Việt Nam Thời Báo

VNTB – Thách đố vua tiếng Việt

 

Nguyễn Đình Cống

 

(VNTB) – Việc sáng tạo không cần đổi mới, nói đổi mới việc sáng tạo là vô nghĩa

 

Gần đây trong tiếng Việt xuất hiện thuật ngữ “Đổi mới sáng tạo”. Không biết ai nghĩ ra và nói đầu tiên, nhưng hiện nay nó được nhiều vị có chức trọng quyền cao rất thích dùng để hô hào mọi người, rồi còn có thể đưa vào nghị quyết nữa. Mà dùng như một con vẹt, vì tôi dám chắc rằng họ không hiểu bản chất, không hiểu quan hệ ngữ pháp giữa hai từ đó như thế nào. Riêng tôi, xin thú thực, đã suy nghĩ nhiều mà không giải nghĩa được.

Tôi cũng đã tìm trong một số từ điển mà chưa thấy nơi nào giải thích. Hỏi xem những người giỏi ngoại ngữ, khi dịch ra tiếng anh, tiếng Pháp, tiếng Nga  thì dịch như thế nào, hình như trong các ngôn ngữ ấy chưa có cụm từ tương ứng.  

Vậy xin thách đố vua tiếng Việt giải nghĩa để cho những người chức trọng quyền cao có được tự tin khi hô hào mọi người đổi mới sáng tạo, để lỡ ra khi có kẻ thù địch nào yêu cầu giải thích thì còn cụ quậy được. Nếu không giải thích được thì để cho các nhà ngôn ngữ học sáng mắt, sáng tai ra mà biết rằng  khi đã có quyền lực lớn thì ngay tòa án cũng không cần bảo vệ công lý mà tuyên những bản án bỏ túi chứ nói gì đến việc người có quyền phải tuân thủ ngữ pháp khi nói. Lời nói gió bay mà.

Tôi xin trình bày suy nghĩ như sau. Đổi mới là một động từ, đi sau nó cần một bổ ngữ hoặc trạng ngữ. Bổ ngữ để trả lời cho câu hỏi đổi mới cái gì, trạng ngữ trả lời câu hỏi đổi mới như thế nào. Sáng tạo cũng là một động từ, đổi mới đã bao gồm sáng tạo. Nếu muốn dùng sáng tạo như một danh từ  làm bổ ngữ thì cần thêm chữ việc, hoặc sự (việc sáng tạo, sự sáng tạo).

Nhưng đứng về nghĩa mà xét thì việc sáng tạo không cần đổi mới, nói đổi mới việc sáng tạo là vô nghĩa. Khi muốn dùng sáng tạo như trạng ngữ thì cần nói ‘đổi mới một cách sáng tạo’, nhưng nói như thế là một cách vơ quàng vơ xiên mà thôi.

Nhân có một số người bàn về cuộc thi tìm “vua tiếng Việt”, tôi xin mạo muội nêu vài ý, mong góp phần làm trong sáng ngôn ngữ của dân tộc, nếu có chỗ nào chưa chính xác xin được các bậc cao minh chỉ giáo.


 



Tin bài liên quan:

VNTB – Lại chuyện ngôn ngữ: ‘Giải mã’ hay ‘Giải thích/Giải độc’?

Phan Thanh Hung

VNTB – Bình luận vài ý trong bài báo của Tổng bí thư (kỳ3)

Do Van Tien

VNTB – Muồi Mẫn hay Mùi Mẫn

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo