 điều chỉnh, bổ sung địa danh đất thu hồi, thay đổi tên phường Phước Long B thành phường Hiệp Phú. UBND TP.HCM cũng thực hiện bổ sung một số trình tự và kiến nghị Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể dự án đầu tư từ 804 ha thành 913 ha mang tính hợp thức hóa vụ việc.

Thanh tra Chính phủ cũng kết luận Chủ tịch UBND TP.HCM thời kỳ thực hiện dự án có thiếu sót là không lập phương án đền bù, hỗ trợ thiệt hại và tái định cư. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc khiếu nại bức xúc kéo dài của nhiều hộ dân bị thu hồi đất. Trách nhiệm để xảy ra thiếu sót trên là UBND TP.HCM, Sở Tài chính, UBND quận 9 và Ban Quản lý Khu công nghệ cao.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)