Việt Nam Thời Báo

VNTB – Tết, nhớ má…

ăn tết

Hiền Vương

 

(VNTB) – Mùi nhang trầm bâng khuâng. Mùi yêu thương về quanh đây. Những “mùi tết đậm đặc”  rồi sẽ theo ta suốt cuộc đời…

 

Tết, đi đến ăn bữa cơm ở bất kỳ gia đình người miền Nam nào cũng đều có món thịt kho tàu với phần thịt ba rọi nửa nạc nửa mỡ và hột vịt, dừa xiêm kho mềm với gia vị, và thêm một chút nước hàng sẽ cho ra được món ăn với màu nâu vàng sóng sánh.

Mùi thơm của nồi thịt kho tàu đặt trên bếp sôi sùng sục là một thứ mùi mê hoặc, kích thích vị giác. Hay một cái là, cùng là thịt kho tàu nhưng mỗi nhà lại là mỗi nồi thịt kho tàu khác nhau, nhưng ngon nhất với nhiều người – vẫn là món thịt kho mà hồi nhỏ mình từng được ăn do mẹ kho, để rồi giờ dù ở tuổi nào đi nữa thì cứ nhìn thấy nồi thịt kho tàu là nhớ má, và thấy Tết đến rồi.

Đi đâu và đến gia đình nào, nếu trúng bữa thì cũng sẽ thịt kho tàu, dưa giá, canh khổ qua dồn thịt. Nồi thịt kho tàu gần như tượng trưng cho mâm cỗ Tết, là món ăn chính của các gia đình miền Nam. Chỉ cần có nồi thịt kho, hâm đi hâm lại hàng ngày là họ có thể thoải mái rong chơi ta bà ba ngày Tết mà không phải lo đến chuyện nấu nướng trong những ngày có ních-nêm là mùng.

Và trong không gian đó, bữa ăn gia đình ngày thường đã quý, huống chi giờ là bữa ăn ngày Tết, nó còn quý hơn biết bao, vì đó là mâm Tết của buổi đoàn viên – dù không ít gia đình là sự đoàn viên trong mất mát của hậu Covid.

Tết là để đoàn tụ, là dịp con cháu trở về bên ông bà, cha mẹ, là khi những người làm ăn xa xứ trở về quê hương vui ngày hạnh ngộ.

Sinh tiền, má hay nói, “thời nay hay thời xưa gì thì cũng cần có Tết. Có Tết mới biết cội nhớ nguồn, mới về thăm ông bà tổ tiên. Quanh năm suốt tháng xa nhà, không có Tết thì biết đâu là bà con, ruột thịt”.

Má hay nói ngày thường chị em bây đi làm ăn xa, có mấy ngày Tết sao không về, về để xuống thăm mộ ngoại, để đi giẫy mả ông bà, để cháu chắt biết mộ phần tổ tiên ở đâu. Rồi thì anh em cả năm làm ăn tứ tán, không về họp mặt sao biết mặt nhau, sao biết đứa nào anh đứa nào em, đứa nào con đứa nào…

Vậy là mùng Một ăn bữa cơm gia đình, họp đầu năm và vui chơi, quanh quẩn trong nhà. Mùng Hai bắt đầu mỗi gia đình nhỏ về mừng tuổi bên chồng, bên vợ. Mùng Ba, mùng Bốn tập trung về ngoại, về nội đốt nhang. Mùng Năm, mùng Sáu thăm họ hàng bà con lâu năm chưa gặp. Mùng Bảy, mùng Tám từng thành viên lại tứ tản đi làm, học hành, lo công việc riêng của mình.

Chị hai của tôi ở bên kia bờ Đại Tây Dương gọi điện về cho hay chị không thể ghi tên vào chuyến bay ‘bảo hộ công dân’ nào như lời tuyên bố đầy hào sảng của Thủ tướng Phạm Minh Chính, “Đưa công dân còn mắc kẹt ở nước ngoài về nước ngay trong dịp Tết”.

“Không sao hết. Thay vì được ăn mâm cơm Tết giống hồi xưa má chuẩn bị, chị sẽ tự tay nấu mâm cơm Tết riêng và chia sẻ với đại gia đình mình qua màn hình voice chat…”, chị nói. Và vậy là khoảng cách đã không thể ngăn được những trái tim nóng.

Tết năm nay, mặc dù phải xa nhà, nhưng với những con người hiện đại thì Tết này họ vẫn được “đoàn tụ” gia đình. Đoàn tụ không còn gói gọn bởi định nghĩa sum họp trực tiếp, đoàn tụ với họ giờ đây chính là được cùng gia đình chia sẻ niềm vui ngày Tết và thưởng thức mâm Tết đậm đà vị nhà. Thông qua sự hỗ trợ của công nghệ, mong muốn đó giờ đây đã được đáp ứng hoàn toàn.

Thế nhưng nói gì đi nữa, bữa cơm đoàn viên trong ba ngày Tết vẫn là thứ bảo vật vô giá trong lòng mỗi người.


Tin bài liên quan:

VNTB – Thằng Sứ Quán 

Do Van Tien

VNTB- Tiếng rao ‘ba giờ rồi’…

Phan Thanh Hung

VNTB – Tượng đài để làm gì?

Phan Thanh Hung

1 comment

Nguyễn Tuấn Anh 01.02.2022 7:51 at 07:51

Đọc bài này tự nhiên nhớ Đảng các bác dễ sợ lun . Hồi đó sinh hoạt Đoàn, Tết là lúc các đồng chí đi thăm hỏi & tặng quà các gia đình cách mạng trong khu vực . Dần dần trở thành 1 nét đẹp của văn hóa Tết xã hội chủ nghĩa . Cứ mỗi Tết đến lại nhớ tới nét văn hóa đẹp đó .

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo