Việt Nam Thời Báo

VNTB – Tại sao Thiền sư Thích Nhất Hạnh chọn về Việt Nam năm 2004? (*)

Âu Dương Thệ

 

(VNTB) – Thiền sư Thích Nhất Hạnh về thăm VN vào đúng dịp sau khi Bộ Chính trị ra „Nghị quyết số 36 (26.3.2004) về Kiều bào“ và chính phủ Hoa kì đưa chế độ CSVN vào danh sách  “những nước đáng quan tâm đặc-biệt” (15.9.04) vì đàn áp tôn giáo

 

 

 

LGT: Thiền sư Thích Nhất Hạnh vừa qua đời tại VN ngày 22.1.2022 thọ 95 tuổi. Ông là người đề xướng „Phật giáo dấn thân“, từng chống chiến tranh VN. Trong gần 40 năm  ở nước ngoài ông đã thuyết giảng ở nhiều nước về cách sống để có hạnh phúc theo Thiền Tông. Nên ông đã tạo được ảnh hưởng tốt trong một số giới ở Tây phương, những người hàng ngày phải đối diện với cạnh tranh gay gắt trong nhiều lãnh vực, nên tâm trí không được bình yên. 

Đầu năm 2005  ông đã trở lại VN vì tin rằng, những người cầm đầu chế độ toàn trị khi đó đang phải „mở cửa“ để „làm bạn với tất cả“, hòng cứu thoát chế độ sau khi Liên xô -từng là cứu tinh của CSVN- tan rã. Vì tin như vậy nên ông Nhất Hạnh đã bỏ nhiều công sức và cả uy tín để lập ra chùa Bát Nhã, một Làng Mai ở VN, với mục tiêu xây dựng một Tăng đoàn cho Thiền Tông ở VN, trong đó Thiền sư Vạn Hạnh là người lãnh đạo. 

 

Nhưng chỉ vài năm sau, sau khi đã đạt được một số mục đích chính trị khi ấy nhờ Washington giúp gia nhập WTO, những người cầm đầu toàn trị đã ra lệnh phong tỏa chùa Bát Nhã và đàn áp gần 400 tăng ni. Khi đó ông Nhất Hạnh mới ngộ raThật sự thầy chưa bao giờ tưởng tượng được là những viên chức của một chính quyền lại có thể sử dụng những cách hành xử bá đạo như vậy. Tiền đâu để họ thuê côn đồ? Đó có phải là tiền thuế mà dân nạp cho họ để họ có lương bổng để sống và để làm những việc thất đức như vậy? Tại sao lại giả danh Phật tử để đánh phá Phật tử, giả danh nhân dân để dối gạt và đàn áp nhân dân? Đạo đức cách mạng ở đâu? Tại sao mà đạo đức cách mạng lại bị phá sản tới mức tồi tệ đến thế?“ (Thư Thiền sư Thích Nhất Hạnh gửi tu sinh Bát Nhã — Tiếng Việt (rfa.org), 30.12.2009)

Nay cả ý nguyện cuối cùng chỉ muốn „Tâm Tang“ của Thiền sư cũng đang bị những người cầm đầu toàn trị dùng Giáo hội Phật giáo VN -cánh tay của  ĐCS- biến lễ tang có lợi cho chế độ độc tài: Giáo hội Phật giáo Việt Nam thông báo về lễ tang Thiền sư Thích Nhất Hạnh (baochinhphu.vn)Đoàn Mặt trận Tổ Quốc viếng tang, ghi nhận đóng góp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh (thanhnien.vn).

Trong mỗi giai đoạn đấu tranh, nhóm cầm đầu CSVN thường đưa ra MỤC TIÊU CHÍNH TRỊ GIAI ĐOẠN, trong đó họ hoạch định các chiến lược và các biện pháp, liên kết các lực (Đảng, quân đội, công an, Mặt trận) và lịch trình dự tính thực hiện. Có hiểu được như vậy mới thấy được các tính toán, mưu đồ trong từng giai đoạn đấu tranh của chế độ độc tài toàn trị.

Sau khi Liên xô sụp đổ vào cuối thập niên 80. Đỗ Mười, Nguyễn Văn Linh và Phạm Văn Đồng phải ngả vào lòng Bắc kinh tìm nơi nương tựa qua Hội nghị Thành đô (9.90). Nhưng đồng thời chuẩn bị cho mục tiêu mở cửa, „làm bạn với tất cả“. Trong đó ưu tiên là với Hoa kì và Liên minh Âu châu (EU) để thu hút các nhà tư bản Mĩ và Tây phương đầu tư vào VN, đồng thời chuyển trọng tâm thị trường xuất cảng sang các nước này. Đây là mục tiêu cứu Đảng để bảo vệ chế độ toàn trị. Mục tiêu tối ưu của họ vào giai đoạn đó là gia nhập WTO (World Trade Organisation -Tổ chức Thương mại Quốc tế), khi đó vẫn do Hoa Kì cầm chịch. Vì thế các vận động ngoại giao và kiều vận vào giai đoạn đó của chế độ toàn trị đều tập trung vào thực hiện mục tiêu chiến lược của giai đoạn là tranh thủ để vào WTO. Kiểm điểm lại lịch trình các hoạt động chính cho mục tiêu này của họ khi ấy bao gồm:

– 1.2003 Hội nghị Trung ương 7 (phần 2) Khóa 9 đã họp với chủ đề “đoàn kết dân tộc” và “tự do tôn giáo”

– 11.2003 Bộ trưởng Quốc phòng Phạm Văn Trà thăm Mĩ lần đầu sau 1975

– 3.2004 Bộ Chính trị ra „Nghị quyết số 36 về Kiều bào“

– 9.2004 Chính phủ Mĩ đặt VN vào trường hợp „các nước phải quan tâm đặc biệt vì đàn áp tôn giáo“

– 1.2005 Thiền sư Thích Nhất Hạnh về thăm VN lần đầu sau gần 40 năm phải sống ở nước ngoài, chuẩn bị lập Làng Mai tại chùa Bát Nhã

– 6. 2005 Thủ tướng Phan Văn Khải thăm Mĩ lần đầu tiên

– 11. 2006 Tổng thống Bush rút VN ra khỏi danh sách „các nước phải quan tâm đặc biệt vì đàn áp tôn giáo“ và thăm VN tham dự Hội nghị cấp cao APEC

– 1.2007 VN trở thành thành viên của WTO

– 8.2008 Công an tấn công chùa Bát Nhã và đàn áp gần 400 tăng ni của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

 

Các diễn tiến ngoại giao và nội trị trên đây cho thấy, có một sự sắp đặt khá rõ ràng của nhóm cầm đầu toàn trị CSVN trong giai đoạn này: Các đòn phép ru ngủ Kiều bào và các thủ đoạn „hòa“  với Hoa Kì để gia nhập WTO. Vì thế từ 2005 tới 2007 họ đã đón tiếp ân cần bề ngoài Thiền sư Thích Nhất Hạnh và mời Tổng thống Bush (con) sang thăm cuối năm 2006, đồng thời để VN gia nhập WTO. Nhưng khi họ đã đạt mục tiêu thì không cần cái mồi „đoàn kết“ và „tự do tôn giáo“ nữa. Thành thử Bát  Nhã đã bị phá, các tăng ni đã bị đàn áp!

Dưới đây là phần phân tích về động lực đã khiến Thiền sư Thích Nhất Hạnh quyết định về VN để tính thực hiện hoài bão lập Thiền Tông và thái độ vuốt ve bề ngoài của những người cầm đầu CSVN.  Phần này trích trong sách Việt Nam “Đổi mới” ? ! Hay: Treo đầu dê, bán thịt chó! Tập I (lulu.com), Chương 5/XVI, tr. 335-342, nhà xuất bản Lulu (Hoa kì) phát hành 2019 của người viết:

 

Nghị quyết số 36 của BCT về Kiều bào ngày 26. 3. 2004:

„Thương nhớ khúc ruột xa ngàn dặm!“

 

Gần 30 năm sau chiến thắng, những người thắng cuộc mới nghĩ tới mấy triệu người Việt sinh sống ở nước ngoài, trong đó đại đa số là nạn nhân của cuộc  nội chiến Bắc-Nam  do chính họ phát động với sự tiếp tay của các đồng minh hai bên. Ngày 26. 3. 2004 Bộ chính trị (BCT) đã công bố Nghị quyết (NQ) số 36 “Về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” (nguyên văn trên Nhân dân (ND) 30.3.04). Thứ trưởng ngoại giao kiêm Chủ nhiệm Ủy ban về người VN ở nước ngoài Nguyễn Phú Bình đã cho biết, “đây là NQ công khai đầu tiên về công tác người VN ở nước ngoài.”[1] Đó là kết quả của  Hội nghị Trung ương (HNTU) 7 (phần 2) Khóa 9 đã họp tháng 1.03. với chủ đề “đoàn kết dân tộc” và “tự do tôn giáo” (xem Chương năm, X. Nội tình: cán bộ cấp cao về hưu phê bình những người đang nắm quyền lực). 

