Việt Nam Thời Báo

VNTB- Tăng tuổi nghỉ hưu mâu thuẫn với Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị đảng?

Trần Thành – Hạnh Vũ

(VNTB) – Trong chuỗi hội thảo về sửa đổi Bộ Luật Lao động, vấn đề nâng tuổi nghỉ hưu tiếp tục nhận nhiều ý kiến phản đối, trong đó có cả lý lẽ là phía đưa ra đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu đã đi ngược lại chỉ đạo của Nghị quyết 39-NQ/TW, do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 17 tháng 04 năm 2015.

             Viên chức Nguyễn Phú Trọng đã bước sang tuổi 73…

Ra 2, vào 1
Nếu tăng tuổi nghỉ hưu thì công cuộc tinh giản biên chế theo Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị, với nguyên tắc “ra 2 vào 1”, tức là có 2 người ra khỏi hệ thống (nghỉ hưu hoặc tinh giản) thì mới được phép nhận 1 biên chế mới vào. Thế nhưng, thực tế thì sao, thời gian qua bộ máy hành chính, các cơ quan quản lý Nhà nước… càng giảm càng phình. Điều đáng nói, cái số phình ra ấy lại không hề hiệu quả mà trở thành gánh nặng cho ngân sách.
Do đó nói đến việc tăng tuổi nghỉ hưu trong lúc quản lý biên chế còn lỏng lẻo, hiệu quả quản lý lao động, năng suất lao động chưa cao, thì dễ vấp phản đối là lẽ đương nhiên. Với số lượng công chức, viên chức “sáng cắp ô đi tối cắp ô về” còn quá lớn như hiện nay, thì kéo dài tuổi nghỉ hưu là một hình thức hợp pháp hóa cho những trì trệ của hệ thống đang ngày càng trở nên trầm trọng.
Thứ nữa, việc bổ nhiệm, sử dụng cán bộ thời gian qua có quá nhiều vấn đề khiến dư luận bức xúc. Tình trạng “cả họ làm quan” không phải là chuyện hiếm. Điều này khiến dân chúng không còn lòng tin, rằng một chính sách an sinh xã hội ra đời sẽ được thực thi một cách khách quan, công bằng. Biết đâu đấy, trong số những người được kéo dài tuổi nghỉ hưu, phần lớn lại toàn những người có họ hàng thân thích, chứ chất lượng nguồn lực lại không có gì nổi trội.
Mặt khác, trong tình hình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ như hiện nay, nhiều người học bằng tiền, bằng quan hệ… thì thử hỏi lấy đâu ra nguồn nhân lực chất lượng?. Họ ngồi án ngữ trong hệ thống như những hòn đá tảng, làm tắc nghẽn sự phát triển. Nay lại có qui định hợp pháp cho những “cục máu đông” ấy thì liệu ai muốn ủng hộ?

Người lao động nói gì?
Cô sinh viên Nguyễn Thị Hồng Trâm, chia sẻ: “Cháu không biết được tại sao lại muốn tăng tuổi nghỉ hưu nữa. Hiện nay đất nước mình vẫn là nước nông nghiệp, đa số những người 40 50 tuổi hiện giờ đều là người sống nhờ vào lúa gạo. Có thể những người ngày nào cũng ngồi trên bàn giấy, người ta biết là vất vả, nhưng người ta không thấu nổi vất vả ấy của nhà nông đâu.
Cháu năm nay là sinh viên đại học năm 2. Cháu thấu rõ sự khó khăn của bố mẹ cháu, vất vả nạp bảo hiểm 30 năm. Quanh năm làm lụng vất vả. Chỉ lo cho con cái đủ ăn đủ học sau này đỡ vất vả. Chờ đến ngày được đi giám định nghỉ hưu, thì năm lần bảy lượt không được giải quyết… Các bác muốn cống hiến hãy cứ cống hiến, nhưng hãy để đó là con người lao động tri thức, còn người nông dân người ta không thể vì sức khỏe là có hạn Cháu thấy người lao động như bố mẹ cháu nữ 45, nam 50 đều già so với người cùng tuổi lao động đầu óc rất nhiều, bởi họ lam lũ hơn”.
Ông Phạm Vưu Tuấn, gay gắt: “Chẳng người lao động nào muốn tăng tuổi nghỉ hưu. Ý kiến tăng tuổi nghỉ hưu thực chất chỉ là lợi ích cá nhân mà thôi. Chẳng người lao động trực tiếp nào lại muốn tăng tuổi nghỉ hưu. Vì 55, 60 thì mắt đã mờ, chân đã chậm rồi. Lấy ví dụ như tôi là một giáo viên tiểu học một tuần dậy 23 tiết, còn một đống sổ sách giáo án phụ đạo bồi dưỡng học sinh năng khiếu. Hỏi tuổi đó có còn minh mẫn nữa hay không? hay nhìn chữ này ra chữ kia rồi?
Tốt hết là về hưu, để tuổi trẻ học năng động và nhiệt huyết có nhiều cơ hội cống hiến. Đừng nói mất cân đối quỹ bảo hiểm. Người lao động đang bị lỗ, nếu bảo hiểm thấy mất cân đối thì khi chúng tôi nghỉ hưu, hãy trả lại số tiền chúng tôi đóng 30 hoặc 37 năm bảo hiểm, và tính lãi như gửi ngân hàng trong 30 hoặc 37 năm đấy cho người lao động, để chúng tôi gửi ngân hàng mỗi tháng cũng được khoảng 6 triệu. Không may có bị bệnh chết, con cháu còn được một khoản làm vốn…”.

