Ngọc Lan
(VNTB) – Tập đoàn Hoa Sen cho một chiếc xe với hệ thống âm thanh cực đại đặt ngay cạnh chùa phát từ 7g sáng đến 22g tối những bài nhạc trẻ, nhạc rock, nhạc tình yêu…
Dịp Tết vừa qua, có một chiếc xe với hệ thống âm thanh cực đại đặt ngay cạnh chùa, những bài nhạc trẻ, nhạc rock xập xình, nhạc tình yêu phát từ 7g sáng đến 22g tối, đặc biệt lúc gần 60 sư cô tụng kinh thì âm thanh loa phát ra càng lớn. Phật tử và tín đồ đến chùa lễ Phật đều bức xúc với tiếng nhạc đinh tai nhức óc như thế này.
Vụ việc được cho là bắt nguồn từ tranh chấp đất đai giữa ông Lê Phước Vũ – Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty tập đoàn Hoa Sen với bà Nguyễn Thị Tương, tức sư cô Vĩnh Lạc – trụ trì chùa Dược Sư.
Chùa Dược Sư 2
Tài liệu cho biết, năm 2011, nhân duyên có hai chị em Phật tử Nguyễn Thị Thu Lan pháp danh Diệu Hương và Nguyễn Thị Điểm pháp danh Diệu Trang muốn cúng dường miếng đất hơn hai mẫu để xây dựng ngôi Tam bảo.
Vì chúng Dược Sư quá đông cần thêm một cơ sở để tu học và cũng để gieo duyên giải thoát cho đồng bào bản xứ, nên sau nhiều lần thỉnh cầu, cuối cùng Tôn Sư Hải Triều Âm (1920 – 2013) đã chấp nhận.
Và ngôi chùa cuối cùng do Tôn Sư sáng lập ở thế gian đã được xây dựng, Tôn Sư đặt tên cho ngôi Tam bảo nơi đây là chùa Dược Sư 2.
Chùa Dược Sư 2 tọa lạc dưới chân đèo Bảo Lộc, tại tổ dân phố 1, thị trấn Đạm Ri, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng. Mặt trước nằm sát quốc lộ 20, phía sau là một dòng suối trong mát chảy quanh năm, chung quanh những dãy núi chập chùng, một vườn trái cây sum suê, đủ loại chôm chôm, măng cụt, bưởi, mít…
Tháng 8-2012, Tôn Sư giáng đức làm lễ cầu nguyện khi đang khởi công xây dựng. Tháng 5-2013, Tôn Sư quang lâm để khai chuông hồng chung và lễ an vị tượng tại chánh điện.
Hiện nay chùa Dược Sư 2 đã xây dựng ngôi chánh điện và nhà tăng thành tựu viên mãn. Số chúng an trụ là hơn 60 vị chuyên tu học.
Chưa thỏa thuận xong đã… “mượn gió bẻ măng”
Hồ sơ vụ việc ghi nhận quyền sử dụng 9.398 m2 đất thửa 200, tờ bản đồ 12, tọa lạc thị trấn Đạ M’ri, huyện Đạ Huoai của bà Nguyễn Thị Tương có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CC 308743 ngày 10/12/2015, do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng cấp. Tuy nhiên có khoảng 5.000m2 đất hợp pháp của bà Tương, đang bị Công ty TNHH Tập đoàn đầu tư Hoa Sen (Công ty Hoa Sen) xâm hại.
Theo đó, Công ty Hoa Sen do ông Lê Phước Vũ là chủ sở hữu, có 02 thửa đất nằm giáp ranh với thửa đất số 200, tờ bản đồ số 12 của bà Nguyễn Thị Tương. Trước đó, do ông Vũ cần 1 con đường nhỏ đi ngang qua đất của bà Tương, để có đường đi lại giữa 02 thửa đất của mình, nên ông Lê Phước Vũ có đến gặp bà Nguyễn Thị Tương, thỏa thuận muốn nhận chuyển nhượng của bà Tương một diện tích đất, đủ làm một con đường nhỏ (vị trí nằm sát mép suối Đạ M’ri, thuộc thửa đất số 200 của bà Tương).
Theo thỏa thuận, ông Lê Phước Vũ sẽ trả cho bà Nguyễn Thị Tương lại một công trình là xây một phần nhà bếp trên thửa đất số 203, tờ bản đồ số 12 thị trấn Đạ M’ri do ông Vũ đứng tên chủ sở hữu nằm liền kề thửa đất số 201, tờ bản đồ số 12 của bà Nguyễn Thị Tương.
Việc thoả thuận được hai bên thỏa thuận miệng, chưa thực hiện công chứng theo quy định của pháp luật về chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Khi chưa thoả thuận xong ông Vũ đã cho công trình xây dựng, do bà Tương không đồng ý nên bà Tương đã chủ động tháo dỡ.