Gần 30 năm sau họ mới đoái hoài tới kiều bào, nhưng không phải vì lòng thương tình đồng bào với nhau mà chính vì những tính toán để phục vụ nhiệm vụ chính trị của chế độ toàn trị trong giai đoạn trước mắt. Muốn vực dậy nền kinh tế gần như phá sản thì cần viện trợ, đầu tư và giao thương với phương Tây, đứng đầu là tư bản Mĩ, trong đó WTO là ưu tiên hàng đầu. Nhưng đồng thời cũng cần vận động nguồn kiều hối đang đạt mức ngang ngửa với tổng số các nguồn tài trợ của các cơ quan quốc tế, đặc biệt là trên một triệu người Việt di cư sang Mĩ từ sau 1975. Mặt khác họ biết rõ, thành phần này đang là sức cản lớn chống lại họ ở nước ngoài.

NQ số 36 có 4 phần: Tình hình kiều bào, chủ trương, nhiệm vụ, tổ chức thực hiện. NQ này chiếu cố tới gần 3 triệu người Việt ở nước ngoài, trong đó 80% sinh sống ở phương Tây và với trên một triệu người nhập cư Mĩ sau 1975. Đáng chú ý là, ngay trong phần đầu NQ của BCT đã không dám nhìn thẳng vào nguyên nhân đưa đến sự hình thành của các cộng đồng VN ở nước ngoài, nhất là sau 1975; lại chỉ nói vuốt đuôi theo giọng cha chú là, “đồng bào luôn luôn nuôi dưỡng, phát huy tinh thần yêu nước.” Không những thế BCT lại còn lên giọng nhân nghĩa giả dối, “Đảng và Nhà nước ta luôn luôn coi cộng đồng VN ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc VN…” Báo chí của chế độ còn gọi kiều bào là “khúc ruột xa ngàn dặm!” Ngôn ngữ vuốt ve này đối nghịch 100% với giai đoạn khi hàng triệu thuyền nhân đã bị đẩy ra khỏi nước sau 1975. Vì trái tim lạnh giá nên khi ấy những người cầm đầu chế độ toàn trị đã kết án họ là, những phần tử “chạy theo đế quốc, kẻ thù của dân tộc”. Nay kiều hối lên tới nhiều tỉ Mĩ kim hàng năm trở thành nguồn sinh tử cho chế độ khiến họ thay đổi thái độ, niềm nở, tâng bốc! Nhưng không phải chỉ toàn những lời đường mật. Vì bên cạnh “đoàn kết dân tộc” họ vẫn lên tiếng răn đe: “Giải quyết có tình, có lí và trên cơ sở đạo lí VN các vấn đề nhân đạo do lịch sử để lại nhằm thực hiện chủ trương đại đoàn kết dân tộc, đồng thời có biện pháp phù hợp đấu tranh với những biểu hiện cố tình đi ngược lại lợi ích dân tộc…”

Một thành phần quan trọng trong cộng đồng được chiếu cố là vài trăm ngàn chuyên viên người Việt ở nước ngoài. Những người này được hứa hẹn hợp tác trong hai lãnh vực, giúp các sứ quán của Hà nội (HN) trong việc môi giới với các giới kinh doanh và chính trị nước sở tại. Nhưng nhiều chuyên viên cũng cho biết, sau khi HN đã bắt được với các giới kinh doanh nước ngoài thì các chuyên viên VN lại bị bỏ quên. Thái độ vắt chanh bỏ vỏ của những người cầm đầu chế độ toàn trị rất quen thuộc. Vì thế vào những năm cuối đời ngay cả Mai Chí Thọ, cựu Ủy viên BCT, bộ trưởng Công an (CA) và em của Lê Đức Thọ, nhân dịp này cũng đã vạch rõ thái độ nhân nghĩa giả vờ của các đồng liêu trong dịp chuẩn bị ra đời NQ đoàn kết dân tộc trong HNTU 7 (phần 2) vào tháng 1.03, tiền thân của NQ 36: “Có chiến thắng rồi, chiếm lĩnh toàn quốc rồi thì mình coi khẩu hiệu hòa hợp dân tộc hết rồi.”[2] Mặt khác, họ còn hứa hẹn mời các chuyên viên người Việt ở nước ngoài về nước làm việc. Nhưng sau nhiều năm số chuyên viên về nước có thể đếm trên đầu ngón tay. 

NQ này còn nhấn mạnh tới việc HN bảo vệ quyền lợi của kiều bào. Bảo vệ thực sự thì hầu như không có, trái lại các sứ quán HN tại các nước trở thành nơi theo dõi những người chống đối và tham nhũng với các kiều bào trong các thủ tục gia hạn thông hành và nhập cảnh du lịch ở VN. Một thực tế khác là, hàng trăm ngàn thanh niên đang được các công ti xuất khẩu lao động của nhà nước đưa sang nhiều nước làm công dân rẻ tiền như ở Mã lai á, Đại hàn, Nhật và một số nước Ả rập. Nhiều nước này bạc đãi công nhân VN, nhưng hầu như các sứ quán VN không can thiệp. Trong thập niên 80 hàng trăm ngàn thanh niên VN đã bị xuất khẩu lao động đưa sang  các nước CS cũ như Liên xô, Đông Đức, Tiệp theo hợp đồng lao động giữa chế độ toàn trị ở VN với các nước này. Theo đó, những công nhân này được coi là làm công trả nợ cho các nước anh em thay cho chế độ toàn trị CSVN. Vì thế một phần quan trọng lương của họ đã bị trừ để trả nợ cho các nước này.

NQ của HNTU 7 (lần 2) về đoàn kết dân tộc và NQ 36 về kiều bào được BCT công bố ngày 26.3.04 được coi là biện pháp chuẩn bị cho kế hoạch chiếu cố tới dư luận chính giới ở  Hoa kì (HK) trong chính sách mở rộng ngoại thương, đầu tư và quốc phòng. Sự khai triển của NQ 36 như thế nào trong thời gian sắp tới sẽ trình bày phần sau. 

***

Đối với các tôn giáo, ngay đầu năm 2003, Hòa thượng (HT) Thích Huyền Quang -quyền Tăng thống Giáo hội Phật giáo VN Thống nhất (GHPGVNTN)-  đã ra HN chữa bệnh và viếng lăng HCM. Chiều 2.4.03 Thủ tướng (TT) Phan Văn Khải tiếp HT tại Văn phòng Chính phủ, nhưng chỉ nêu tên mà không nêu chức danh trong GHPGVNTN của HT và còn mỉa mai cho biết, “HT có nguyện vọng được đến chào TT.”[3] Từ đó HT Huyền Quang được coi như chấm dứt bị theo dõi cả chục năm, nhưng vẫn chưa hoàn toàn được tự do. Tiếp đó HT Quảng Độ ở Sài gòn cũng được trả tự do, nhưng vẫn bị phong tỏa. Theo tin của một Thượng tọa có úy tín ở Âu châu thì đã có những vận động của Mĩ và EU xuyên qua các sứ quán ở HN khiến chính quyền CSVN đã có những nhượng bộ tạm thời đối với GHPGVNTN nói chung và hai vị lãnh đạo của GH này.[4] Trong thời gian này HN đang vận động để mở rộng quan hệ quốc phòng với Mĩ. Bộ trưởng Quốc phòng Phạm Văn Trà đã thăm HK từ ngày 9.-12.11.03, đây là lần đầu tiên một bộ trưởng Quốc phòng VN tới thăm nước cựu thù.[5] Nhưng chỉ vài tuần trước khi phái đoàn Phạm Văn Trà thăm HK dường như để thử xem phản ứng của Tổng thống Bush trong giai đoạn tranh cử Tổng thống nhiệm kì 2 (2004-08), nhà cầm quyền CSVN đã không ngần ngại ngăn cản các phái đoàn tăng ni và phật tử chẩy hội về chùa Nguyên Thiều ở Bình định để gặp hai HT Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ bàn Phật sự và tổ chức Đại hội bất thường của PGVNTN từ 1977. Suốt từ cuối tháng 9 tới giữa tháng 10.03 công an nổi và chìm cùng các nhà cầm quyền địa phương đã tìm cách cản trở giao thông, đe dọa, giam giữ nhiều tăng ni, Phật tử ở Bình định, Huế-Thừa thiên, Sài gòn. Trong đó cao điểm là “Sự biến Lương sơn” bắt cóc các HT  Huyền Quang, Quảng Độ và Thượng tọa Tuệ Sỹ do Thượng tọa Thích Tuệ Sỹ tường thuật.[6] 

Ngày 19.11.03 Hạ viện Mĩ với đa số rất cao thông qua NQ H.R. 427 kết án đàn áp tự do tôn giáo ở VN, và NQ của Quốc hội Âu châu ngày 20.11.03 đặc biệt đối với GHPGVNTN qua vụ đàn áp ở Nguyên Thiều. Khi HT Quảng Độ cùng phái đoàn PGVNTN đi Bình định thăm HT Huyền Quang và bàn Phật sự ở chùa Nguyên Thiều.[7] Cũng vào thời gian HNTU 7 (phần 2) đưa ra chủ đề “đoàn kết dân tộc” và “tự do tôn giáo” chế độ toàn trị đã ưu ái để UB Đoàn kết Công giáo VN, một hội do ĐCS thành lập để tách khỏi GHCGVN,  tổ chức Đại hội 4 tại ngay Hội trường Ba đình vào đầu tháng 1.03. Họ còn để cho Chủ tịch của hội này là Linh mục (LM) Nguyễn Tấn Khóa gởi thư mời Tổng giám mục (TGM) Phạm Minh Mẫn, TGM giáo phận Sài gòn. Nhưng TGM đã từ chối và viết thư trả lời. Những điều nói trong thư cho thấy TGM muốn nói thẳng với nhóm cầm đầu chế độ về những tha hóa của con người và bi thảm của xã hội VN hiện nay, đặc biệt trong việc vi phạm tự do tôn giáo và chà đạp nhân quyền: “Khi tự do được coi như là quyền được làm bất cứ điều gì mình thích, bất cứ điều gì mà cảm tính của mình cho là có lợi trước mắt cho bản thân, cho phe phái, thay vì được coi như là quyền làm những gì mà lương tâm thấy được phép làm vì công ích, vì lợi ích của thế hệ hiện tại và mai sau. Khi tách lìa chân lí về phẩm giá con người, tự do chỉ còn là sự tùy tiện, hoặc ngẫu hứng của những kẻ có quyền lực và thế lực. Tự do như thế, thay vì đem lại an cư lạc nghiệp và hạnh phúc cho mọi người, có nguy cơ tạo ra những bất công chồng chất trong xã hội.”[8] 

Trong thư trả lời Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tại Sài gòn yêu cầu Giáo phận Sài gòn kêu gọi giáo dân đóng góp cho “Quĩ vì người nghèo” ngày 22. 2. 03 TGM Phạm Minh Mẫn cũng nói thẳng là, Giáo hội Công giáo (GHCG) không chờ Nhà nước kêu gọi mới nghĩ tới người nghèo, mà trái lại đây là nhiệm vụ và hoạt động thường xuyên của GH từ trước tới nay. Ông còn nhấn mạnh, không chỉ cứu giúp người nghèo, mà quan trọng hơn phải “giải quyết căn gốc của cái nghèo trên đất nước VN ngày nay.”[9]  

Bộ trưởng Ngoại giao HK Colin Powell thông báo ngày 15.9. 04 đưa chế độ CSVN vào danh sách “những nước đáng quan tâm đặc-biệt” (CPC, Countries of Particular  Concern) về mặt tự do tôn-giáo. Qui chế này cho phép HK hủy hoặc cắt viện trợ nhân đạo cho nước liên hệ. Điều này không chỉ liên quan tới nhân quyền và tôn giáo mà cả trong kinh tế, thương mại và ngoại giao giữa hai nước. Như chính phủ Mĩ có thể hủy bỏ ngân sách học bổng cho các sinh viên VN sang học ở HK. Việc này đụng trực tiếp tới nhiều cán bộ cấp cao của CSVN, vì phần lớn con em được học bổng thuộc thành phần con ông cháu cha. Chỉ hai tháng sau, cuối tháng 11.04 Chính phủ Bush còn cử các phái đoàn cao cấp bộ Ngoại giao và sứ quán Mĩ gặp hai HT Thích Huyền Quang ở Bình định và Thích Quảng Độ ở Sài gòn và Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang tại HN, một nhân sĩ dân chủ.[10]

Đây là những đòn cân não đối với HN. Liệu Washington làm găng hay chỉ lớn tiếng? Lúc đầu HN bề ngoài đã phản đối quyết liệt, như mời Phó đại sứ Mĩ lên bộ Ngoại giao và gởi thư phản đối tới Ngoại trưởng Powell.[11]  Nhưng chỉ ít ngày sau HN đã xuống nước. Trong cuộc họp báo ngày 24.9 phát ngôn viên bộ Ngoại giao Lê Dũng bảo rằng, „vấn đề quan trọng là phía HK cũng phải có những bước đi, những quyết định không ảnh hưởng tới sự phát triển trong quan hệ giữa hai nước.“[12] 

