VNTB – “Tấm vé cuộc đời!” hay đòn thù?

VNTB – “Tấm vé cuộc đời!” hay đòn thù?

Nguyễn An Thư

 

(VNTB) – Giấy tờ tùy thân khai sinh, căn cước, hộ khẩu là vũ khí nguy hiểm nhất  chính quyền địa phương sử dụng để quản thúc và tước đoạt quyền sống, cắt đứt quan hệ với xã hội  của người không tuân phục.

 

Một bài viết trên trang mạng dangcongsan.vn ngày 22/3/2021 về hành trình tìm kiếm khó khăn suốt 30 năm mới có được tờ giấy khai sinh của anh Lê Quốc Dũng viết: “Với mỗi người, việc có một cái tên và một tờ giấy khai sinh sau khi được sinh ra là điều hết sức bình thường. Thế nhưng, điều bình thường ấy lại là một hành trình tìm kiếm khó khăn suốt 30 năm mới có được của anh Lê Quốc Dũng, hiện đang trú tại phường Bồ Đề, quận Long Biên, TP Hà Nội.

Bài báo trên viết thêm 30 tuổi vẫn chưa được khai sinh” là một câu chuyện khó tin nhưng có thật ngay giữa thủ đô Hà Nội.”

Đây có lẽ là một chuyện khó tin với nhiều người, nhưng những chuyện như thế này đã từng xảy ra không khó tin với chính quyền Việt Nam, và chắc chắn Kiều Giang, người viết bài trên, biết rõ giấy khai sanh hay căn cước công dân là điều bình thường mỗi công dân có quyền được cấp, và là người trong đảng, tác giả có thể hiểu chính quyền Việt Nam sử dụng  những thứ giấy tờ tùy thân đó như một thứ vũ khí, để nhẹ thì gây khó dễ vòi tiền, thậm chí nặng hơn, trong nhiều trường hợp vì lý do chính trị, trừng trị dân.

Từ thời thực dân Pháp đô hộ dân ta, truyền xuống đến nay, trong chế độ xã hội chủ nghĩa, giấy tờ tùy thân, kể cả giấy khai sinh, khai tử, hộ tịch, hộ khẩu, thậm chí hôn thú, học bạ đã là cái nhức nhối cho người dân, là cái dây trói tay trói chân người dân, chỉ thiếu một tờ giấy tùy thân kể trên, trong trường hợp nào đó, người gọi là công dân sẽ bị tuột xuống hạng hai, thậm chí hạng ba.

Bài báo “Tấm vé cuộc đời” của Kiều Giang viết tiếp “Lê Quốc Dũng- người bị bỏ rơi trên phố Cửa Bắc, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, TP Hà Nội khi mới 1 ngày tuổi đã không có giấy tờ tùy thân đến hơn 30 năm… Nhưng chính bởi không có giấy tờ tùy thân nào nên chẳng cá nhân, tổ chức nào “dám” nhận anh vào làm việc. Không xin được việc làm chính thức, anh chỉ thỉnh thoảng xin được việc làm lao động phổ thông tạm thời, bấp bênh”.

Không ai có thể biết được bao nhiêu người hiện đang ở trong tình trạng như anh Dũng. Anh không thể được gọi là công dân, không được tham dự các hoạt động bình thường của một con người có nhân vị, được kính trọng, và tệ hại hơn nữa, anh không thể kiếm được miếng cơm qua ngày để sống, không ai “dám” thuê mướn anh làm việc vì sợ rắc rối với chính quyền khi thuê mướn một người đang sống ngoài lề xã hội, người không được thừa nhận bởi chính quyền, một thứ chính quyền hết sức hà khắc, kiểm soát người dân đến chân tơ, kẽ tóc.

Trường hợp của anh Lê Quốc Dũng được bài báo đổ lỗi cho người nhận nuôi anh không rõ luật, ngay từ đầu lúc đem anh về làm con nuôi đã không biết thủ tục xin giấy tờ hợp thức hóa. Nhưng trong suốt từ những năm 2015-2020 những ngày tháng cơ cực khi vừa phải vật lộn để mưu sinh, vừa tuyệt vọng xin cấp giấy khai sinh của mình không thành, anh nói rằng, đó là những ngày tháng “cùng quẫn”, giống như một người “ở ngoài lề của xã hội” vậy.

Anh đã bị từ chối, đẩy đưa từ cửa quan này đến của công đường khác để xin được một tờ giấy có đóng mộc  giá trị bằng cả cuộc đời. Trường hợp anh Dũng có thể đổ lỗi bắt đầu do sơ suất của gia đình người nhận anh là con nuôi, nhưng không thể không thấy tính vô cảm, máy móc thậm chí đến vô nhân tính của các cửa quan anh Dũng gõ cửa suốt 6 năm.

Một trường hợp mới đọc thấy trên facebook của ông Huỳnh Công Thuận tại TP Hồ Chí Minh, ông sống như một người bên lề xã hội vì không được điều chỉnh giấy tờ tùy thân từ ngày ra tù cách đây hàng chục năm.

Không phải chỉ có những cá nhân riêng lẻ như ông Huỳnh Công Thuận, Lê Quốc Dũng mới bị phân biệt đối xử, nhiều cộng đồng dân cư trong nước Việt Nam đang sống trong tình trạng ‘vô tổ quốc’. Hàng ngàn hồ sơ của những con người xấu số, từ trẻ mới sinh ra không có khai sanh, cho đến người qua đời, chết không có giấy chứng tử, không được nhận vào nghĩa trang, bị gói xác chôn trong góc rừng nào đó, đã được báo cáo lên ủy ban nhân quyền Liên Hiệp Quốc.

Hơn 20 năm qua, hàng chục ngàn người dân tộc thiểu số trên cao nguyên Bắc, và Trung Phần Việt Nam theo đạo Tin Lành đã bị chính quyền địa phương bắt bỏ đạo. Một trong những biện pháp mang tính hệ thống được áp dụng bắt người dân bỏ đạo là  tịch thu giấy tờ tùy thân, lấy đất  canh tác,  đuổi ra khỏi bản làng khiến họ phải sống như thú hoang trong rừng sâu. Hàng chục ngàn người Mong, người Thượng Tây Nguyên  đã không chấp nhận bỏ đạo phải bỏ quê hương trốn đi, nhiều người lưu lạc qua các nước láng giềng  Lào, Thái, Miến Điện.

Hàng chục ngàn đồng bào Mông  vào các tỉnh cao nguyên miền Trung  ẩn trú. Các tiểu khu 179, 181, Bản Đoàn Kết.. thuộc tỉnh Lâm Đồng là những ví dụ. Sống lưu đày nơi đây, họ vẫn bị trừng phạt,  bị chính quyền đuổi khỏi chỗ đang lén lút ở trong rừng sâu, tịch thu nốt giấy tờ tùy thân. Họ bị tước đoạt quyền công dân, quyền căn bản của con người như  được học hành, làm việc, di chuyển, được chăm sóc y tế, quyền kết hôn, quyền sở hữu đất đai canh tác.

Nhà nước Việt Nam đổ lỗi cho họ là những người  ’di dân tự do’ bất chấp pháp luật nhà nước. Thực tế họ là những người bị đàn áp tự do tôn giáo, phải trốn tránh sự đàn áp của chính quyền nơi nguyên quán của họ. Giấy tờ tùy thân khai sinh, căn cước, hộ khẩu là vũ khí nguy hiểm nhất  chính quyền địa phương sử dụng để quản thúc và tước đoạt quyền sống, cắt đứt quan hệ với xã hội  của người không tuân phục.


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)