Ngọc Vân
(VNTB) – “Chất lượng định chế, đặc biệt là các định chế chính trị, quyết định sự thành công hay thất bại của các quốc gia.”
Mấy tháng qua, báo lề dân tốn không ít giấy mực cho Đại Hội 13. Kênh Youtube N10TV liên tục phát sóng về Đại Hội và các video của họ có hàng trăm ngàn người xem. Kênh Facebook LS Nguyễn Văn Đài hàng ngày đều có các clip về Đại Hội, clip nào cũng có hàng chục ngàn người xem.
Đảng cũng cho việc này là rất quan trọng. Đến độ họ phải bỏ ra hơn một ngàn tỉ cho việc này.
Người dân thì có lẽ đa số không quan tâm. Ở một khía cạnh nào đó, không phải họ không có lý. Nếu ông Phúc, thay vì ông Trọng lên làm Tổng Bí Thư, liệu thu nhập của họ có cao hơn không? Người dân Sài Gòn, Hà Nội, ra đường có đỡ phải ngửi khói bụi hơn không? Thực phẩm có sạch hơn không? Theo tôi, khó mà có thể khẳng định là có.
Nếu Đại Hội không ảnh hưởng một cách rõ ràng đến chất lượng của cuộc sống dân, thì là cái gì? Làm sao để một quốc gia có thể trở lên phồn vinh? Tại sao lại có sự khác biệt một trời một vực về thu nhập đầu người giữa Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số quốc gia khác như Việt Nam, Lào, Campuchia?
Ngày xưa, khi đa số các quốc gia dân chủ và thịnh vượng, Hoa Kỳ, Anh, Đức là những nước có đa số dân là người theo Đạo Tin Lành, có học giả cho rằng văn hóa Tin Lành là yếu tố quyết định sự phát triển thịnh vượng của một quốc gia. Trong số các học giả này, có Weber, một tác giả nổi tiếng người Đức. (2) Sau này, khi các quốc gia như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý cũng trở thành những nước dân chủ và thịnh vượng, có người cho rằng văn minh Thiên Chúa Giáo là yếu tố quyết định. Người khác lại cho là dân chủ và thịnh vượng hợp với văn minh của người Da Trắng. Đến khi Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan bắt kịp các nước trên thì nhiều người … không biết giải thích sao.
Ở Việt Nam, cũng có nhiều ý kiến trái ngược nhau. Có người cho rằng chúng ta nên … chờ một minh quân. Một người sẽ đưa dân tộc ra khỏi cảnh lầm than. Vấn đề với cách giải thích này là chúng ta đã chờ minh quân hơn bốn ngàn năm rồi và chưa bao giờ dân tộc được hưởng cảnh thái bình, thịnh vượng dài lâu. Có thể có một lúc nào đó trong quá khứ có những vị minh quân. Khổ nỗi sau đó họ truyền ngôi cho con, cháu của họ và nếu những kẻ đó là bạo chúa thì dân lại khổ.
Một số ý kiến khác thì cho rằng nên nổi xuống đường, lật đổ chế độ cộng sản, thiết lập chế độ dân chủ. Dân chủ thực sự thường đi đôi với phồn vinh. Tuy vậy, nếu định nghĩa dân chủ là có bầu cử tự do thì rất nhiều nước có dân chủ nhưng vẫn nghèo. Gần Việt Nam có Philippine, ở Phi Châu thì có nhiều những nước như vậy.
Để bác lại, có người cho rằng việc xuống đường lật đổ chế độ là rất nguy hiểm. Họ đưa ra những hình ảnh ở Syria, Yemen, Ai Cập để làm bằng chứng.
Có người lại nói “đất nước có bao giờ được thế này chưa?” Có lẽ ngụ ý thế này là tốt lắm rồi, không nên than phiền gì cả. Ngồi ăn sáng hay uống cafe ở vỉa hè ở Sài Gòn, Hà Nội và những đô thị khác, nhìn thấy những người già, trẻ em bán vé số, ăn xin, những ai đã nhìn thấy cảnh trẻ em đi học ở vùng cao chắc không thể đồng ý với nhận định này.
Nếu tất cả những điều trên đều không đúng thì cái gì là yếu tố quyết định sự thịnh vượng của các quốc gia?
Đến nay, một cách giải thích được nhiều học giả cũng như giới bình dân quan tâm được giáo sư Daron Acemoglu đưa ra. Ông viết nhiều công trình nghiên cứu về kinh tế chính trị về nguồn gốc của sự thịnh vượng cũng như nghèo khó của các quốc gia. Ông cho rằng chất lượng định chế, đặc biệt là các định chế chính trị, quyết định sự thành công hay thất bại của các quốc gia.
Trong phần đầu quyển sách, tác giả giới thiệu hai thành phố có cùng tên là Nogales, nằm sát nhau. Một nằm ở Mexico, một nằm ở Hoa Kỳ. Cả hai bên đều có đa số dân số là người Mễ. Một cách ngắn gọn, dân tộc, văn hóa, điều kiện khí hậu giống y như nhau. Tuy vậy một bên thì giàu, một bên thì nghèo.
Định chế nào là tốt, định chế nào là xấu? Mời bạn đọc theo dõi bài sau để biết thêm. Bạn nào biết, hoặc không đồng ý với ý kiến của giáo sư Acemoglu, có thể viết bài để đăng trên Việt Nam Thời Báo, hoặc góp ý với Ban Biên Tập hoặc bình luận.
Xin cảm ơn bạn đọc.
_________________
Ghi chú:
1 Tựa này được lấy từ tựa quyển sách Tại Sao các Quốc Gia Thất Bại của giáo sư Daron Acemogly, tại Đại Học MIT, Hoa Kỳ. Bạn đọc quan tâm có thể mua tại Sách Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại – FAHASA.COM
2 Weber, M. (2002). The Protestant ethic and the” spirit” of capitalism and other writings. Penguin.