***

 

Công tác kiều vận để phục vụ nhiệm vụ ngoại giao, nhất là với HK, tiếp tục được chế độ triển khai âm thầm. Trong đó cho thấy họ không chỉ đánh mảng rộng mà còn chủ ý tập trung vào một số người có tên tuổi trong dư luận Mĩ và quốc tế khi ấy. Trong chính trị họ đã lôi kéo được cựu Phó tổng thống VN Cộng hòa tướng Nguyễn Cao Kỳ. Trong văn hóa- văn nghệ, nhạc sĩ Phạm Duy, từng được rất nhiều người hâm mộ các bản nhạc tình ca, tâm ca và tiền chiến rất trữ tình, mộc mạc nhưng đặc mầu sắc dân gian, cũng trở về VN. Đây là hai người tị nạn từ sau 1975. Động cơ trở về nước của họ phức tạp và đa diện. Nhưng nói chung có một số điểm giống nhau. Họ đều già trên 70 tuổi (ông Kỳ 1930-2011, Phạm Duy 1921-2013). Theo phong tục Á Đông, nhiều người về già muốn gửi thân xác trên quê hương. “Lá rụng về cội”, Phạm Duy đã xác nhận như vậy với VOV đầu 2009 trước ngày khai mạc đêm nhạc “Phạm Duy- Ngày trở về” ở Nhà hát lớn HN. Dịp này ông còn tâm sự về động cơ đưa đẩy ông trở về VN sinh sống từ 2005: “ Người nghệ sĩ kiêm sáng tác và biểu diễn như tôi, hình như bị một “con ma” ám ảnh. Tối nào không được đứng trên sân khấu thì buồn lắm. Cứ thế, đó là một ma lực, không cắt nghĩa được.”[13] Có lẽ động cơ về nước của ông Kỳ khác với Phạm Duy. Ông là người thích nổ, muốn được đề cao, đầu cơ chính trị, nên danh dự hay lập trường chính trị không phải là điều ông quan tâm trong suốt hơn một thập niên nắm giữ các vai trò từ Thủ tướng tới Phó tổng thống ở miền Nam. 

Động cơ họ quyết định về VN sinh sống mang tính cá nhân và gia đình. Nhưng chỉ có điều đáng nói ở đây là, họ đều là người của lịch sử, người của công chúng. Cho nên sau khi BCT ra NQ 36 họ trở về VN đã gây dư luận trong và ngoài nước là, chế độ toàn trị đã thành công thu phục được cả những người như vậy. Những người cầm đầu chế độ độc tài ở VN có thể dẫn chứng các trường hợp này để chứng minh với Tổng thống Bush và dư luận quốc tế là, đến cả cựu Phó tổng thống VNCH hay một nhạc sĩ tên tuổi của miền Nam trước đây cũng đã về sống thỏa mái tại VN, đâu có chuyện đàn áp người khác chính kiến hay văn nghệ sĩ!

