Ngọc Linh Lan
(VNTB) – Nhà chức trách chọn hướng nhân danh quy hoạch đô thị để xóa bỏ dinh tỉnh trưỡng cũ, xây dựng công trình mới ở đó.
Bạn đọc viết
Theo lãnh đạo Kon Tum thì Dinh Tỉnh trưởng của tỉnh này có từ thời Pháp, không thấy nêu cụ thể năm xây dựng.
Ngày 21-5-2021, UBND tỉnh Kon Tum có quyết định số 438/QĐ-UBND phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình Xây dựng mới hội trường Tỉnh ủy, các phòng họp và Trụ sở làm việc các cơ quan tham mưu giúp việc Tỉnh ủy. Dự án được xây dựng trên nền dinh thự Tỉnh trưởng Kon Tum hiện hữu.
Công trình này nằm ở trung tâm của thành phố Kon Tum, vị trí đắc địa khi 3 mặt giáp với các tuyến đường chính là Bà Triệu – Trần Phú – Thi Sách.
“Dinh Tỉnh trưởng” là cụm từ mà ở nhiều tỉnh thành dường như mang yếu tố nhạy cảm chính trị, và nhà chức trách chọn xử trí theo hướng nhân danh quy hoạch đô thị để xóa bỏ, xây dựng công trình mới ở nơi đó, thay cho gìn giữ để khai thác du lịch.
Xin được trích kể một câu chuyện của một cựu chiến binh tham gia trận chiến Thành cổ Quảng Trị 1972:
“Trong một buổi chiều muộn của đợt đi làm công tác xã hội ở Quảng Trị vừa rồi, tôi tình cờ gặp người ở trong một cơ quan, đang đóng trên khuôn viên Dinh Tỉnh trưởng cũ. Anh bảo chính quyền thị xã có ý định làm một dự án phục hồi di tích Sở chỉ huy chiến dịch bảo vệ Thành cổ Quảng Trị 1972 ở khu sân phía trước cơ quan.
– Chỗ đấy có phải là nhà tỉnh trưởng cũ không?
– Chính xác anh ạ.
– Thế sao dự án không gọi đúng tên của nó là Dinh Tỉnh trưởng?
– Mọi người sợ dùng tên ấy gợi nhớ đến chế độ cũ.
Nhìn những lớp sóng đen và lạnh xô bờ, tôi cảm thấy buồn buồn. Không lẽ 45 năm sau cuộc chiến, ở đâu đó khái niệm “bên này – bên kia” vẫn len lỏi chia đôi dòng sông Thạch Hãn?
Ngày ấy ở miền Nam, gia đình, dòng họ nào chả có người mặc áo lính, không phía bên này thì phía bên kia. Chiến tranh đã bắt họ cầm súng bắn vào những người anh em của mình, dù họ muốn hay không. Ngày nay, vào dịp tháng Bảy hàng năm, những người cựu chiến binh lại trở về Thành cổ, về nghĩa trang Trường Sơn, Đường 9…
Tôi đã thử hỏi họ một câu hỏi giống nhau: “Khi thắp hương cho đồng đội, các anh có oán trách những người lính Việt Nam Cộng hoà ngày đó đã bắn anh em của mình?”. Hầu như tất cả đều lắc đầu. Một số cựu binh còn ghé những ngôi mộ vô danh của người “Phía bên kia” trong Nghĩa trang Đường 9, thắp một nén nhang…
Những người lính đi qua cuộc chiến, đã khuất và còn sống, hiểu về thân phận con người trên chiến trường hơn chúng ta. Vì thế, họ vị tha và nhân hậu hơn…”.
Không thể không đặt ra câu hỏi: chúng ta đã bắt tay với những quốc gia từng xâm lược đất nước mình, quên đi thù hận để nghĩ tới tương lai, tại sao lại sợ gọi một chứng tích chiến tranh đúng như tên của nó: Dinh Tỉnh trưởng?
Một dẫn chứng khác.
Trong tiết ngoại khóa ở tỉnh Bình Dương, học trò biết đến nhà truyền thống huyện Phú Giáo, tọa lạc tại khu phố 2, thuộc Phước Vĩnh, tỉnh Bình Dương. Không học trò nào biết thêm về tên gọi của nơi đây gắn với thăng trầm lịch sử: Dinh Tỉnh trưởng Phước Thành.
Theo giới thiệu, vào năm 2001, Dinh Tỉnh trưởng Phước Thành được tu sửa và trở thành trụ sở hành chính, nơi tuyên truyền giáo dục truyền thống tại Phú Giáo, được đi vào hoạt động từ 2005 và trở thành điểm đến thu hút du khách gần xa.
Trở lại với thành phố Kon Tum, rằng là có phải vì thiếu thốn ‘quỹ đất sạch’ nên chính quyền chọn ‘giải tỏa’ Dinh Tỉnh trưởng Kon Tum?
Hồi cuối quý 4 năm ngoái, Thanh tra Chính phủ đã ban hành thông báo kết luận thanh tra việc thực hiện pháp luật quản lý, sử dụng đất đai và quản lý, đầu tư xây dựng, thanh tra các dự án, công trình có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị và thanh tra việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại khu vực đô thị trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Kết luận nêu trên có đoạn cho thấy quỹ đất nơi đây không hề thiếu nên chính quyền tỉnh này đã dễ dãi chia chác nhau:
“Tại thành phố Kon Tum, việc phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị còn tùy tiện, vi phạm Luật Quy hoạch đô thị 2009, Luật số 35/2018/QH14 ngày 20-11-2018 về sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch.
Việc cấp phép xây dựng còn vi phạm Luật Xây dựng 2014, còn buông lỏng quản lý đất đai và quản lý trật tự xây dựng, để xảy ra tình trạng phân lô bán nền trái pháp luật; công dân sử dụng đất sai mục đích, cho công ty cổ phần Trường Long đổ thải trái pháp luật.
UBND thành phố có dấu hiệu cố ý làm trái quy định, làm đường sai vị trí để thửa đất của bà Nguyễn Thị Ánh (vợ nguyên Bí thư thành phố Kon Tum) có 4 mặt tiền; UBND thành phố ban hành phương án 12 để hợp thức hóa (chuyển mục đích sử dụng đất, cấp phép xây dựng) cho việc xây dựng không phép trên đất nông nghiệp còn vi phạm Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27-11-2017”.
… Có lẽ chừng nào khai lý lịch mà không phải ghi: “Trước 1975 làm gì, ở đâu?”, thì mới thực sự hòa giải, hòa hợp dân tộc, và “Dinh Tỉnh trưởng” khi ấy cũng không còn là chỉ dấu của nhạy cảm chính trị nữa.