VNTB – Tăng lương công chức 30%: tăng giá chạy biên chế và nguy cơ vỡ nợ

VNTB – Tăng lương công chức 30%: tăng giá chạy biên chế và nguy cơ vỡ nợ

Cảnh Chân

 

(VNTB) – Tăng lương chưa chắc cải thiện chất lượng dịch vụ công, nhưng chắc chắn trở thành gánh nặng tài chính trong bối cảnh “ngân sách quốc gia như dòng sông cạn nước”.

 

 

Tăng lương thì sẽ tăng giá “chạy” biên chế Nhà nước

 

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, trong đó có nội dung về thực hiện chính sách tiền lương từ 1/7/2024. Chính sách tiền lương mới sẽ mở rộng quan hệ tiền lương từ 1 – 2,34 – 10 hiện nay lên 1 – 2,68 – 12. Theo đó, mức lương thấp nhất của công chức, viên chức sẽ tăng từ hệ số 2,34 lên 2,68; và hệ số lương cao nhất được tăng từ 10 lên 12.

Ngoài mức lương cơ bản này, chế độ tiền lương mới còn sắp xếp lại các loại phụ cấp chiếm tối đa 30% tổng quỹ lương (trong đó có trường hợp cao hơn 30% hoặc thấp hơn 30%) và 10% tiền thưởng. Như vậy, nếu tính cả lương cơ bản, phụ cấp và tiền thưởng thì tiền lương trung bình của công chức, viên chức sau khi thực hiện cải cách tiền lương tăng hơn 32% so với thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương (7,5 triệu đồng/tháng). (1)

Về mặt tích cực thì chính sách tiền lương mới này không chỉ là một biện pháp động viên tinh thần, mà còn là một bước quan trọng trong hướng dẫn phát triển năng lực của Nhà nước. Tăng lương làm tăng động lực làm việc của công chức, đồng thời cũng thể hiện sự đánh giá và công bằng trong chính sách tiền lương.

Sự tăng cường thu nhập không chỉ giúp họ duy trì cuộc sống, mà còn tạo động lực để họ nỗ lực, đóng góp tích cực vào công việc của mình. Đồng thời giúp thu hút và giữ chân những người tài năng, người có kinh nghiệm, từ đó đảm bảo sự ổn định và chất lượng trong đội ngũ công chức, viên chức Nhà nước.

Tuy nhiên, trong guồng máy tham nhũng của chế độ cộng sản thì có lẽ mong muốn tăng lương để giảm hối lộ, quan liêu chỉ là hi vọng viễn vông. Một là vì mức lương tầm 10 triệu mỗi tháng vẫn khó đáp ứng như cầu sống của quan chức Nhà nước trong bối cảnh lạm phát, tiền mất giá còn vật giá thì leo thang thang như hiện nay. Hai là họ đã phải “chạy” một số tiền gấp hàng trăm lần số lương để mua ghế, vô được biên chế Nhà nước.

“Việc tăng lương cơ bản có thể khiến mức giá chạy vào biên chế nhà nước tăng lên nhiều lần so với trước đây. Và như vậy các cán bộ viên chức sẽ tham nhũng nhiều hơn để bù vô phần đã chi”. Anh T.P., một du học sinh nói với phóng viên VNTB.

 

Nguy cơ vỡ nợ

 

Dự kiến tổng nguồn ngân sách Trung ương dành để thực hiện cải cách tiền lương khoảng 132 nghìn tỷ đồng; nguồn tích lũy của ngân sách địa phương khoảng trên 430 nghìn tỷ đồng. Như vậy ngân sách phải bố trí 562 nghìn tỷ đồng đảm bảo đủ thực hiện cải cách đồng bộ chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024 theo Nghị quyết 27/2018 của Trung ương khóa 12 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. (1)

Theo tính toán của Chính phủ, để thực hiện cải cách tiền lương, dự kiến tổng nhu cầu kinh phí tăng thêm từ ngân sách trong giai đoạn 2024 – 2026 là hơn 499 nghìn tỷ đồng. Trong đó chi cho cải cách tiền lương là 470 nghìn tỷ đồng, điều chỉnh lương hưu là 11,1 nghìn tỷ đồng và trợ cấp ưu đãi người có công là 18 nghìn tỷ đồng. (1)

Tăng lương công chức lên 30% tức là sẽ tăng chi ngân sách lên 30%. Quyết định này có thể tạo áp lực tài chính rất lớn khi mà “ngân sách Nhà nước là một dòng sông đã cạn” như lời bà Nguyễn Thị Kim Ngân nói năm 2019, khi còn là chủ tịch quốc hội.

Tăng lương thì Nhà nước cần phải duy trì cân đối ngân sách và đảm bảo các dự án quốc gia được thực hiện mà không tăng quá mức nợ công. “Lương tăng 30% thì nền kinh tế phải phát triển ngang hoặc bằng mức đó để đảm bảo thu chi. Ngay cả trong một doanh nghiệp, nhân viên muốn được tăng lương thì doanh thu công ty phải tăng tương ứng. Còn doanh thu đi ngang, hoặc đi xuống mà tăng lương thì chỉ có phá sản”. Anh T.P. nói tiếp.

Quá trình tăng lương mà không kèm theo các biện pháp khuyến khích cải thiện chất lượng dịch vụ công có thể dẫn đến sự thiếu động lực trong công việc. Bên cạnh đó, lương công chức tăng 30% có thể tạo ra chênh lệch lương lớn giữa các ngành nghề và tầng lớp trong xã hội. Đồng thời dẫn tới lạm phát khiến giá cả tăng cao. Điều này ảnh hưởng đến chi phí cuộc sống cho cả cộng đồng, đặc biệt là nhóm dân số có thu nhập thấp.

“Lương tăng là chuyện ai cũng muốn, nhưng đi kèm với đó phải là tăng chất lượng dịch vụ hành chính. Vì tiền lương công chức chính là tiền thuế người dân trả. Nếu lương tăng là không cải thiện được dịch vụ, mà còn gây lạm phát, kinh tế đi xuống, vật giá đi lên thì về lâu dài có thể dẫn tới vỡ nợ, sụp đổ nền kinh tế”. Anh T.P. bình luận với phóng viên VNTB.

 

________________

Tham khảo:

(1) https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/tu-ngay-1-7-2023-tien-luong-cong-chuc-vien-chuc-se-tang-bao-nhieu-119231112192024536.htm

 


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)