VNTB – Sao không là tội vu khống?

VNTB – Sao không là tội vu khống?

 

Định Tường

 

(VNTB) – Nhà báo tự do Nguyễn Hoài Nam bị Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM truy tố về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

 

Ngày 18-2, Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM cho biết đã ban hành cáo trạng truy tố bị can Nguyễn Hoài Nam (49 tuổi, từng làm phóng viên tại một số cơ quan báo chí) về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, quy định tại điều 331 Bộ luật hình sự 2015, khung hình phạt từ 2 – 7 năm tù.

Theo kết luận điều tra của vụ án, thì sau khi nhà chức trách có kết luận điều tra vụ án hình sự số 50/KLĐT(C01-P4) và chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án đến Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị truy tố đối với 3 bị can Phạm Văn Thông (Giám đốc Ban quản lý dự án), Vũ Mạnh Hùng (Trưởng phòng Kế hoạch – đầu tư, cùng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam) và Trần Đức Hải (Phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam) theo quy định, thì với tư cách là nhà báo phanh phui vụ án này, ông Nguyễn Hoài Nam không đồng tình.

Thời điểm này, ông Nguyễn Hoài Nam không làm việc chính thức ở tòa soạn nào. Tài khoản cá nhân mạng xã hội của ông Nguyễn Hoài Nam, với tư cách là một nhà báo tự do, ông cho rằng sở dĩ hành vi sai phạm trong vụ án kể trên xảy ra ở Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đối với của ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã không phải chịu khởi tố vì có sự bao che của trung tướng Trần Văn Vệ và một số điều tra viên thuộc Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an.

Sau đó, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao kết luận tố cáo của ông Nam là sai, đồng thời cũng trả lời ông Nam với nội dung chưa phát hiện dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp như nội dung ông Nam tố cáo.

Nhưng ông Nam vẫn tiếp tục có đơn thư, đăng tải các bài viết tố cáo ông Trần Văn Vệ và các điều tra viên thụ lý vụ án.

Tháng 12-2020, ông Trần Văn Vệ và ông Trần Văn Quân (điều tra viên thuộc Cục C01) có đơn tố giác về tội phạm gửi Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an tố cáo ông Nguyễn Hoài Nam.

Đến ngày 3-42021, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM có thông cáo báo chí về việc đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam ông Nguyễn Hoài Nam (ngụ TP.HCM) để điều tra về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo điều 331 Bộ luật hình sự 2015.

Điều 331 Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017, có hiệu lực thi hành ngày 01-01-2018 quy định về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân như sau:

“1- Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2- Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm”.

Bình luận về điều luật 331, một luật sư và cũng là nhà báo đang làm việc tại Sài Gòn, nhìn nhận đến nay không có quy định “xâm phạm” là cụ thể như thế nào và ở mức độ nào thì mới cấu thành tội phạm.

“Cần phải có hướng dẫn cụ thể thế nào là “lợi dụng quyền tự do dân chủ” trong quá trình triển khai áp dụng, từ đó tránh ngăn chặn sự tuỳ tiện từ phía các cơ quan chức năng, xâm hại đến quyền tự do dân chủ của cá nhân. Bởi cấu thành của tội này rất định tính, các quyền tự do dân chủ của cá nhân có thể bị xâm hại bất cứ lúc nào, đặc biệt trong bối cảnh Đảng và Nhà nước ta chủ trương tăng cường dân chủ và phản biện xã hội trong hoạt động quản lý nhà nước” – vị luật sư – nhà báo nói trên ý kiến.

Nếu vụ việc nhà báo Nguyễn Hoài Nam là xuất phát từ đơn tố giác về tội phạm của ông Trần Văn Vệ và ông Trần Văn Quân, thì ở đây cần được xem xét về tội vu khống quy định tại điều 156 của Bộ luật hình sự. Bởi đối tượng bi vu khống của tội này không phải là pháp nhân hay một nhóm người, mà là con người cụ thể.

Theo quy định của Bộ luật hình sự, thì vu khống người khác là việc “Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác”; hoặc “Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền”.

Người phạm tội này có hành vi đưa ra những thông tin không đúng sự thật, gây ảnh hưởng xấu đến người khác. Việc đưa ra những thông tin nói trên có thể dưới dạng truyền miệng, qua các phương tiện thông tin đại chúng hoặc qua thư từ, đơn tố giác,…

Dĩ nhiên trong trường hợp nhà báo Nguyễn Hoài Nam hầu tòa và đưa ra các chứng cứ cho thấy ông không hề vu khống tướng Trần Văn Vệ và điều tra viên Trần Văn Quân, thì khi ấy quả tình sẽ thành ‘khó xử’ theo cả nghĩa đen lẫn bóng.

Trong khi đó thì nếu ‘vận dụng’ điều luật 331, thì hai cá nhân Trần Văn Vệ và Trần Văn Quân sẽ ‘đóng vai’ đại diện cho người thi hành công vụ, tức đại diện lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của Cơ quan điều tra Bộ Công an, và mọi chuyện sẽ dễ dàng cho ‘ra roi’ phán xử hơn nhiều lắm…


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)