Nguyễn Nam
(VNTB) – Trên mạng xã hội đang ‘truyền nhau’ bản danh sách ứng viên cho dàn ‘nội các’ mới của đảng chính trị – quốc hội – chính phủ. Tuy nhiên lại không phân tích vì sao lại ‘cơ cấu’ nhân sự như vậy.
Rộng đường tham khảo, xin giới thiệu ở đây là một phân tích về cơ cấu nhân sự, qua góc nhìn của nhà báo Phạm Minh Mẫn vốn từng là thanh tra viên của Thanh tra Chính phủ. Ông Mẫn quê Thái Bình, hiện sống ở Sài Gòn.
Đến nay vẫn chưa rõ nhân sự Đại hội XIII sẽ nhất thể hóa chức danh tổng bí thư – chủ tịch nước (TBT- CTN) như Trung Quốc, Lào hay sẽ trở lại phương án Tứ trụ? TBT- CTN Nguyễn Phú Trọng từng bày tỏ quan điểm “quyền to thế (TBT kiêm CTN) ai kiểm soát nổi ông?”, và việc “kiêm nhiệm chức CTN (khi ông Trần Đại Quang qua đời) chỉ là tình thế trước mắt”. Như vậy ta ngầm hiểu sẽ có các chức danh theo hướng tứ trụ?
TBT- CTN vừa chủ trì một cuộc họp của Tiểu ban nhân sự Đại hôi XIII trước khi báo cáo Bộ Chính trị (BCT). Việc quy hoạch sắp xếp, dự kiến nhân sự là một quy trình vừa đóng vừa mở, thay đổi tùy theo diễn biến thời cuộc. Trường hợp ứng cử viên TBT Hồ Đức Việt – nguyên Trưởng ban Tổ chức trung ương (khóa XI) bị KO (nốc- ao) vào ngày cuối Đại hội trù bị là một ví dụ. Mọi sự còn trong vòng bí mật, vì thế, đừng ai vội tin những lạm bàn dưới đây…
A . Phương án tam trụ
1- Trần Quốc Vượng, sinh 1953, quê Thái Bình, ủy viên BCT, Thường trực Ban bí thư: ứng viên TBT – CTN.
Điểm cộng: ông Trần Quốc Vượng nằm trong “trường hợp đặc biệt” theo Quy định 214 của BCT (tuy quá tuổi nhưng vẫn tham gia BCT khóa tới). Đã có tiền lệ Thường trực Ban Bí thư lên chức TBT như ông Lê Khả Phiêu. Ông Trần Quốc Vượng được xem là trong sạch, liêm khiết, không bị điều tiếng về đời tư. Có quyết tâm chống tham nhũng cao, được TBT, CTN Nguyễn Phú Trọng ủng hộ.
Điểm trừ: Ông Trần Quốc Vượng chưa có thời gian luân chuyển làm lãnh đạo địa phương, uy tín chỉ mới nổi trong thời gian giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra trung ương, mới tham gia BCT gần trọn một nhiệm kỳ.
2- Vương Đình Huệ, sinh năm 1957, Quê Nghệ An, ủy viên BCT, Bí thư Thành ủy Hà Nội, ứng viên thủ tướng chính phủ.
Điểm cộng: Ông Vương Đình Huệ có thực học, có chuyên môn quản lý về kinh tế, tài chính (GS-TS Kinh tế). Ông đã kinh qua lãnh đạo bộ, ngành, địa phương (Tổng Kiểm toán Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng Chính phủ và Bí thư Thành ủy Hà Nội). Ông Huệ đủ độ tuổi có thể quy hoạch nguồn TBT hoặc CTN khóa XIV. Chưa bị tai tiếng về đời tư.
Điểm trừ: Tham gia chưa trọn một nhiệm kỳ BCT. Một số phát ngôn còn vội vã, hãnh tiến và chưa thật chuẩn (khi nói về tôn chỉ mục đích của báo chí).
3- Trương Hòa Bình, sinh 1955, quê Long An, ủy viên BCT, Phó thủ tướng Thường trực, ứng viên chủ tịch quốc hội.
Điểm cộng: Có chuyên môn về pháp luật (thạc sỹ luật), từng là Trung tướng Thứ trưởng Bộ Công an, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao. Thích hợp với cơ cấu nhân sự đại diện vùng miền.
