Khánh An dịch
(VNTB) – Vào ngày đẹp trời, từ quần đảo Matsu của Đài Loan có thể nhìn thấy hàng trăm tàu nạo vét của Trung Quốc khai thác cát trái phép.
Trong bối cảnh công chúng Đài Loan lo ngại về hàng nghìn tàu nạo vét cát trái phép của Trung Quốc ở eo biển Đài Loan, đặc biệt là những tàu đổ bộ gần các đảo ngoài khơi của Đài Loan một cách đáng báo động, chính phủ Đài Loan đang xem xét các quy định mới có thể tạo điều kiện cho việc đánh chìm các tàu nạo vét của Trung Quốc bị lực lượng bảo vệ bờ biển Đài Loan bắt giữ, Các đảo ngoài khơi bao gồm cả các bãi đá ngầm nhân tạo hoặc làm tàu mục tiêu trong các cuộc diễn tập quân sự. Tuy nhiên, không chỉ có Đài Loan gặp trường hợp này vì quy mô và phạm vi hoạt động nạo vét trái phép rộng lớn của Trung Quốc đã trở thành một vấn đề đa quốc gia.
Đánh chìm các tàu nạo vét bất hợp pháp bị bắt giữ sẽ báo hiệu một sự thay đổi rõ rệt so với việc bán đấu giá tàu bị tạm giữ trước đây của Đài Loan, điều mà các nhà phê bình cho rằng không đủ sức răn đe các hoạt động bất hợp pháp. Đây được coi là nỗ lực của chính phủ Đài Loan nhằm ngăn chặn tác hại do hoạt động nạo vét trái phép gây ra, làm thiệt hại tài nguyên hàng hải, sinh thái biển, thậm chí cả việc bảo trì cơ sở hạ tầng như cáp ngầm.
Từ quần đảo Matsu vào một ngày đẹp trời, có thể phát hiện hàng trăm tàu nạo vét của Trung Quốc khai thác cát trái phép. Quận đảo Lienchiang do Đài Bắc quản lý nằm cách đảo chính Đài Loan 200 km, nhưng chỉ cách bờ biển tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc 20 km. Từng là tiền tuyến của Chiến tranh Lạnh giữa những người Cộng sản và những người theo chủ nghĩa Dân tộc ở Đài Loan, quần đảo này hiện đang đối mặt với một loại mối đe dọa khác. Người dân ở Matsu lo ngại về việc ngày càng có nhiều tàu nạo vét trái phép hút hàng tấn cát từ đáy biển. Các tàu này thường xâm phạm vùng lãnh hải trong phạm vi 6.000 mét của quần đảo nơi được coi là vùng biển hạn chế của lực lượng hải cảnh Đài Loan.
Các tàu Trung Quốc hoạt động bất hợp pháp không chỉ giới hạn ở vùng biển gần Matsu. Đầu năm nay, các nhóm môi trường đã lên tiếng chỉ trích việc khai thác cát trái phép của Trung Quốc ở bãi Formosa, bãi cạn nằm ở phía nam của eo biển Đài Loan. Các nhà bảo vệ môi trường đã kêu gọi chính quyền Đài Loan kiềm chế các tàu nạo vét được cho là hút tới 100.000 tấn cát mỗi ngày, gây nguy hiểm cho tài nguyên hàng hải và gây ra hậu quả thảm khốc đối với sinh thái biển. Các quận đảo xa bờ khác như Kim Môn và Bành Hồ cũng đã chứng kiến sự gia tăng lớn số lượng các tàu hút cát Trung Quốc trên khắp các vùng biển lân cận.
Hoạt động nạo vét khi hút rất nhiều cát và nước lên tàu, có thể gây ra tác động lớn đến môi trường hàng hải. Khi tàu nạo vét hút cát ra khỏi đáy biển, các sinh vật biển sống ở hoặc gần đáy biển – cũng bị hút lên theo, thải ra cát khai thác với vỏ sò ốc và xác bị vỡ. Ngoài việc ảnh hưởng tiêu cực đến chuỗi thức ăn biển, môi trường sống dưới đáy biển phần lớn bị phá hủy trong quá trình này.
Tại Matsu, người dân địa phương cũng lo ngại rằng lượng lớn cát bị mất do khai thác có thể khiến bờ biển bị sụt – do thiếu cát đáy biển có thể gây ra hiệu ứng dây chuyền và đẩy nhanh quá trình xói mòn bờ biển. Hơn nữa, ngoài việc phản đối với động thái nạo vét do những lo ngại về môi trường, các tàu nạo vét gây ra ô nhiễm tiếng ồn khủng khiếp khi chúng hoạt động vào ban đêm. Có các ý kiến lo ngại về an ninh thông tin liên lạc khi cho rằng việc nạo vét cáct là một yếu tố có thể làm hỏng các tuyến cáp ngầm – như cáp internet và cáp điện thoại.
Xét trên bình diện khu vực, cộng đồng quốc tế cần yêu cầu Trung Quốc có trách nhiệm hơn trong việc ngăn chặn các hoạt động có hại cho môi trường. Hoạt động nạo vét ở Biển Đông đã làm dấy lên nhiều cuộc thảo luận quốc tế, đặc biệt là việc xây dựng các đảo nhân tạo cho mục đích quân sự. Philippines cảnh giác với các tàu cuốc Trung Quốc bất hợp pháp tham gia “khai thác cát đen” ở bờ biển phía bắc Philippines, cũng như các kế hoạch bồi đắp đất có thể xảy ra đối với bãi cạn Scarborough; trong khi đó, Hoa Kỳ cũng ám chỉ các biện pháp trừng phạt đối với các công ty Trung Quốc liên quan đến hoạt động cải tạo và nạo vét cát ở Biển Đông. Cùng với các dự án liên quan đến quân sự, hoạt động nạo vét của Trung Quốc có nhiều thành phần tham gia từ các công ty nhà nước trong các dự án cơ sở hạ tầng của chính phủ đến các dự án tư nhân. Cũng như nhiều vấn đề liên quan đến Trung Quốc, thường khó xác định ranh giới giữa nhà nước và tư nhân đồng thời cần có thêm thông tin để đưa ra bức tranh toàn cảnh hơn về ngành công nghiệp nạo vét khổng lồ.
Chính phủ Đài Loan hiện đang cân nhắc các biện pháp quyết đoán hơn để ngăn chặn hoạt động nạo vét của Trung Quốc, vì vấn đề này đã gây ra mối quan ngại mạnh mẽ từ nội các của Đài Loan. Trong một cuộc họp gần đây ở Matsu, Hung Sun-han nhấn mạnh sự cần thiết phải xem xét lại các quy định hiện hành để ngăn chặn hoạt động nạo vét trái phép. Trong khi các quy định hiện hành ưu tiên bán đấu giá các tàu Trung Quốc bị bắt giữ, có thông tin cho rằng các công ty nạo vét của Trung Quốc dễ dàng mua lại các tàu bị bắt thông qua trung gian Đài Loan. Ngược lại, đánh chìm các tàu bị bắt giữ sẽ gửi đi một thông điệp mạnh mẽ hơn, nêu bật quyết tâm của chính quyền trong việc bảo vệ các nguồn tài nguyên hàng hải trong khu vực.
*Wen Lii là chủ tịch của Đảng Dân chủ Liên bang mới thành lập, sống ở quần đảo Matsu. Ông là một nhà phân tích về chính sách đối ngoại và các vấn đề an ninh khu vực.