Trong văn bản số 12/CV-HSH/2021 của Công ty Hoa Sen gửi UBND thị trấn Đạ M’ri trình bày về vi phạm thỏa thuận trao đổi đất của bà Nguyễn Thị Tương. Trong văn bản Công ty Hoa Sen cho biết đang thực hiện dự án Đại Tùng Lâm Hoa Sen trong đó bao gồm xây dựng và lập hàng rào cả phần diện tích thửa đất số 200, 2021 tờ bản đồ số 12 do bà Nguyễn Thị Tương đang là chủ sở hữu.
Thế nhưng trong văn bản này, Công ty Hoa Sen không dẫn chứng được văn bản giao kết nào về việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất (hoán đổi đất với bà Tương) theo Điều 167 Luật đất đai.
Bất ngờ, giữa tháng 3/2021, Công ty Hoa Sen đã tự ý phá dỡ hàng rào bảo vệ khuôn viên đất thuộc thửa đất số 200 của bà Tương, dùng xe máy ủi, xe đào, múc toàn bộ tài sản trên đất với tài sản là khoảng 80 cây măng cụt từ 10 – 20 năm tuổi đang vào mùa thu hoạch và rất nhiều cây sầu riêng, chôm chôm và mít đã trồng lâu năm để thực hiện dự án Đại Tùng Lâm Hoa Sen.
Đồng thời ngang nhiên lập hàng rào lưới B40, chắn ngang đất thửa đất số 200 của bà Tương, tự ý cho xe đào bới, san lấp làm biến dạng hoàn toàn hiện trạng khoảng 5.000 m2 đất.
Khủng bố thay cho ‘nói chuyện luật’
Vào các ngày 26, 29/3/2021 và 08/4/2021 đại diện theo uỷ quyền của bà Nguyễn Thị Tương đã có buổi làm việc với UBND thị trấn Đạ M’ri được thể hiện trong các biên bản làm việc giữa các bên.
Đại diện bà Tương cho rằng, Công ty Hoa Sen làm trái Luật Đất đai. Thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất “bằng miệng” giữa bà Tương và Công ty Hoa Sen, trái quy định tại Khoản 3, Điều 167 Luật Đất đai năm 2013: “3. Việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất được thực hiện như sau: a) Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực”.
Công ty Hoa Sen tự ý sử dụng quyền sử dụng đất hợp pháp của bà Tương, mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép. Bên cạnh đó, Công ty Hoa Sen có hành vi làm biến dạng địa hình hoặc làm suy giảm chất lượng đất hoặc gây ô nhiễm đất mà làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Tương.
Tại các buổi làm việc, đại diện theo uỷ quyền đã yêu cầu UBND thị trấn Đạ M’ri xác minh và buộc ngừng hành vi xâm chiếm đất đai, đào múc, san lấp làm biến dạng đất để tự ý xây dựng công trình dự án trái pháp luật trên thửa đất số 200 của bà Nguyễn Thị Tương và yêu cầu xử lý theo quy định về những hành vi theo Điều 163 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái luật quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản”.
Thế nhưng trong khi pháp luật vẫn dằng dai thì dịp Tết Nhâm Dần vừa qua, Tập đoàn Hoa Sen cho một chiếc xe với hệ thống âm thanh cực đại đặt ngay cạnh chùa, những bài nhạc trẻ, nhạc rock xập xình, nhạc tình yêu phát từ 7g sáng đến 22g tối, đặc biệt lúc gần 60 sư cô tụng kinh thì âm thanh loa phát ra càng lớn…
1 comment
Nếu sự việc diễn ra đúng với tường thuật của tác giả bài báo này thì ông Lê Phước Vũ (Chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Hoa Sen) và cả những thành viên trong hội đồng quản trị Tập đoàn Hoa Sen thuộc loại tư bản đỏ có tư duy và hành vi của những kẻ đốn mạt – bất lương thời tư bản hoang dã.
Còn nhà cầm quyền ở thị trấn Đạm Ri – huyện Đạ Huoai – tỉnh Lâm Đồng vì cớ sự gì mà để cho bè nhóm Tập đoàn Hoa Sen tác oai – tác quái từng thời gian dài như vậy? Các vị là cán bộ của “Chính quyền Nhân dân” hay là cán bộ của “Chính quyền Tư bản đỏ”? Các vị là những cán bộ có trách nhiệm duy trì luật pháp trong xã hội hay là các vị là những người có quyền chức nhưng chỉ chú tâm bảo vệ quyền lợi bất chính của bọn tư bản đỏ và của chính các vị?
Nếu nhà cầm quyền ở tỉnh Lâm Đồng còn có những người biết vì dân, biết tôn trọng luật pháp, thì các vị hãy nhanh chóng trừng trị bè nhóm khủng bố Tập đoàn Hoa Sen, mang lại sự bình yên cho những người đang tu học ở chùa Dược Sư nói riêng và cho dân chúng trong địa phận mà các vị đang có trách nhiệm quản lý.