Sơn Trà
(VNTB) – Nếu Hội đồng thẩm định thấy sai sót và nói như GS Thuyết sẽ chỉnh sửa sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 cho phù hợp, thì hàng triệu cuốn sách đã bán rồi làm sao đây?
Xé bỏ trang nào sai dán đè lên trang mới à? Có thu hồi, đổi trả hay phụ huynh lại thêm một lần tiền nữa, và nhà xuất bản, công ty phát hành bỗng dưng có thêm lợi nhuận? Quan trọng là khoản hoa hồng phát hành sách sẽ ‘hồi tố’ thế nào về chuyện ăn chia với nhiều tầng nấc – đặc biệt là từ chuyện các hiệu trưởng những trường tiểu học đã chọn bộ sách này để giảng dạy?
“Ước gì các ông ấy cứ ngồi yên đó lĩnh lương! Còn sách giáo khoa, chương trình học từ năm 1975 đổ về trước cứ giữ nguyên thì biết ơn các ông ấy quá!” – không ít người dân Sài Gòn độ tuổi ngoại ngũ tuần, nói.
Ví dụ ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa năm 1960, khi học trò học lớp vỡ lòng (là lớp 1 bây giờ) một bài học chỉ có đúng một dòng: “Phố phở phố có nhà to”. Mục đích chính của người làm sách là để các cháu nắm được chữ “Ph”. Mục đích thứ hai là nhận biết hai cái dấu ở hai chữ “ố” và “ở…”. Nội dung cũng dễ nhớ, hình ảnh đẹp. Có bé 6 tuổi học, mấy đứa em nhỏ hơn thuộc theo.
Ở miền Nam tư bản, học trò ê a vần “ư” bằng “ư, ông sư, cái lư”. Đơn giản vì đó là lớp vỡ lòng.
Danh mục sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư – Lớp Đồng Ấu (hồi đó gọi là lớp Năm, Ðồng ấu – Cours Enfantin) mà học trò miền Nam có thời từng học, gồm có các bài tập đọc với tựa như sau: 1. Tôi đi học. 2. Tập đọc. 3. Tập viết. 4. Yêu mến cha mẹ. 5. Giúp đỡ cha mẹ. 6. Thân thể người ta. 7. Khuyến học. 8. Đồ dùng của học trò. 9. Tràng (trường) học làng tôi. 10. Ăn uống có lễ phép. 11. Đứa trẻ có lễ phép. 12. Những giống vật nuôi trong nhà. 13. Gọi dạ bảo vâng. 14. Người học trò tốt. 15. Người học trò xấu. 16. Đi phải thưa, về phải trình. 17. Thờ cúng tổ tiên. 18. Học trò đối với thầy. 19. Anh em bạn học. 20. Sớm tối thăm nom cha mẹ. 21. Mùa cấy. 22. Mùa gặt. 23. Anh em như thể tay chân. 24. Chú bác cô dì. 25. Thức khuya, dậy trưa. 26. Học quốc ngữ. 27. Cảnh mùa xuân. 28. Mùa mưa. 29. Mấy điều cần cho sức khỏe. 30. Làm ruộng phải mùa. 31. Công việc ngoài đồng. 32. Con gà sống (trống). 33. Phải sạch sẽ. 34. Cây tre. 35. Chim hoàng anh. 36. Học hành phải siêng năng. 37. Cháu phải kính mến ông bà. 38. Cây to bóng mát. 39. Thờ mẹ kính cha. 40. Đừng để móng tay. 41. Chớ nhổ bậy bạ. 42. Việc cày cấy. 43. Quyển gia phả (gia phổ). 44. Cái đồng hồ của anh tôi. 45. Ngày giờ. 46. Cầu mưa. 47. Con cóc. 48. Chim chèo bẻo. 49. Thương yêu kẻ tôi tớ. 50. Không nên tắm rửa nước bẩn (dơ). 51. Đói cho sạch rách cho thơm. 52. Con trâu với người đi cày. 53. Tham thực cực thân. 54. Cả nhà ai cũng có công việc. 55. Cánh đồng nhà quê.
Trong sách này, những tiếng đứng giữa ngoặc đơn, hay ( ), là tiếng Trung kỳ của tiếng Bắc kỳ đứng trước; những tiếng có số ở dưới bài là tiếng Nam kỳ của tiếng Bắc kỳ có số viết lên trên (superscript) tương ứng. Ví dụ 1: này (nầy); (nầy): tiếng “nầy”, đứng giữa ngoặc đơn ( ), là tiếng Trung kỳ của “này”, tiếng Bắc kỳ.
Ví dụ 2: xin xem câu “Năm nay tôi lên (1) bảy” trong bài “1. Tôi đi học” dưới đây và tiếng có số “(1) nên”, bên dưới bài (nhưng không nằm trong phần giải nghĩa). Ở đây với “(1) nên” có nghĩa là “nên” là tiếng Nam kỳ của “lên” (1), tiếng Bắc kỳ với số viết lên trên ở đây là (1). Nói cách khác, “lên” là tiếng Bắc kỳ và “nên” là tiếng Nam kỳ có cùng một ý nghĩa. Xem chú cước ở cuối bài tiểu dẫn trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư – Lớp Đồng Ấu.
Ngoài ra với các từ ghép, Quốc Văn Giáo Khoa Thư ấn bản năm 1935 hay dùng dấu nối, hay hyphen (-), giữa các từ này. Ví dụ: cao-ráo, lêu-lổng trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư ấn bản năm 1935. Ngày nay ít ai dùng dấu nối (-) giữa các từ ghép, trừ các từ phiên âm từ các tiếng nước ngoài, như bu-gi, ki-lo-gam (do các từ bougie, kilogramme của Pháp).
1. Tôi đi học
Năm nay tôi lên (1) bảy. Tôi đã lớn. Tôi không chơi đùa lêu lổng như mấy năm còn bé.
Tôi đi học. Tôi học đọc, học viết, học tính, học vẽ và nhiều khoa học khác nữa.
Tôi cố tôi học. Tôi chăm tôi học. Học sao cho mau tấn tới, cho “văn hay chữ tốt”, cho cha mẹ và thầy giáo được vui lòng.
_____
(1) nên.
Giải nghĩa:
Lêu lổng = tha hồ chơi đùa không ai ngăn cấm.
Khoa học = các môn học dạy ở nhà tràng như luân lý, toán học, địa dư, sử ký.
Tấn tới = mỗi ngày một giỏi hơn lên.
Văn = chỉ các bài làm.
Bài tập
Học tiếng: Lêu lổng – khoa học – cố học – chăm học – tấn tới – văn hay chữ tốt – vui lòng.
Câu hỏi: Năm nay anh lên mấy? – Anh ra tràng học được bao lâu rồi? Anh học những gì? – Anh học làm sao?
… Xem ra nếu như được học hành trở lại như ngày xưa với những bài học đầu đời của Quốc Văn Giáo Khoa Thư, chắc sẽ không phải tiêu tốn ngân sách bạc ngàn tỷ cho chuyện cải cách sách giáo khoa mà chẳng đâu vào đâu!
***
Quốc Văn Giáo Khoa Thư từ lâu đã được coi là bộ sách giáo khoa Tiếng Việt đầu tiên của Việt Nam. Bộ sách do Nha học chính Đông Pháp xuất bản vào khoảng những năm 20, đầu thế kỷ 20, với sự tham gia của các soạn giả tên tuổi, đều tốt nghiệp trường Thông ngôn: Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc và Đỗ Thận. Ra đời với mục đích dạy chữ quốc ngữ cho học sinh cấp Sơ học yếu lược (tương đương với ba năm đầu tiểu học ngày nay) từ Bắc vào Nam, bộ sách gồm ba quyển:
– Quyển dành cho lớp Năm (Ðồng ấu – Cours Enfantin): 34 bài đầu dạy trẻ các chữ cái và đánh vần, 55 bài sau là các bài tập đọc.
– Quyển dành cho lớp Tư (Dự bị – Cours Préparatoire) gồm 120 bài tập đọc.
– Quyển dành cho lớp Ba (Sơ đẳng – Cours Elémentaire) gồm 84 bài tập đọc.
Các bài tập đọc luôn lồng ghép nội dung về luân lý, lịch sử, địa lý, vệ sinh, tự nhiên… kèm theo phần giải thích từ ngữ, bài tập và tập viết. Mỗi bài đều có hình minh họa, theo lối tranh khắc gỗ hồn nhiên, chân phương mà có tài liệu cho là của họa sĩ Nam Sơn Nguyễn Văn Thọ.
Gần một thế kỷ đã trôi qua, nhưng những bài học trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư vẫn còn nguyên giá trị, đọng lại rất nhiều ấn tượng và tình cảm đẹp trong lòng người học nhờ tính giáo dục và sư phạm cao, ngôn ngữ ngắn gọn, dễ hiểu, gần gũi với tâm lý trẻ em.
(Trích lời giới thiệu của Nhà xuất bản Kim Đồng về tái bản bộ sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư – https://www.fahasa.com/quoc-van-giao-khoa-thu-tai-ban-2020.html)