Việt Nam Thời Báo

VNTB – Tại sao vaccine Tàu có hiệu quả thấp?

Nguyễn Tuấn

 

(VNTB) – Hình như có nhiều người ở Việt Nam (toàn giới có học khá) bảo vệ vaccine Tàu hơn cả giới khoa học Tàu! Trớ trêu. Giới khoa học Tàu công bố dữ liệu (theo tôi) là khá nghiêm chỉnh, và họ đâu có hung hãn bảo vệ vaccine của họ là tốt như vài người Việt đâu.

 

Những nước sử dụng vaccine Tàu đang trải qua một đợt dịch mới [1], và nhiều chuyên gia nghi rằng vaccine Tàu kém hiệu quả. Hoá ra, sự nghi ngờ này phù hợp với chứng cớ khoa học: lượng kháng thể và thời gian tồn tại của kháng thể với vaccine Sinopharm hay Sinovac đều thấp hơn so với vaccine Tây.

1. Hệ miễn dịch và kháng thể

Để hiểu chứng cớ khoa học, xin cho phép tôi giải thích ngắn gọn về cơ chế của hệ miễn dịch trong chúng ta. Ai cũng biết hệ miễn dịch có chức năng bảo vệ cơ thể chúng ta chống lại các mầm mống gây bệnh (như virus, bacteria). Cách hệ thống này bảo vệ là sản sinh ra một đội quân kháng thể, và kháng thể có nhiệm vụ tiêu diệt virus. Nói đơn giản vậy cho dễ hiểu, nhưng nếu muốn tìm hiểu thêm thì có thể đọc bài rất dễ hiểu này [2].

Có hai cách hệ miễn dịch sản sinh kháng thể: bị nhiễm virus và tiêm vaccine. Khi một người bị nhiễm nCov thì hệ miễn dịch người đó sẽ sản sinh ra kháng thể để chống trả lại virus trong tương lai. (Đó chính là lí do mà ông Thượng nghị sĩ Rand Paul nói rằng ông không tiêm vaccine vì đã bị nhiễm rồi). Do đó, vaccine chỉ là một cách để tạo ra kháng thể mà thôi. Và, lượng kháng thể trong cơ thể chúng ta là một ‘đội quân’ quan trọng chống nCov.

Cách thứ hai là tiêm vaccine. Nói ví von, vaccine có chức năng huấn luyện hệ miễn dịch chúng ta nhận ra ‘kẻ thù’ (virus, bacteria). Mỗi vaccine có một con virus đã bị làm suy yếu hay đã bị giết chết, hoặc một protein, hoặc một mảng RNA. Khi cơ thể chúng ta tiếp nhận vaccine, hệ thống miễn dịch nhận ra đây là những ‘kẻ ngoại lai’. Hệ miễn dịch phản ứng bằng cách sản sinh ra những tế bào kí ức và kháng thể nhằm bảo vệ chúng ta khỏi bị nhiễm trong tương lai. Nguyên lí của vaccine đơn giản như thế.

2. Hai yếu tố liên quan đến kháng thể

Do đó, hiệu quả của vaccine có thể đánh giá qua 2 khía cạnh: (a) lượng kháng thể trong cơ thể; và (b) thời gian mà lượng kháng thể đó tồn tại. Lượng kháng thể càng nhiều thì vaccine có hiệu quả càng tốt — đó là theo lí thuyết.

Nhưng nhiều cũng chưa đủ, mà lượng kháng thể phải tồn tại bao lâu để bảo vệ chúng ta. Nói cách khác, ‘kí ức’ của đội quân kháng thể này tồn tại bao lâu để còn nhận ra ‘kẻ thù’. Lượng kháng thể và thời gian là 2 yếu tố quan trọng.

Theo vài nghiên cứu mới công bố gần đây thì cả 2 khía cạnh này, vaccine của Tàu đều kém hơn vaccine phương Tây.

3. Lượng kháng thể: vaccine Tàu và vaccine Tây

Theo một nghiên cứu từ Hồng Kông (Lancet Microbe 15/7/2021) thì ở những người được tiêm 2 liều vaccine Pfizer, lượng kháng thể trong người cao gấp 10 lần so với 2 liều Sinovac [3].

Ngay cả một liều vaccine Pfizer lượng kháng thể cũng tương đường với 2 liều Sinovac (xem Biểu đồ 1). Xin nói thêm rằng những người tình nguyện này là nhân viên y tế.

Còn vaccine Sinopharm thì sao? Một nghiên cứu trên hơn 13,000 người tuổi 60+ ở Hungary; trong số này hơn 50% dùng vaccine Sinopharm. Họ dùng ngưỡng kháng thể tối thiểu 50 AU/ml để xem như là có ‘hiệu quả’ [4].

Kết quả như sau: gần 26% những người được tiêm vaccine Sinopharm không đạt ngưỡng đó, trong khi đó chỉ có 1.1 – 1.6% ở người được tiêm vaccine Pfizer và Moderna. Vaccine của Nga cũng khá, với tỉ lệ là 3.2%.

Kết quả phân tích [4] còn cho thấy mức độ bảo vệ của vaccine Sinopharm tương đối thấp ở người cao tuổi. Có đến gần 35% người trên 80 tuổi không có đủ lượng kháng thể chống lại virus. (Và, điều này rất nhứt quán với kết quả thử nghiệm lâm sàng mà tôi đã điểm qua trước đây, và tôi cũng nói không nên tiêm vaccine Sinopharm cho người cao tuổi).

