Anh Khoa dịch
(VNTB) – Cơ hội giành vị trí bá chủ của Trung Quốc sẽ biến mất khi các nước láng giềng phát triển.
Tác giả: Walter Russell Mead
Ngày 10 tháng 5 năm 2021
Cuộc tranh luận tại Mỹ về chính sách đối với Trung Quốc đang nóng lên. Tháng trước, Tạp chí Foreign Affairs đã đăng một bài báo của Charles Glaser kêu gọi Mỹ rút khỏi các cam kết ở Đông Á khi sức mạnh của họ suy giảm. Trong các ấn phẩm nổi bật từ National Interest đến The Atlantic, các nhà phân tích cho rằng Hoa Kỳ nên tiết chế chính sách Trung Quốc vì lý do ngược lại: Bắc Kinh là một con hổ giấy và không đáng được chú ý như vậy. Đi xa hơn theo khuynh hướng tự do, một số người đổ lỗi cho những người có khuynh hướng cứng rắn với Trung Quốc góp phần làm gia tăng tình trạng bạo lực chống lại người Mỹ gốc Á và muốn Hoa Kỳ có một chính sách mềm mại hơn đối với Trung Quốc nhằm xây dựng xã hội Mỹ.
Có thể hiểu được được những phản ứng này — cuộc thảo luận của người Mỹ đã tiến rất xa, rất nhanh. Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Richard Haass đã thúc giục Washington thực hiện cam kết chính thức bảo vệ Đài Loan trước cuộc tấn công của Trung Quốc, trong khi George Soros coi Tập Cận Bình là kẻ thù nguy hiểm nhất mà các xã hội tự do phải đối mặt. Và Ngoại trưởng Antony Blinken lặp lại quan điểm của người tiền nhiệm Mike Pompeo rằng việc Bắc Kinh đối xử với người Duy Ngô Nhĩ Trung Quốc là “tội ác diệt chủng”.
Những người có quan điểm ôn hòa đã đúng khi cho rằng điều hệ trọng như chính sách Mỹ-Trung cần được tranh luận kỹ lưỡng. Họ cũng đúng khi cho rằng trừ khi chính sách đó dựa trên đánh giá thực tế về chi phí và hậu quả, Hoa Kỳ có thể thấy tự cam kết thực hiện các chính sách mà cử tri trong nước và các đồng minh ở nước ngoài có thể không sẵn lòng ủng hộ khi tình hình trở nên khó khăn.
Nhưng vấn đề lớn nhất trong cuộc tranh luận về chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc ngày nay không phải là nó quá cứng rắn. Mà là cuộc thảo luận được định nghĩa quá đơn giản. Nguy cơ chiến tranh bị phóng đại quá mức, đánh giá thấp cơ hội đạt được các mục tiêu một cách hòa bình của Washington, phóng đại sức mạnh của Bắc Kinh và thổi phồng thách thức thành một mối đe dọa đang gia tăng theo hướng không cưỡng lại được, gần như không thể đánh bại được. Về lâu dài, triển vọng của Mỹ sáng sủa hơn nhiều so với những gì mà phe diều hâu hay phe bồ câu nhận định, nhưng chính vì lý do đó, những nguy cơ trong ngắn hạn có thể lớn hơn nhiều so với một số điều mà phe cứng rắn đã thừa nhận.
Việc định nghĩa quá đơn giản sai lầm ở chỗ coi Hoa Kỳ là một bá chủ đang suy yếu, ngày càng lo sợ trước một Trung Quốc đang trỗi dậy theo cách không thể cản được. Bắc Kinh không phải là nước bá chủ được tiền định của châu Á. Cũng giống như Nhật Bản trong những năm 1930, Trung Quốc chỉ là một quốc gia bị cám dỗ tạn dụng cơ hội tạm thời nhằm thay đổi khu vực theo cách mà họ hy vọng có thể đảm bảo thế bá chủ của mình trong dài hạn.