***

Cũng thời gian này Thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng đã trở về VN tích cực hoạt động tôn giáo trong một thời gian. Trường hợp của ông đáng lưu ý ở một số điểm. Trong thời gian chiến tranh VN ông đã là tu sĩ chống chiến tranh nổi tiếng. Mặt khác, hoạt động tu hành, nhất là Thiền định có thể giải tỏa trí lực và tâm linh cho nhiều giới ở Âu-Mĩ, nhất là những giới có trình độ và có công ăn việc làm tốt. Vì cuộc sống ồn ào, náo nhiệt, cạnh tranh gay gắt trong các xã hội Tây phương khiến cho con người không được bình yên trong tâm hồn. Cho nên ông đã tạo được uy tín tốt trong các giới này. Chỉ sau vài tháng VN bị Hoa Kì xếp vào danh sách các nước được quan tâm đặc biệt vì tự do tôn giáo bị đe dọa, vào dịp Tết Ất Dậu Thiền sư Nhất Hạnh đã trở lại VN lần đầu tiên vào giữa tháng 1.05 sau gần 40 năm, theo lời mời của Ban Phật giáo Quốc tế của Giáo hội Phật giáo VN (GHPGVN).[14] Ông đã chọn hai địa chỉ tới chào mừng là GHPGVN (hay còn gọi là GHPG Quốc doanh) và Ban Tôn giáo CP. Vào ngày 17.1.05 tại chùa Quán sứ HN, HT Thích Thanh Tú, Chủ tịch Thường trực của Hội đồng Trị sự của GH này, đã giới thiệu với ông Nhất Hạnh về mục tiêu và hoạt động GHPGVN là “đạo pháp dân tộc và CNXH”. Còn Trưởng ban Tôn giáo CP Ngô Yên Thi đã nhấn mạnh với Thiền sư Thích Nhất Hạnh, “Đảng và Nhà nước VN trước sau như một tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng”. Ông Nhất Hạnh đã “cám ơn sự giúp đỡ tận tình của GHPGVN, đã tạo mọi điều kiện cho đoàn được thực hiện ước nguyện về thăm quê hương.” Với Ban Tôn giáo ông cho biết, “mong muốn lắng nghe, thấu hiểu tình hình đất nước; truyền đạt tâm tưởng của Phật giáo Thiền môn cho tăng ni, Phật tử trong nước…Việc Nhà nước… tạo điều kiện cho đoàn về thăm và thuyết giảng về pháp môn tu thiền…đã khẳng định chính sách rộng mở của VN đối với tín ngưỡng tôn giáo.” Qua đó cho thấy, các bên đã chuẩn bị chuyến thăm này từ lâu. Cuối tháng 1.05 ông vào Sài gòn, thăm Văn phòng II GHPGVN, Thiền viện Quảng Đức, chùa Ấn quang.[15] Ông được TT Phan Văn Khải tiếp tại Văn phòng CP và trở lại Pháp sau ba tháng thăm VN.

Trong ba chuyến thăm về VN từ 2005 Thiền sư Nhất Hạnh đã có chủ ý thiết lập một trung tâm Thiền tông ở VN. Vì chính ông là trưởng môn của Thiền tông ở Pháp và sau đó lập các chi nhánh ở Mĩ và Thái lan. Vì thế trong việc này ông đã có một số thỏa thuận với  Thượng tọa Thích Đức Nghi chủ trì chùa Bát nhã ở Bảo lộc tỉnh Lâm đồng để tăng thân Làng Mai xây dựng Bát Nhã thành một trung tâm tu học theo pháp môn Làng Mai tại Việt Nam. Trong thời gian đầu đã có tới khoảng 400 tăng, ni và cư sĩ về tu học Thiền tông tại đây. Nhưng từ giữa năm 2008 đã có sự bất đồng giữa hai bên và đã gây ra một số xung đột và cuối cùng công an đã dùng vũ lực đuổi hàng trăm tăng, ni và cư sĩ Thiền tông ra khỏi chùa Bát Nhã. [16] 

Nếu Thiền sư Nhất Hạnh tự tin là ông có thể hòa giải được giữa các giáo phái của PGVN và đặc biệt thuyết phục nhà cầm quyền CS để GHPGVNTN được tự do hoạt động thì có lẽ ông quá tự tin và đã quên sự thực về cách hành xử của CSVN với các tôn giáo từ trước tới nay. Nhưng có lẽ ông không có chủ ý này, vì giữa ông và một số nhà lãnh đạo PGVNTN đã có khác  biệt quan điểm từ lâu và trong các chuyến về VN ông không tiếp xúc với các vị này. 

Điều có lẽ gần với thực tế hơn, ông Nhất Hạnh về vào đầu năm 2005, chỉ vài tháng sau khi Mĩ xếp chế độ CS vào những nước phải theo dõi đặc biệt vì vi phạm tự do tôn giáo và vì thế đúng vào lúc Hà Nội phải mở cuộc phản công và tranh thủ vận động dư luận các nước Tây phương cho mục tiêu mở rộng giao thương với các nước Tây phương, đặc biệt với HK, trong đó ưu tiên hàng đầu là được làm thành viên WTO. Trong hoàn cảnh đó có thể những người cầm đầu toàn trị sẽ tìm cách hòa hoãn, ít nhất là bề ngoài. Điều này đã thể hiện rõ trong một số hành động của họ, như ra “Nghị quyết về đoàn kết dân tộc” từ HNTU 7/2 (1.03) và NQ số 36 về Kiều bào 26.3.04, như đã trình bày. 

Có lẽ hi vọng như thế nên thầy Nhất Hạnh đã về thăm VN để lập một chi nhánh Làng Mai ở VN, quê hương của mình. Vì ông là Trưởng tông của môn phái Thiền tông kiểu Làng Mai từ nhiều thập kỉ qua ở nước ngoài. Ông đã thành công ở Làng Mai tại Pháp và đã mở rộng sang Mĩ, Thái lan…Nếu đó là ý nguyện cá nhân của Thiền sư  thì đó là quyền của ông. Nếu là người yêu dân chủ tự do thì cần tôn trọng. 

Nhưng chỉ rất đáng tiếc là, Thiền sư Nhất Hạnh đã đặt hi vọng lầm vào chế độ toàn trị, chọn vào một thời điểm sai để thực hiện ước muốn riêng của cá nhân. Công lao nhọc nhằn của Thiền sư sau mấy chuyến về VN để tìm cách khuyên bảo nhà cầm quyền toàn trị cho thành lập một Thiền tông mới, nhưng chỉ mấy năm sau đã chỉ như con dã tràng xe cát! Giữa lúc các tăng ni, trong đó có cả những người từng cộng tác nhiều năm với ông, đang bị tù đày và giam lỏng thì ông lại tính lập Tông phái riêng ở trong nước và tin vào sự biết điều của những người cầm đầu toàn trị! 

Động cơ vị kỉ nhiều khi làm mất sự khôn ngoan cần thiết. Điều này không tốt đối với một cá nhân, lại càng không tốt với một nhà tu hành đã từng có uy tín! Vượt qua được bản ngã mới chính là người Phật tử theo lời dậy của Thích Ca. Ý nghĩa này cũng có giá trị với các tôn giáo khác![17]

__________________

Ghi chú:

(1) Nhân dân (ND) 1.4.04

(2) Mai Chí Thọ, trong “Ý kiến phát biểu của các đồng chí Cách mạng lão thành về dự thảo báo cáo  “phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân vì dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn   minh”, Dân chủ và Phát triển (DC&PT) số 28, 6.04, tr. 45

(3) ND 3.4.03

(4) Khi ấy vị Thượng tọa này đã cho tác giả biết như vậy, DC&PT số 27,12.03, tr. 30.32  

(5) 12-13.11.03; Nguyễn Ngọc Bích, chuyến thăm HK đầu tiên của một bộ trưởng Quốc phòng CSVN,     DC&PT số 27, 12.03, tr. 42-46.

(6) Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế, Paris; ND 9.11.03 trình bày hoàn toàn khác

(7) Nguyễn Ngọc Bích, sđd; Thẳng Thắn, chủ nghĩa “5T” muôn năm!, DC&PT số 27,12.03, tr. 68;  ND 21.11.03

(8) Thư đề 25.12.02, nhưng mãi đầu 2003 mới được công khai -Đỗ Mạnh Tri, thái độ của HĐGMVN  trước tình trạng hiện nay của đất nước, DC&PT số 27, tr. 34-41

(9) Đỗ Mạnh Tri, sđd

(10) Nguyễn Ngọc Bích, Nhân quyền: Mĩ đang đẩy Hà nội, DC&PT online 04

(11) TTXVN 16, BBC 21.9.04

(12) TTXVN 24.9.04

(13) VOV 27.3.09.

(14) ND 13.1.& 12.4.05

(15) ND 25.1.05

(16) http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/08/090806_batnha_update.shtml; http://vietnamnet.vn/chinhtri/200910/Khong-co-viec-ep-400-nguoi-roi-tu-vien-Bat-Nha-872719/ http://www.bbc.com/vietnamese/multimedia/2015/04/150402_phong_van_su_co_chan_khong_lang_ma

(17) Thiền sư Thích Nhất Hạnh trở lại VN từ cuối tháng 10.18 trong lúc sức khỏe rất yếu và tỏ ý muốn ở lại  cho tới khi viên tịch trên quê hương đã sinh trưởng, VNExpress 26.10.18

(*) Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả – Tựa do VNTB đặt.


 

 

Tin bài liên quan:

VNTB – Phạm Minh Chính chỉ đóng trò Nói vậy mà không là vậy thay cho Nguyễn Phú Trọng! (Bài 4)

Do Van Tien

VNTB – Phạm Minh Chính chỉ đóng trò Nói vậy mà không là vậy thay cho Nguyễn Phú Trọng! (Bài 3)

Do Van Tien

VNTB – Phạm Minh Chính chỉ đóng trò Nói vậy mà không là vậy thay cho Nguyễn Phú Trọng! (bài 2)

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo