Xuân Phương
(VNTB) – Nhân chi sơ, tính bổn… ác?
Vào trang công cụ tìm kiếm trên google gõ: “đánh nhau, chém nhau vì một cái nhìn”, rất nhiều những tít tựa từ các báo, các trang thông tin điện tử… hiện lên thanh niên bị chém chết vì nhìn cô gái bàn nhậu bên cạnh; Bị đánh tập thể vì cho rằng “nhìn đểu”; Tử vong sau hỗn chiến vì cho rằng “nhìn đểu”; Đánh nhau bất kể lý do và nỗi đau nhìn từ bệnh viện…
Cũng liên quan đến vấn đề này, gần đây, là sự việc ở quận 8 vì “suýt va chạm” xe máy trên đường mà 3 bé gái bỗng mồ côi cha.
Theo tường trình từ báo Thanh Niên, tóm tắt, thì: “Cả con hẻm nhỏ vẫn còn xôn xao về câu chuyện đau lòng này. Ông M. kể: “Nhóm kia đi 2 xe, trong đó 1 xe chở 3, 1 xe chở theo 1 người phụ nữ. Còn anh bị. đánh đi một mình. Tôi nghe cãi nhau gì trước từ ngã ba, đi được vài chục mét đến ngay trước tiệm tạp hóa thì chỉ nghe được 2 câu là đánh rồi. “Mày muốn gì?”, “Mày láo hả?”, xong là mấy người quýnh anh đi SH. Tôi mới chạy ra nói: “Thôi con ơi, quýnh người ta sắp chết rồi. Đừng đánh nữa con ơi”. Tụi nó nhìn thấy anh kia nằm im trên đường rồi nó mới lên xe bỏ đi”.
“Đau lòng, nhưng đây là câu chuyện hoàn toàn không mới. Cũng tìm ra thủ phạm, cũng bị truy tố nhưng có vẻ như luật pháp làm chưa tới. Nếu kêu luật pháp không có quy định, chúng ta có thể tu chỉnh luật được mà. Dù trăm năm mới xảy ra một vụ, vẫn có thể tu chỉnh luật, huống gì đây lại là trường hợp gần như bắt gặp liên tục ở Việt Nam. Cần nghiêm trị những trường hợp như này để làm gương”, một người dân bức xúc.
Tam tự kinh bài đầu tiên có dạy: “nhân chi sơ, tính bản thiện”. Ngụ ý của câu này, đó là con người sinh ra bản tính ban đầu vốn thiện và tốt lành, khi lớn lên, do ảnh hưởng của đời sống xã hội mà tính tình trở nên thay đổi, tính ác có thể phát sinh, do đó cần phải luôn được giáo dục, giữ gìn và rèn luyện cho đời sống lành mạnh thì tính lành mới giữ được và phát triển, để tính dữ không có điều kiện nảy sinh.
Cũng liên quan đến giáo dục, trong bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ngày 5-9-2022 tại một trường ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, có đoạn viết: “…Các cháu sẽ học được bài học về sự tử tế, trung thực và nhân ái: “Thương người như thể thương thân”, “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”. Từ đó các cháu sẽ biết yêu thương, chia sẻ với những người chung quanh, không vô cảm với xã hội… Các cháu biết quan tâm, chia sẻ với các bạn ở các trung tâm bảo trợ xã hội, các bạn bị bệnh tật, đồng bào gặp thiên tai, các bạn mồ côi và những hoàn cảnh không may trong xã hội…” (hết trích).
Điều mà ông Chính nói, không sai. Tất cả những điểm đó, đều được học ở nhà trường. Cái ngày mà bước chân vào mái trường Tiểu học, điều đầu tiên trong 5 điều Bác Hồ dạy: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào”.
Thế nhưng, những điều đau lòng vẫn đang diễn ra một cách công khai. Câu hỏi đặt ra, là do giáo dục hay do bản tính con người?
Nếu do giáo dục, liệu rằng, có cần nên xem xét lại nền giáo dục hay không? Vì sao những đạo lý, những nếp sống, những điều khuyên nên dạy là đúng, thậm chí là rất đúng nhưng khi ra cuộc sống, lại được áp dụng trái ngược!
Nếu do bản tính con người, liệu rằng Quốc hội và các nhà biên soạn luật, có nên chăng, xem xét việc tu chỉnh luật, xử phạt nặng hơn cho những trường hợp này để răn đe? Giống như việc tăng tiền phạt vi phạm giao thông để người dân sợ, ít vi phạm hơn vậy.
1 comment
Dưới sự lãnh đạo tài tình sáng suốt, cuối cùng, nhân dân ta đã đạt đến cái đẳng cấp gọi là “văn minh Trường Sơn” – đỉnh cao văn minh nhân loại đó mà!