Nhật Bản là quốc gia châu Á vĩ đại đầu tiên phát triển năng lực công nghiệp hiện đại, và các nhà chiến lược Nhật Bản hiểu rằng những lợi thế mà điều này mang lại chỉ là thoáng qua. Khi Trung Quốc nói riêng và phần còn lại của châu Á nói chung trở nên phát triển toàn diện, cơ hội thống trị của Tokyo sẽ mất. Nhìn vào sự yếu kém của Trung Quốc, sự suy tàn của các đế quốc thuộc địa và sự thụ động hoàn toàn và vô trách nhiệm của Hoa Kỳ theo chủ nghĩa cô lập những năm 1930, phe cứng rắn của Nhật Bản đã đưa ra quyết định sai lầm chết người là cố gắng áp đặt quyền bá chủ của Nhật Bản lên châu Á.
Trung Quốc ngày nay, giống như Nhật Bản hồi đó, là một quốc gia mà sự phát triển nhanh chóng dường như đặt họ vị trí tối cao ở châu Á và toàn cầu trong tầm tay. Nhưng Bắc Kinh đã gặp may mắn trong một thời điểm may mắn hiếm có. Khi Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam, Philippines, Thái Lan, Bangladesh và Miến Điện đều đạt được tiềm năng, một châu Á đang trỗi dậy sẽ trở nên quá tầm thống trị hoặc kiểm soát đối với bất kỳ quốc gia nào, ngay cả Trung Quốc. Mục tiêu của Hoa Kỳ không nên là đè bẹp Trung Quốc mà là thúc đẩy châu Á.
Trong ngắn hạn và trung hạn, Washington cần làm việc với các đồng minh để ngăn Bắc Kinh khai thác cơ hội này. Trung Quốc có phe diều hâu, nhưng giới lãnh đạo lại thực dụng. Chừng nào Bắc Kinh hiểu rằng con đường quân sự không thể dẫn đến kết quả tốt, thì hòa bình có thể sẽ được duy trì. Không quốc gia nào khác ngoài Mỹ có thể đóng vai trò là trụ cột của một liên minh có thể ngăn chặn cơ hội này. Phe bồ câu có thể không thích thực tế đó, nhưng họ sẽ ít thích hậu quả của sự thất bại hơn.
Triển vọng sẽ sáng sủa hơn trong dài hạn. Hoa Kỳ không bị lên án trong một cuộc đấu tranh bất tận chống lại một Trung Quốc đang trỗi dậy theo cách không thể lay chuyển. Ngược lại: Khi phần còn lại của châu Á trỗi dậy, cơ hội giành quyền bá chủ của Bắc Kinh bắt đầu thu hẹp — và các đồng minh Ấn Độ – Thái Bình Dương của Washington sẽ có thể gánh nhiều chi phí hơn trong việc giữ gìn hòa bình.
Không có gì, kể cả việc rút lui và xoa dịu, là không có rủi ro. Khi Trung Quốc nhìn thấy cánh cửa bá quyền của mình đang đóng dần lại, phe diều hâu của Bắc Kinh có thể thúc đẩy một cuộc đua tranh giành quyền lực theo kiểu Nhật Bản. Mỹ và các đồng minh phải đề phòng điều này. Về lâu dài, việc duy trì các liên minh của Hoa Kỳ khi châu Á trỗi dậy sẽ đặt ra những khó khăn phức tạp về đạo đức và thực tiễn, thử thách sự khéo léo của các nhà ngoại giao Washington. Sự kết hợp thích hợp giữa can dự và cạnh tranh trong chính sách Trung Quốc của Mỹ sẽ khó có thể được xác định trong các các vấn đề từ Sáng kiến Vành đai và Con đường đến chính sách thương mại và tiêu chuẩn công nghệ.
Nhưng toàn cảnh là rõ ràng. Một châu Á hưng thịnh là câu trả lời cho vấn đề Trung Quốc của Hoa Kỳ. Các dân tộc và quốc gia Châu Á muốn độc lập và giàu mạnh. Công việc của Washington là giúp Giấc mơ Châu Á đó thành hiện thực.
Nguồn: WSJ