VNTB – Tại sao không được dạy thêm?

VNTB – Tại sao không được dạy thêm?

Mai Lan (ghi)

(VNTB) – Giờ hãy đặt một câu hỏi khác: Tại sao giáo viên lại phải dạy thêm?

 

Có vài lý do, nhưng chung quy lại, là bởi tiền lương của họ không đủ trang trải cho cuộc sống hàng ngày. Đói thì đầu gối phải bò, tự “cứu mình” chứ biết trông chờ vào ai: tiền ăn, tiền học, tiền khám chữa bệnh, các loại thuế phí, điện nước xăng dầu.., đủ cả (mà lại luôn ở trạng thái tăng dần đều, trong khi tiền lương cứ lẽo đẽo theo sau). Rốt cuộc, họ đáng trách hay đáng thương?

Câu hỏi tiếp theo: Tại sao bác sĩ/ dược sĩ lại được mở phòng khám/ hiệu thuốc tư? Công chức ngành thuế lại được đi tư vấn thuế cho các doanh nghiệp; kỹ sư, cử nhân (số đã có biên chế trong cơ quan nhà nước) vẫn làm thêm đủ thứ việc liên quan đến lĩnh vực chuyên môn của mình; cán bộ nghiên cứu, khoa học, tuyên giáo… vẫn “đứng lớp” ngoài giờ hành chính để tăng thêm thu nhập…

Vậy thì sao? Đã cấm, đã lên án thì sao không cấm và lên án tất cả, lại bắt một mình ngành sư phạm phải “chay tịnh” và “giương cao ngọn cờ đạo đức”? Không lẽ người ở ngành khác mỗi tháng ăn hết 10 ký gạo, còn giáo viên chỉ ăn hết có 5 ký?

Lưu ý, về mặt pháp luật dân sự, dạy thêm là quyền lao động của thầy cô. Học sinh học thêm với những thầy cô dạy giỏi là tốt, nhưng cũng xử lý nghiêm những thầy cô dùng điểm số, sự khó khăn… để ép học sinh học thêm nhằm thu tiền.

Có góc nhìn thế này: Hãy nhìn vào các phong trào thi học sinh giỏi, tuyển sinh đầu cấp hay cuộc thi giành vé vào cổng trường đại học, độ khó trong các bộ đề vượt xa chuẩn kiến thức, kỹ năng cơ bản trong nhà trường phổ thông. Độ khó trong các bộ đề buộc học sinh phải bồi dưỡng kiến thức nâng cao, thực hành luyện đề, giải đề rèn năng lực.

Và các lớp học thêm của những người thầy danh tiếng chính là môi trường bổ khuyết thêm phần còn thiếu hụt ấy để học sinh đáp ứng và phấn đấu cho những mục tiêu lớn trên con đường học hành!

Nếu xuất phát điểm của việc dạy thêm – học thêm là để bồi dưỡng kiến thức, rèn luyện kỹ năng nảy sinh từ chính nhu cầu của người học thì chúng ta hà cớ gì lại phê phán, chĩa mũi dùi lên án một cách kịch liệt và “vơ đũa cả nắm” như thế? Vấn đề ở đây phải chăng là phụ huynh và học sinh tùy theo năng lực của con trẻ mà có thể theo đuổi mục tiêu giáo dục trong các lớp học thêm!.

Nói một cách dung dị hơn, dạy thêm chỉ đáng lên án khi giáo viên dùng thủ thuật để kéo học trò về nhà. Còn dạy theo nhu cầu của phụ huynh thì chẳng việc gì đáng phải nhận điều tiếng.

Khoan hãy đổ tội cho thầy cô ém kiến thức để về nhà dạy, những giáo viên dạy nhiệt tình, tận tâm thì trong 45 phút có truyền tải nỗi, có quan tâm hết đến hơn 50 em học sinh trong lớp với đủ thứ trình độ khác nhau?

Chắc chắn điều đó là không thể!

Hơn 50 học sinh này nếu đi học thêm cũng phải chia ra nhiều nhóm học như nhóm học kiến thức nâng cao, nhóm học kiến thức căn bản, nhóm học phụ đạo những kiến thức còn hổng ở cấp dưới…

Mỗi nhóm học cỡ dăm em đến chục em là nhiều. Học như thế, các em mới học được những kiến thức mình cần.

Một phản biện khác được ghi nhận từ một ông thầy giáo đã nghỉ hưu, từng có thời gian dài cộng tác với trang Việt Nam Thời Báo, rằng ‘đắng cay’ lắm vì đã từ lâu, giáo dục nước nhà khập khiễng quá nên giờ tính toán gì cũng chông chênh.

“Nên xem lại hết việc cải cách giáo dục lần này đến lần khác có thật sự đã phù hợp chưa, hay là một cơ hội để kinh doanh sách giáo khoa?. Tại sao nhiều phụ huynh là kỹ sư, bác sĩ nhưng mở bài tập toán của con ra mà cứ loay hoay không biết cách giải thế nào cho đúng, vì không hiểu người ra đề muốn hỏi gì. Chính có thể xuất phát từ đây mà việc học thêm dạy thêm hiện nay không thể không có được (!?).

Đừng nhìn thấy việc học sinh đi học thêm nhiều mà lên án giáo viên. Họ chỉ đáng lên án khi vì đồng tiền mà bất chấp quy định dùng uy quyền ép buộc các em phải đi học” – ông thầy giáo hồi hưu nhận xét.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)