Vì sao người lao động muốn nghỉ hưu sớm?
Theo quy định tại Luật Bảo hiểm Xã hội năm 2014, người lao động về hưu trước năm 2018 sẽ được tính lương hưu theo bình quân 5 năm cuối, do vậy mức lương sẽ cao hơn so với về hưu giai đoạn từ sau 1-1-2018.
Cụ thể, người lao động về hưu trước 1-1-2018, đồng thời đáp ứng các điều kiện là tham gia bảo hiểm xã hội15 năm, đủ điều kiện về hưu sẽ được tính lương hưu bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội. Sau đó, cứ thêm 1 năm thì lại được tính thêm 2% với nam và 3% với nữ. Mức hưởng tối đa bằng 75% tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Từ năm 2018, theo quy định tại Luật Bảo hiểm Xã hội, có một số thay đổi trong chế độ hưu trí. Bên cạnh việc tăng dần tuổi nghỉ hưu do giám định y khoa, và tăng tỷ lệ trừ phần trăm (từ 1% lên 2%) tương ứng mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi, thì từ 2018 trở đi, cách tính tỷ lệ phần trăm lương hưu đối với cả nam và nữ cũng thay đổi. Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 phải đóng đủ bảo hiểm xã hội là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm. Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm sẽ được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm xã hội.
Vậy là nhiều người chuẩn bị đến tuổi về hưu đã dự tính sẽ xin nghỉ hưu sớm, để hưởng tỷ lệ phần trăm lương hưu cao hơn so với nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi. Ví dụ, hiện tại nếu một lao động nữ 53 tuổi, đã đóng bảo hiểm xã hội được 20 năm, so với điều kiện được hưởng hưu trí vẫn thiếu 2 tuổi theo quy định. Do năm 2018 sẽ chính thức áp dụng luật mới nên nghỉ hưu sớm lúc này sẽ có lợi hơn.
Theo các chuyên gia, với quy định trên thì cách tính tỷ lệ phần trăm lương hưu đối người lao động, đặc biệt là người nghỉ hưu trước tuổi từ 1-1-2018 sẽ ảnh hưởng nhiều đến mức lương hưu. Chính vì vậy, nhiều người muốn giám định sức khỏe để xin nghỉ hưu trước năm 2018.

“Đồng chí này là con đồng chí nào?”
Không biết từ lúc nào, khi một ai đó được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo, hoặc đơn giản chỉ cần được tuyển dụng vào cơ quan nhà nước, câu đầu tiên người ta thường hỏi nhau: “Đồng chí này là con đồng chí nào?”.
Việc ông Trịnh Xuân Thanh được đưa về làm phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang thì phải có quyết định của các cơ quan có thẩm quyền. Đưa ông Thanh vào Tỉnh ủy Hậu Giang thì phải có quyết định của Ban Bí thư, vì cấp đó là Ban Bí thư Trung ương Đảng quản lý, mà người giúp Ban Bí thư Trung ương Đảng là ai? Cơ quan nào? Và việc liên quan đó phải có quyết định của Thủ tướng, vì đây là vị trí phó Chủ tịch tỉnh, Thủ tướng quyết định trên cơ sở của ai đề nghị?

Hàng loạt rối rắm như trên, và sắp tới đây thêm chuyện tăng tuổi nghỉ hưu, công luận có quyền nghi ngại rằng với tư duy nhiệm kỳ, nhiều công bộc sẽ tiếp tục ‘nới tay’ ký những bổ nhiệm nhân sự, bất chấp chuyện “ra 2, vào 1” theo tinh thần của Nghị quyết 39-NQ/TW.

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.