4. Thời gian: vaccine Tàu và vaccine Tây

Đó là lượng, còn thời gian tồn tại của kháng thể thì sao? Một nghiên cứu khác (từ Tàu) chưa qua bình duyệt những đã công bố trên một trạm medRxiv [5], thì lượng kháng thể của vaccine Sinovac suy giảm xuống ngưỡng vô hiệu quả sau 6 tháng tiêm chủng. Ở những người được tiêm 2 liều Sinovac cách nhau 2 tuần, chỉ có 17% có lượng kháng thể trên ngưỡng có thể phát hiện sau 6 tháng. Nếu cách nhau 4 tuần thì tỉ lệ khá hơn: 35% sau 6 tháng (xem Biểu đồ 2).

Nói cách khác, sau 6 tháng thì chừng 65% đến 83% người được tiêm vaccine Sinovac không còn được bảo vệ. Hiện nay, chưa có dữ liệu này cho vaccine Sinopharm.

Còn vaccine phương Tây? Theo như một nghiên cứu (mới công bố dưới dạng preprint), hiệu quả của vaccine Pfizer [6] đạt đỉnh (96%) sau 2 tháng tiêm chủng, 84% sau 4 tháng, và giảm dần chừng 6% mỗi tháng. Nhưng chú ý nghiên cứu này chỉ theo dõi tình nguyện viên trong 6 tháng mà thôi.

Còn theo một nghiên cứu khác thì tác giả ước tính rằng vaccine Pfizer và Moderna có thể sản sinh đủ lượng kháng thể giúp hệ miễn dịch chống lại virus nhiều năm [7]. Xin nói thêm là nghiên cứu này được công bố trên Nature, đủ nói lên tầm quan trọng của phát hiện này ra sao.

***

Tóm lại, cả hai vaccine Tàu (Sinopharm và Sinovac) có lượng kháng thể thấp hơn (có thể thấp đến 1/10) so với vaccine mRNA như Pfizer. Ngoài ra, thời gian bảo vệ của vaccine Tàu (Sinovac) có vẻ ngắn hơn so với vaccine của Pfizer. Hai yếu tố này có thể là giải thích tại sao hiệu quả cộng đồng (effectiveness) của vaccine Sinovac và Sinopharm thấp, và giải thích một phần sự bộc phát dịch ở những nước dùng vaccine Tàu trong thời gian qua.

Bản dễ đọc hơn ở đây: https://nguyenvantuan.info/…/tai-sao-vaccine-tau-co…

PS: Có bạn cho rằng tôi chỉ trích dẫn dữ liệu ‘xấu’ về vaccine Tàu để nói lên thiên kiến của mình. Tôi nghĩ nhận xét như vậy là thiếu trách nhiệm. Tôi trích dẫn các nghiên cứu nghiêm chỉnh (và có tiêu chuẩn hẳn hoi), và tôi cũng chẳng có thiên kiến gì với mấy dữ liệu đó. Thật ra, chẳng có dữ liệu nào xấu hay tốt cả; dữ liệu từ nghiên cứu là thế, vấn đề là mình hiểu nó như thế nào, và để hiểu nó thì phải có một chút kiến thức về RCT và dịch tễ học. Nếu các bạn biết được nguồn dữ liệu nào tốt hơn thì hãy chia sẻ và diễn giải cho bà con biết, chớ nói ‘khơi khơi’ vậy thì rất ư là unprofessional.

Qua câu chuyện chung quanh vaccine Tàu, tôi thấy hình như có nhiều người ở Việt Nam (toàn giới có học khá) bảo vệ vaccine Tàu hơn cả giới khoa học Tàu! Trớ trêu. Giới khoa học Tàu công bố dữ liệu (theo tôi) là khá nghiêm chỉnh (ví dụ như 2 bài này [3, 5]), và họ đâu có hung hãn bảo vệ vaccine của họ là tốt như vài người Việt đâu. Ngay cả Giám đốc CDC của Tàu cũng nói vaccine của họ không có hiệu quả cao mà. Có lẽ điều này phản ảnh một phần sự khác biệt về văn hoá khoa học giữa Việt Nam và Tàu?

_______

[1] https://www.nytimes.com/…/china-vaccines-covid-outbreak…

[2] https://www.sciencedirect.com/…/pii/S1876034120305670

[3] So sánh lượng kháng thể giữa Sinovac và Pfizer: https://www.thelancet.com/…/PIIS2666-5247…/fulltext…

[4] So sánh lượng kháng thể giữa Sinopharm và Pfizer: https://budapest.hu/…/a-fovarosi-onkormanyzat-altal…

[5] Hồ sơ kháng thể của vaccine Sinovac: https://www.medrxiv.org/con…/10.1101/2021.07.23.21261026v1

[6] Hồ sơ kháng thể của vaccine Pfizer: https://www.medrxiv.org/…/2021.07.28.21261159v1.full.pdf

[7] https://www.nature.com/articles/s41586-021-03738-2


Tin bài liên quan:

VNTB – Thư ngỏ của Giáo sư Mạc Văn Trang gửi lãnh đạo TP. HCM

Phan Thanh Hung

VNTB – Sao lại khoái xét nghiệm kháng nguyên đến vậy nhỉ?

Phan Thanh Hung

VNTB – Vắc xin Trung Quốc: kẻ phá bĩnh chính quyền TP.HCM?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo