Việt Nam Thời Báo

VNTB – Sao không giảm thuế VAT cho hàng thiết yếu?

Võ Hàn Lam

(VNTB) – Cần phải giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) vì dịch đã kéo dài suốt 3 – 4 tháng, nhiều người lao động bị mất việc, giảm lương trong khi giá cả các loại hàng hóa lại tăng cao, mà người tiêu dùng còn phải gánh thêm thuế VAT 5 – 10% là điều quá sức.

Có lẽ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phải sớm quyết định về một quyết sách thực sự “khoan thư sức dân”, thay cho việc dốc công sức ra cho chuyện ‘đốt lò’ ở thời điểm này, kiểu như việc ‘cầm trịch’ phiên họp thứ 20 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, diễn ra tại Hà Nội vào sáng ngày 5-8-2021.

Không ít luận bàn rằng giảm thuế VAT lúc này là thực thi chính sách “khoan thư sức dân”, với điển tích từ câu chuyện của Trần Hưng Đạo trước lúc lâm chung đã nói với vua Trần Anh Tông: “Thời bình, phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc. Đó là thượng sách giữ nước”.

“Khoan thư sức dân” hiện nay là cắt giảm thuế, phí, hỗ trợ người dân tối đa trong thời gian dịch bệnh. Điều này giúp lòng dân ổn định, xã hội đoàn kết, cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn, dịch bệnh.

Mà đâu chỉ chuyện thuế VAT.

Lẽ ra lâu nay người đứng đầu Bộ Chính trị, khi thực thi Hiến định ở điều 4, Hiến pháp 2013, ông phải luôn hiểu “khoan thư sức dân” trong thời bình, nghĩa gần nhất/ thấy ngay, là giảm bớt sự đóng góp/ huy động nhân lực vật lực/ sức người sức của, thì giờ/ tiền bạc… của nhân dân so với thời chiến, sao cho dân giàu hơn thời chiến, sung sướng hơn lên chứ không phải lao lung như thời chiến, nghĩa là “nhàn” hơn thời chiến.

Bên cạnh đó, còn có những nghĩa xa hơn, trừu tượng hơn mà một lãnh đạo có học hàm, học vị chuyên về văn chương chữ nghĩa như ông Tổng bí thư, ắt hiểu “lao” thì có “lao lực”, “lao tâm”.

Bớt sức, bớt của mới chỉ là bớt “lao lực”. Bớt được “lao tâm” cũng cần không kém. Cho nên, còn phải “khoan thư sức dân” bằng cách làm cho dân không bị bất an, phân tâm, loạn tâm, lao tâm khổ trí, bực bội đủ điều, tức là làm cho dân “nhàn tâm”.

Vì thế mà Nguyễn Trãi thì xin vua chăm dân sao cho “khắp thôn cùng xóm vắng không một tiếng hờn giận oán sầu”. Vì thế mà trong các tiết bồi dưỡng chính trị, giảng viên hay nhắc đến huấn thị của người khai sinh ra đảng cộng sản Việt Nam, là: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.

Giành độc lập là việc thời chiến, làm cho dân hạnh phúc là việc thời bình.

Trở lại với đề xuất giảm thuế VAT vì dịch giã kéo dài đến hai năm trời.

Công nhân lao động ở các tỉnh, thành phố công nghiệp bị thất nghiệp do nhà máy đóng cửa, họ không có tích lũy, nếu không có cái ăn thì làm sao có thể ở yên được. Những người lao động tự do kiếm cái ăn từng ngày đang bó gối ngồi trong nhà, sẽ không thể cầm cự quá lâu hằng tháng trời.

Đâu chỉ vậy. Những gì đang kéo dài lúc này còn là việc lưu thông hàng hóa tắc nghẽn, chuỗi cung ứng nguyên liệu đứt gãy, nhân sự hao hụt khiến không ít doanh nghiệp đóng cửa dài ngày vì không đủ điều kiện hoạt động… Kể cả những doanh nghiệp lớn cũng thừa nhận khó khăn vì chưa khi nào điều kiện sản xuất kinh doanh của họ bị thu hẹp như hiện tại.

Thống kê chưa đầy đủ cho thấy đã có 70% doanh nghiệp thủy sản, 35% doanh nghiệp dệt may trên cả nước đóng cửa vì không thể đáp ứng được điều kiện sản xuất hiện tại.

Nếu tính cục bộ vào từng khu vực bùng dịch mạnh như TP.HCM và các tỉnh miền Nam, thì con số này hầu như lên trên 90%. Tuy vậy nhiều doanh nghiệp cho biết những con số này có thể vẫn chưa phản ánh hết những khó khăn họ gặp phải trên thực tế.

Và khi hàng hóa đến tay người tiêu dùng thì phía chủ doanh nghiệp vẫn phải chịu trách nhiệm gọi là “thu hộ” một số tiền từ túi khách hàng gọi là thuế VAT. Như vậy, nếu thật sự cùng chia sẻ khó khăn với cộng đồng, có lẽ cơ quan thuế cần thiết dừng thu các khoản thuế VAT của những mặt hàng thiết yếu như thịt, cá, rau, sữa…


Tin bài liên quan:

VNTB – Thuận mua vừa bán rồi!

Phan Thanh Hung

VNTB – Báo chí giờ bắt đầu được ‘đa chiều’?

Phan Thanh Hung

VNTB – Ai khó, ai nghèo?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.