Điểm trừ: Được nhận xét là xử thế trung dung, thiếu quyết đoán.
B- Phương án tứ trụ
Các ứng viên gồm:
1- Tổng Bí thư: Trần Quốc Vượng.
2- Chủ tịch nước: Trương Hòa Bình.
3- Thủ tướng Chính phủ: Vương Đình Huệ.
4- Chủ tịch Quốc hội có 2 ứng viên:
– Nguyễn Hoà Bình (sinh 1958, quê Quảng Ngãi, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Tối cao)
– Tòng Thị Phóng (sinh 1954, ủy viên BCT – Phó Chủ tịch thường trực quốc hội), nằm trong trương hợp đặc biệt theo quy định 241.
Sở dĩ trong danh sách tứ trụ khoá tới tôi không đưa tên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, vì ông Phúc sinh 1954 đã quá tuổi như ông Trần Quốc Vượng và bà Tòng Thị Phóng, trong khi Quy định 214 khóa tới chỉ nêu 1 trường hợp đặc biệt. Nếu Ban Chấp hành trung ương chấp nhận 2 trường hợp đặc biệt thì ứng viên Chủ tịch nước dành cho ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Trương Hòa Bình vẫn là ứng viên Chủ tịch Quốc hội.
Các ứng viên chủ chốt khác:
– Trương Thị Mai, sinh 1958, quê Quảng Bình, ủy viên BCT, Trưởng Ban dân vận Trung ương: Ứng viên Bí thư Thành ủy Hà Nội. Phương án trung dung.
– Phạm Minh Chính, sinh 1958, quê Thanh Hoá, ủy viên BCT, Trưởng Ban tổ chức Trung ương, ứng viên Bí thư Thành uỷ TP.HCM. Phương án sốc nhiệt.
– Phan Đình Trạc, sinh 1958, quê Nghệ An, Bí thư trung ương đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, ứng viên Trưởng ban Tổ chức Trung ương.
– Hoàng Bình Quân, sinh 1959, quê Thái Bình, ủy viên Trung ương đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương, ứng viên Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.
– Nguyễn Văn Bình, sinh 1961, quê Phú Thọ, ủy viên BCT, Trưởng Ban kinh tế Trung ương, ứng viên Thường trực Ban Bí thư.
– Vũ Đức Đam, sinh 1964, quê Hải Dương, Uỷ viên Trung ương đảng, tái cử Phó thủ tướng.
– Võ Văn Thưởng, sinh 1970, quê Vĩnh Long, ủy viên BCT, ứng cử Trưởng ban Dân vận Trung ương. Phương án tế nhị.
– Phạm Bình Minh, sinh 1959, quê Nam Định, ủy viên BCT, tái ứng cử Phó thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ ngoại giao.
– Trần Cẩm Tú, sinh 1961, quê Hà Tĩnh, Bí thư Trung ương Đảng, tái ứng cử Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương.
– Lương Cường, sinh 1957, quê Phú Thọ, Bí thư trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục chính tr, ứng viên Bộ tưởng Bộ Quốc phòng.
Riêng trường hợp Đại tướng Tô Lâm, sinh 1959, quê Hưng Yên, ủy viên BCT, Bộ trưởng Bộ Công an, tôi không biết nên để ông làm ứng viên vị trí nào. Có thể ông Tô Lâm vẫn là Bộ trưởng Công an khóa tới hoặc phải “đi lên” như ông Trần Đại Quang, nhưng việc này khó xảy ra. Có người nói ông Tô Lâm sẽ về Ban Tổ chức Trung ương, cũng là một phương án. Nếu ông Tô Lâm thôi chức Bộ trưởng thì một trong hai Thượng tướng, Thứ trưởng Bùi Văn Nam và Lê Quý Vương sẽ là ứng viên.
“Vẫn còn hơn 365 ngày trái đất bận rộn quay quanh mặt trời nên mọi suy đoán vẫn chỉ là… suy đoán. Nhưng không ai cấm thử bàn luận việc nhân sự của thiên đình, coi như một kênh tham khảo ý kiến đảng viên cấp cơ sở. Ai phê phán đây là việc làm “cầm đèn chạy trước ô tô” thì tác giả xin nhận thiếu sót!” – ông Phạm Minh Mẫn, chia sẻ như một lời phi lộ.