Việt Nam Thời Báo

VNTB – Sẽ sửa đổi quyền sở hữu về đất đai?

Hồng Ngự

(VNTB) – Cần phải thay đổi về quyền sở hữu đất đai, có nghĩa là chấp nhận những ông chủ tư nhân được quyền sở hữu ruộng đất cò bay thẳng cánh.

 

Ngành nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức trên con đường hội nhập, mà rào cản lớn nhất chính là vướng mắc về thể chế chính sách đất đai manh mún, sản xuất không bền vững…

Do vướng hàng rào ‘hạn điền’ nên các năm qua nhiều doanh nghiệp có tiềm lực muốn mở rộng quy mô sản xuất nhưng không được. Trong khi đó, diện tích đất sản xuất không hiệu quả, gây lãng phí tài nguyên đất vẫn còn rất lớn.

Trước thực tế này, trong khi chờ đợi giải pháp về thể chế, một số địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Đồng Tháp đã đưa ra nhiều cách giải quyết, chẳng hạn như khuyến khích phát triển kinh tế tập thể, nhất là hợp tác xã kiểu mới; khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã thuê đất để mở rộng quy mô…

Tuy nhiên, đúng là thực trạng tích tụ đất đai nhiều năm nay vẫn chưa có bước đột phá đáng kể” – tân Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Lê Minh Hoan nhắc lại điều mà ông từng trăn trở khi còn là Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp.

Chúng ta đang xử lý một mâu thuẫn, đó là “muốn tích tụ ruộng đất để có quy mô sản xuất lớn hơn”, trong khi đó, việc chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm cho khu vực nông thôn dẫn đến một bộ phận không nhỏ nông dân không còn ruộng đất sau khi tích tụ.

Đây là mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và giải quyết những vấn đề xã hội nông thôn. Mâu thuẫn này sẽ được giải quyết khi chính sách thu hút doanh nghiệp nông nghiệp về nông thôn, doanh nghiệp khởi nghiệp đủ mạnh; đồng thời việc hình thành các chuỗi ngành hàng nông sản sẽ tạo ra nhiều việc làm trong các khâu bảo quản, sơ chế, chế biến, đóng gói bao bì, phát triển logistics… “Ly nông mà không ly hương” là vậy” – ông Lê Minh Hoan diễn giải.

Thật ra thay vì dài dòng lập luận với những câu từ ‘rào trước – đón sau’, vấn đề chính ở đây là cần phải thay đổi về quyền sở hữu đất đai; có nghĩa là chấp nhận những ông chủ tư nhân được quyền sở hữu ruộng đất cò bay thẳng cánh – tức là ‘tích tụ ruộng đất’ để làm ăn lớn như các ông chủ điền, ông hội đồng ngày trước.

Ông Lê Minh Hoan dẫn chứng câu chuyện ở tỉnh Đồng Tháp: Khi tích tụ theo hướng hình thành chuỗi ngành hàng, sẽ tạo ra nhiều việc làm, một bộ phận nông dân không còn trực tiếp làm nông nghiệp sẽ trở thành những người làm phi nông nghiệp trong chuỗi ngành hàng. Ngoài ra, với chính sách thu hút doanh nghiệp về nông thôn, doanh nghiệp khởi nghiệp, phát triển du lịch nông nghiệp… sẽ tạo ra nhiều việc làm ở nông thôn.

Một bộ phận còn lại được đào tạo nghề phi nông nghiệp để có thể tự tạo việc làm, đi làm việc ở các khu công nghiệp có thu nhập cao hơn hoặc tham gia lao động có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Đồng Tháp đang đẩy mạnh các chương trình này và đạt được nhiều kết quả tích cực trong những năm vừa qua.

Giải pháp mang tính trung dung được đề xuất trong cách hiểu về sự thay đổi quyền sở hữu đất đai nông nghiệp nhằm tránh cả bi kịch Đồng Nọc Nạn thời Pháp thuộc, và Đồng Tâm ở thời thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, là nếu tư nhân thiết tha muốn có đất cho sản xuất nông nghiệp, có khả năng quản lý, thì nên để cho họ tích tụ càng nhiều đất đai càng tốt, còn để đầu cơ thì không nên.

Vấn đề là khuyến khích ai tích tụ đất đai, chính sách đất đai cần quy định đúng đối tượng được phép tích tụ. Đất nông nghiệp trước hết tích tụ để phục vụ cho phát triển nông nghiệp, qua đó sẽ tăng thu nhập cho người nông dân. Giới hạn tích tụ đất đưa ra là để bảo vệ sản xuất nông nghiệp. Để thúc đẩy quá trình này diễn ra nhanh chóng, đối với nông dân địa phương có nhu cầu phát triển kinh tế trang trại cần khuyến khích họ mua lại quyền sử dụng đất từ các hộ nông dân khác, còn với doanh nghiệp nên khuyến khích họ thuê lại đất của nông dân vì chi phí mua đất quy mô lớn sẽ rất cao.

Hình thức này đang khá phổ biến trên thế giới, quyền sử dụng đất là tài sản, nông dân có tài sản không dùng thì hoàn toàn có thể cho doanh nghiệp, nhà đầu tư thuê lại.

Mặt khác, khi đã coi quyền sử dụng đất là quyền tài sản của nông dân được lưu thông trên thị trường thì không nên giới hạn về không gian, thời gian, cách thức mua bán theo thị trường. Có thể có sự can thiệp của Nhà nước ở mức tối giản, theo hướng thủ tục thực hiện phải minh bạch, tránh việc sử dụng vũ lực bất chấp luật định như vụ “Vườn rau Lộc Hưng”.

Tin bài liên quan:

VNTB – Chính phủ cần nhìn nhận về quyền đa sở hữu đất đai

Phan Thanh Hung

VNTB – Đích thị là lỗi tại dân

Phan Thanh Hung

VNTB – Gãy đổ chuỗi sản xuất vì giãn cách quá dài

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo