Hàn Lam
(VNTB) – Cảng Cần Giờ sẽ bổ sung tiềm năng, tương hỗ đưa khu vực này (cả Cái Mép – Thị Vải) trở thành một trung tâm trung chuyển quốc tế tầm cỡ thế giới.
Theo UBND TP.HCM, vị trí dự kiến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ nằm tại khu vực cù lao Con Chó ở cửa sông Cái Mép – Thị Vải, trong vịnh Gành Rái, gần các tuyến hàng hải quốc tế đi qua Biển Đông. Cảng thuộc vùng kinh tế động lực phía Nam, là vùng kinh tế năng động nhất của Việt Nam nên có nhiều thuận lợi để thu hút hàng hóa qua cảng và hàng hóa trung chuyển quốc tế.
Ngày 23-8-2023, UBND TP.HCM đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về đề án nghiên cứu cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Rộng đường dư luận, VNTB xin trích tóm lược giới thiệu nội dung về đề án được gửi trình này.
Vì sao chọn Cần Giờ?
Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22-9-2021 của Thủ tướng Chính phủ đã quy hoạch và xác định mục tiêu đối với cảng trung chuyển quốc tế tại Việt Nam.
Các khu bến cảng có quy hoạch chức năng trung chuyển quốc tế theo Quyết định số 1579/QĐ-TTg, đến nay đều chưa có nhà đầu tư nào, đặc biệt là hãng tàu – điều kiện tiên quyết để hình thành cảng trung chuyển quốc tế cam kết về đầu tư, xây dựng và kế hoạch khai thác.
Trong bối cảnh đó, huyện Cần Giờ – Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có điều kiện để phát triển cảng biển thành cảng cửa ngõ quốc gia và trung chuyển quốc tế trên cơ sở các tiền đề cơ bản như: vị trí địa lý nằm ngay cửa sông Thị Vải – Cái Mép, gần với tuyến hàng hải quốc tế từ Châu Âu, Trung Đông qua khu vực Bắc Á và Châu Mỹ; Sông Thị Vải – Cái Mép là con sông giáp cửa biển có đặc điểm sâu, khá rộng và ít bị bồi lắng, cho phép các tàu có tải trọng lớn ra vào thuận lợi; Thành phố Hồ Chí Minh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam – vùng kinh tế năng động nhất cả nước,…
Do đó, việc gom hàng từ các cảng trong nước nói chung, trong vùng kinh tế động lực phía Nam nói riêng, và tại các quốc gia lân cận, đặc biệt là Cambodia sẽ rất thuận lợi.
Ngoài ra, ngày 26-9-2022 Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Nghị quyết 12-NQ/TU về định hướng phát triển huyện Cần Giờ đến năm 2030. Theo đó Thành ủy đã chỉ đạo: “Thu hút đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác cảng biển tổng hợp, chuyên dùng, cảng hành khách quốc tế, cảng container trung chuyển quốc tế,…”.
Cộng hòa Pháp cam kết hỗ trợ
Theo báo cáo của Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn tại văn bản số 235/CSG-HĐQT và hồ sơ đề xuất dự án sơ bộ gửi kèm văn bản này thì ngày 04-11-2021, trong khuôn khổ chương trình kết nối doanh nghiệp tại Cộng hòa Pháp, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn (SGP) – đơn vị thành viên của VIMC đã ký kết và trao thỏa thuận Khung Hợp tác với Công ty Mediterranean Shipping (MSC) và Terminal Investment Limited Holding S.A. (TiLH) (đơn vị thành viên của MSC) trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển và dịch vụ logistics.
Qua khuôn khổ chương trình kết nối doanh nghiệp tại Cộng hòa Pháp và Thỏa thuận Khung Hợp tác đã ký kết giữa các bên, Tập đoàn MSC & TiLH khẳng định mong muốn hợp tác với VIMC và Cảng Sài Gòn trong đầu tư phát triển dự án Cảng Trung chuyển Quốc tế Cửa ngõ tại Cần Giờ.
Thỏa thuận Khung Hợp tác (MOU) đánh dấu bước phát triển mới trong mối quan hệ đối tác chiến lược giữa VIMC/ Cảng Sài Gòn và Tập đoàn MSC/ TiLH, mở ra cơ hội để VIMC và MSC cùng mong muốn hợp tác phát triển các dự án cơ sở hạ tầng cảng biển và dịch vụ logistics tại Cần Giờ Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung.
Bên cạnh đó, việc hợp tác với hãng tàu container lớn nhất trên thế giới với sự đảm bảo về sản lượng hàng hóa sẽ là cơ sở để VIMC và Cảng Sài Gòn đẩy mạnh phát triển hệ thống cảng biển đặc biệt là các cảng nước sâu, cảng trung chuyển, trung tâm logistics tại Việt Nam.
Vận tải container tại cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh
Theo số liệu thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, sản lượng hàng qua cảng biển thành phố Hồ Chí Minh năm 2022 là 733,18 triệu tấn, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 8,4%/năm, và cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu (khu vực Cái Mép Thị Vải) là 106,7 triệu tấn, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 15%/năm.
Trong giai đoạn này cũng cho thấy sự dịch chuyển hàng hóa trong Nhóm 4, từ cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh sang cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu. Cụ thể, tỷ trọng hàng hóa qua của cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh giảm từ 61,8% (năm 2015) xuống còn 55,1% (năm 2022). Trong khi đó, tỷ trọng hàng hóa qua cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu đã tăng từ 31,7% (năm 2015) lên 36,6% (năm 2022).
Trong nhóm cảng biển Đông Nam Bộ hầu như chưa khai thác trung chuyển hàng hóa quốc tế, trong năm 2021 chỉ trung chuyển 324.584 Teu hàng container, đạt tốc độ tăng trưởng 2,5% so với năm 2020, trong đó chủ yếu là trung chuyển hàng cho Campuchia (chiếm 75%) và hàng trung chuyển từ tàu mẹ sang tàu mẹ (chiếm gần 19%), còn lại là trung chuyển khác.
Các hãng tàu đang quan tâm đến Cần Giờ
Tin tức từ Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế Cảng – Kỹ thuật biển Port Coast cho biết hãng tàu lớn nhất thế giới MSC mong muốn tham gia hợp tác đầu tư. Ngoài ra các nhà khai thác cảng và các hãng tàu lớn khác đang khai thác hàng hóa tại khu vực Cần Giờ – Cái Mép – Thị Vải như Hutchison Port Holding; tập đoàn PSA; tập đoàn SSA Marine; hãng tàu Maersk lines; các hãng tàu MOL, Hanjin và Wanhai; hãng tàu CMA-CGM; tập đoàn DP World; hãng tàu Yangming lines cũng đang quan tâm đến dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Một số lý do được Port Coast nhắc đến cho giải thích về sức hút của dự án cảng Cần Giờ: Kinh tế và lượng hàng của Việt Nam tăng trưởng khá; thuộc vùng kinh tế động lực phía Nam, là vùng năng động nhất nước, chiếm hơn 65% khối lượng container qua cảng Việt Nam; gần các tuyến hành hải quốc tế; có vị trí tốt trong mối tương quan với các cảng vệ tinh trong khu vực; đã tiếp nhận tàu container đến 24.188 Teu; có dự trữ khu vực phát triển cảng container tiếp nhận tàu trọng tải lớn; đã có sự tham gia của các hãng tàu và nhà khai thác cảng hàng đầu trên thế giới; Việt Nam đã gia nhập WTO, TPP,…; có sự quan tâm, hỗ trợ tích cực của chính phủ và địa phương.
Bên cạnh đó thì, vẫn theo nhận định của Port Coast, dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đang đứng trước một số thách thức cụ thể, như là phải cạnh tranh với các cảng trung chuyển quốc tế khác hiện có và tương lai; phải cạnh tranh với sự phát triển của những cảng khác ở trong nước; kinh tế toàn cầu và ngành hàng hải, vận tải biển trên toàn thế giới mới dần phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Ngoài ra còn là sự cạnh tranh về thu hút hàng hóa trung chuyển quốc tế từ các nước trong vùng; khó khăn về vốn trong việc xây dựng mới, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông kết nối các cảng, các trung tâm logistics sau cảng; nguồn nhân lực phục vụ ngành dịch vụ hàng hải, cảng biển, ngành dịch vụ logistics trong vùng kinh tế động lực phía Nam còn thiếu và chưa đồng bộ…
+ Ảnh: Vị trí cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đối với các tuyến hàng hải quốc tế.